Nhóm cổ phiếu bán lẻ nổi sóng, HDB ngược dòng bank tiếp tục tỏa sáng

Nhóm cổ phiếu bán lẻ nổi sóng, HDB ngược dòng bank tiếp tục tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất ngày, cùng thanh khoản thấp nhất tháng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bán lẻ đã ngược dòng thành công với nhiều mã tăng ấn tượng.

Sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên sáng, thị trường đã quay đầu giảm điểm và giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại. Trong đó, áp lực bán mạnh hơn trong phiên giao dịch chiều đã khiến sắc đỏ lan rộng hơn và VN-Index lùi về mức giá thấp nhất trong ngày.

Trái với diễn biến không mấy khả quan của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bán lẻ đã ngược dòng tỏa sáng. Trong đó, điểm sáng là cổ phiếu FRT.

Sau khi ghi nhận mức tăng khá tốt ở phiên sáng, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh đã nhanh chóng kéo FRT tăng trần thành công chỉ sau hơn 10 phút mở cửa. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, FRT tăng 6,9% lên mức giá trần 71.600 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong gần 1 năm qua (tính theo giá cổ phiếu đã điều chỉnh).

Cùng diễn biến bốc đầu về giá, cổ phiếu FRT cũng ấn tượng với thanh khoản chỉ thua chút ít so với phiên cao nhất trong nửa đầu năm 2023 (phiên 7/2 khớp 2,86 triệu đơn vị). Đồng thời, kết phiên FRT dư mua trần gần 0,15 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong nhóm bán lẻ cũng đảo chiều hồi phục tích cực như MWG tăng 1,4% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,5 triệu đơn vị, PET tăng gần 2%, DGW tăng 3% lên mức giá 41.600 đồng/CP...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ngược dòng thị trường và giao dịch khởi sắc hơn với sắc xanh lan rộng hơn trên toàn ngành. Trong đó, SSI tăng 1,38%, CTS tăng 2,38%, AGR tăng 1,07%, còn lại đều tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu thép có phần tích cực hơn trong phiên chiều, đáng kể là HPG hồi phục sắc xanh và bật tăng 1,4% lên mức giá 26.150 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động trở lại với hơn 23 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngược lại, dòng bank “trở mặt” là gánh nặng chính của thị trường với các mã lớn đi đầu như VCB giảm 1,86%, BID giảm 2,58%, CTG giảm 1,34%, còn lại TCB, VPB, MBB, VIB, TPB, MSB, OCB đều giảm trong biên độ hẹp.

Tuy nhiên, vẫn có những mã bank ngược dòng thành công. Điển hình là cổ phiếu HDB nhờ thông tin tích cực, rằng ngày 19/7 tới đây Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu, được thực hiện ngay sau thời điểm trả cổ tức 10% bằng tiền mặt. Đóng cửa, cổ phiếu HDB vẫn giữ mức tăng 1,36% lên mức 18.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

Một trong những mã đáng chú ý khác trên thị trường là cổ phiếu GEX. Lực cầu tăng mạnh mẽ đã giúp GEX ngược dòng thị trường chung và tăng vọt 4% lên mức giá cao nhất ngày 19.350 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản của GEX cũng vọt tăng khi đứng ở vị trí thứ 6 trên toàn thị trường, đạt hơn 14,43 triệu đơn vị khớp lệnh.

Với diễn biến không mấy khả quan của dòng bank nói trên, cùng đà giảm nới rộng hơn ở nhiều mã lớn khi tìm về mức giá thấp nhất ngày khi kết phiên như GAS giảm 1,7%, VIC giảm 1,5%, VNM giảm 1,1%..., đã đẩy VN-Index về ngưỡng 1.120 điểm. Kết thúc tháng 6, chỉ số VN-Index đã tăng 45 điểm điểm, tương ứng tăng gần 4,2% và tính chung 6 tháng ghi nhận mức tăng khá tốt, đạt hơn 113 điểm, tương ứng tăng 11,23%.

Tuy nhiên, phiên hôm nay thị trường đã ghi nhận mức thanh khoản thấp nhất trong tháng 6, dù cao hơn mức trung bình của tháng 5, nhưng phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau pha điều chỉnh giảm khá sâu ngày hôm qua và trước những dự báo thị trường không mấy khả quan trong tháng 7 tới đây. Như xu hướng chung trong những năm gần đây thì tháng 7 thị trường giảm khá mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 167 mã tăng và 249 mã giảm, VN-Index giảm 5,21 điểm (-0,46%), xuống 1.120,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 906,8 triệu đơn vị, giá trị 17.347,6 tỷ đồng, giảm 31,9% về khối lượng và 27,25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 70,07 triệu đơn vị, giá trị 2.215,72 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn về cuối phiên nhờ lực cầu gia tăng mạnh, tuy nhiên thị trường vẫn chưa thể lấy lại được “thăng bằng”.

Chốt phiên, sàn HNX có 70 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,07%), xuống 227,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,93 triệu đơn vị, giá trị 1.076,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,77 triệu đơn vị, giá trị 180,56 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX có phần kém tích cực hơn các thành viên cùng ngành trên sàn HOSE khi nhiều mã như IVS, HBS, BVS vẫn không thoát khỏi sắc đỏ. Tuy nhiên, SHS là điểm sáng khi đảo chiều thành. Đóng cửa, SHS tăng 1,5% lên mức 13.200 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động với 14,52 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, MBS tăng nhẹ 0,5% và khớp lệnh hơn 1,95 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO vẫn không thoát khỏi đà giảm mạnh, đóng cửa giảm 4,4% xuống mức 23.800 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt 12,21 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm nhà apec, APS vẫn dư bán sàn 8,97 triệu đơn vị, IDJ dư bán sàn tới hơn 11,94 triệu đơn vị và API dư bán sàn hơn 4,11 triệu đơn vị. Các cổ phiếu này chỉ khớp một đến vài trăm nghìn đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đảo chiều thành công về cuối phiên

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (-0,43%), lên 86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,58 triệu đơn vị, giá trị 501,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,54 triệu đơn vị, giá trị 42,61 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giảm 1,1%, đóng cửa tại mức giá 17.300 đồng/CP, với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 6,28 triệu đơn vị.

Đứng ở vị tri tiếp theo là các cổ phiếu nhỏ DCS, PVX, VHG khớp hơn 2-3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa đều giảm khá mạnh.

Cổ phiếu đáng chú ý là QNS ngược dòng thành công khi tăng 1,1%, đóng cửa tại mức giá 47.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 0,93 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng giảm, với VN30F2307 tăng nhẹ 2,3 điểm, tương đương +0,2% lên 1.117,3 điểm, khớp lệnh 151.936 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo, nhưng mã khớp lệnh cao nhất với hơn 1,61 triệu đơn vị là CHPG2306 lại tăng 2,4% lên 2.110 đồng/cq.

Tin bài liên quan