Nhóm quỹ đến từ Singapore vừa mua thêm hơn 4 triệu cổ phiếu Thế giới Di động (MWG)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi nhóm Dragon Capital liên tục bán ra, một nhóm quỹ mới đến từ Singapore đã mua vào cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG – sàn HoSE) để nâng sở hữu lên 8,12% vốn điều lệ.
Nhóm quỹ đến từ Singapore vừa mua thêm hơn 4 triệu cổ phiếu Thế giới Di động (MWG)

Cụ thể, ngày 3/2, nhóm tổ chức liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte., Ltd vừa mua vào 4.017.100 cổ phiếu MWG để nâng sở hữu từ 7,85% lên 8,12% vốn điều lệ. Trong đó, Arisaig Global Emerging Markets Fund (Singapore) Pte, Ltd mua vào 2.870.500 cổ phiếu MWG; và Mercer QIF Fund Public Limited Company mua vào 1.146.600 cổ phiếu MWG.

Theo tìm hiểu, Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd là một công ty quản lý đầu tư độc lập được thành lập vào tháng 10 năm 1996 và có địa chỉ tại Singapore.

Ngược lại, nhóm Dragon Capital liên tục bán ra và giảm sở hữu tại Thế giới Di động. Trong đó, ngày 26/12/2022, quỹ này bán ra 5,3 triệu cổ phiếu MWG; và ngày 3/2/2023, quỹ Dragon Capital tiếp tục bán thêm 5.343.700 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 9,33% về còn 8,96% vốn điều lệ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 619,02 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 7,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 554,6 tỷ đồng lên 7.929,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 23,3%, tương ứng giảm 94,5 tỷ đồng về 311,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68,5%, tương ứng tăng thêm 155,1 tỷ đồng lên 381,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25,1%, tương ứng tăng thêm 1.382,9 tỷ đồng lên 6.895,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 60,4%, nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay

Luỹ kế trong năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.101,7 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Được biết, nhắc tới Thế giới Di động, nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt, trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.

Có thể thấy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm từ năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng liên tục gặp khó và liên tục tái cấu trúc nhưng không được như kỳ vọng. Gần đây, Công ty tham gia thêm lĩnh vực bán lẻ thuốc nhưng nhanh chóng tạm dừng kế hoạch mở rộng chuỗi Nhà thuốc An Khang.

Bách hóa Xanh lỗ kỷ lục 2.744,1 tỷ đồng trong năm 2022

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Thế giới Di động giảm 11,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 7.137,2 tỷ đồng về 55.834,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 25.696,1 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 15.120 tỷ đồng, chiếm 27,1% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 9.727,5 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.070,1 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm, biến động lớn chủ yếu khoản mục tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 17,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 3.258,6 tỷ đồng về 15.120 tỷ đồng; tồn kho giảm 11,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 3.471,1 tỷ đồng về 25.696,1 tỷ đồng …

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, lỗ thuế CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh là 2.744,1 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2016 là lỗ 7.157,5 tỷ đồng; Đối với CTCP Bán lẻ An Khang, năm 2022 lỗ thuế 306,2 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2019 đến năm 2022 là 318,6 tỷ đồng; đối với MWG (Cambodia) Co., Ltd, lỗ thuế năm 2022 là 330,6 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2017 đến năm 2022 là 604,7 tỷ đồng.

Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, Thế Giới Di động đang sở hữu 1.190 cửa hàng Thế giới Di động (đầu năm 970 cửa hàng); 2.284 cửa hàng Điện Máy Xanh (đầu năm 1.992 cửa hàng); 1.728 cửa hàng Bách hoá Xanh (đầu năm 2.106 cửa hàng); 500 nhà thuốc An Khang…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu MWG giảm 500 đồng về 44.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan