Nông dân muốn vay không cần tài sản đảm bảo, Phó thống đốc nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
NHNN chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Nông dân muốn vay không tài sản đảm bảo

Sáng 29/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. Chủ đề của Hội nghị là: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Quang Thắng, Giám đốc HTX Rau VietGAP đến từ Quảng Ninh đã đặt câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ về hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề khoanh nợ, giãn nợ và tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất sau đại dịch và thứ hai là giải pháp để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải giữ tài sản để đảm bảo.

Giải đáp hai câu hỏi trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn được Ngân hàng Nhà nước coi là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay.

Trước hết về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, trước tác động của dịch Covid-19, từ khi thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, đến thời điểm hiện nay, 2 triệu tỷ đồng đã được hưởng từ chính sách này, gần 700.000 tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu, hoãn giãn những khoản nợ đến thời hạn phải trả, hơn 40.000 tỷ đồng bằng nguồn lực của ngân hàng thương mại đã hỗ trợ, giảm, giãn, hoãn các khoản lãi cho doanh nghiệp nói chung trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nguồn lực của ngành Ngân hàng, Chính phủ tiếp tục ban hành tiếp gói 350.000 tỷ đồng, trong đó riêng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất.

Theo Phó thống đốc, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn, chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đến nay, có thể nói đã tạo điều kiện trao tự quyết cho các ngân hàng thương mại trong việc cho vay, tín chấp hoặc thế chấp.

Chính vì vậy, về việc vay không cần tài sản thế chấp, Phó thống đốc thông tin, các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm cung ứng vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phải tạo điều kiện thuận lợi.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giao cho Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh làm việc với ông Lê Quang Thắng, xem xét đề xuất chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định, cho vay và thu nợ là nguyên tắc tín dụng, để đảm bảo thu nợ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tín dụng đen đã giảm một nửa

Tại Hội nghị, chị Trần Thị Thanh Thoan, đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam lại băn khoăn về tình trạng vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.

Trả lời câu hỏi này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2017, qua việc khảo sát các tỉnh trọng điểm về tín dụng đen, ngành ngân hàng nhận định việc mở rộng tín dụng chính thức sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Chính vì vậy, từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể.

Về cơ chế chính sách, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh song song với đó là kiểm soát chặt lĩnh vực này, tránh sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng chính thức, giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn. Kết quả, đến nay có 2,1 triệu tỷ đồng phục vụ cho vay tiêu dùng, trong đó trên 700.000 tỷ đồng phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn, cấp thiết của người dân.

Ngân hàng Nhà nước cũng giao Agribank triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, cụ thể khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ). Đến cuối tháng 4/2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.748 tỷ đồng với 95.948 khách hàng còn dư nợ...

Với những chính sách hiệu quả trên, theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an, tỷ lệ tín dụng đen so với năm 2017 đã giảm hơn một nửa. Phó thống đốc khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, để giải quyết vấn đề tín dụng đen cần lực đẩy từ hai phía, các tổ chức tín dụng chủ động tìm đến với người dân, tuyên truyền giúp người dân thấy thủ tục đơn giản, không ngại tìm đến với ngân hàng. Thứ hai là kết hợp với chính quyền cơ sở, tạo điều kiện để ngân hàng nắm được thân nhân, mục đích vay chính đáng.

Tin bài liên quan