Bảo Nguyễn, Trưởng đại diện GRI Vietnam.

Bảo Nguyễn, Trưởng đại diện GRI Vietnam.

Phát triển bền vững, cuộc hành trình đi về tương lai

(ĐTCK) Trên con đường phát triển bền vững, các thành viên thị trường cần đóng vai trò chủ động. Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức tư nhân, chuyên gia đều phải nhìn về một hướng.

Phát triển bền vững không còn là xu hướng, bởi nó đã trở thành phần thiết yếu của hoạt động kinh doanh. Đây không phải phạm trù bắt buộc bởi luật pháp mà từ yêu cầu thị trường. Các công ty tiên phong về phát triển bền vững hiểu rõ rằng, đây là phương thức quản trị, cũng như công cụ quản lý  giúp công việc kinh doanh trở nên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ý thức này đa phần mới hiện hữu tại các doanh nghiệp đã sớm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ở phần còn lại, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiến lược phát triển bền vững mới ở bước đầu tiên, thậm chí còn nhiều vấn đề bị hiểu sai.

Nhìn sâu hơn vào các bản báo cáo phát triển bền vững, có thể thấy số lượng các báo cáo ngày càng lớn, cũng như có rất nhiều thông tin phi tài chính được chia sẻ giờ đã trở thành yêu cầu thông thường, đặc biệt tại thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung.

Chúng tôi chứng kiến một số doanh nghiệp đã thực thi chiến lược phát triển bền vững và biến điều này thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sở dĩ cổ đông, cũng như nhà đầu tư đặt niềm tin vào doanh nghiệp, bởi ban lãnh đạo công ty có tầm nhìn rõ ràng, chiến lược cụ thể và từ đó cải thiện được hệ thống, khắc phục những lỗ hổng.

Trong trường hợp này, báo cáo phát triển bền vững đã đo lường và lượng hóa được những vấn đề một cách hệ thống, từ đó khắc họa rõ nét mục tiêu, sứ mệnh và hoài bão của công ty. Những mục tiêu này không chỉ cần thiết để cải thiện khả năng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn giúp tiết giảm chi phí bằng cách cân bằng các mục tiêu về tăng trưởng lợi nhuận, môi trường và trách nhiệm xã hội.

Tại Việt Nam, phát triển bền vững vẫn đang ở giai đoạn đầu và như đã đề cập ở trên, hiện còn những suy nghĩ rằng, thực thi phát triển bền vững để tuân thủ các quy định pháp lý, “chiều lòng” khách hàng, thay vì sự phát triển trên nền tảng tự thân. Cũng có không ít trường hợp thường sử dụng phát triển bền vững nhằm phục vụ mục đích PR hoặc truyền thông hơn là các giá trị cốt lõi trong kinh doanh. Chưa kể, dễ nhìn thấy sự nhầm lẫn giữa phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, hoặc các hoạt động từ thiện…

Tuy nhiên, tôi tin rằng, nhận thức về phát triển bền vững sẽ ngày càng được cải thiện. Các công ty bắt đầu áp dụng phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh dài hạn, dù đa phần là những công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động phát triển bền vững, từ đó mở ra những cơ hội mới trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là qua thực tế hoạt động kinh doanh và những điều được chia sẻ qua báo cáo phát triển bền vững.

Hiện tại, GRI đang vận hành các chương trình phát triển bền vững với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Thụy Sỹ. Chúng tôi quan sát thấy trong 2 năm qua, nhận thức về phát triển bền vững đã tăng đáng kể và cũng có rất nhiều chương trình, tư duy biến thành hành động, đặc biệt trong thế giới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đây mới là những nỗ lực bước đầu. Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng nhiều thành quả được gặt hái từ nỗ lực thực thi phát triển bền vững, bao gồm cả việc triển khai thực hiện các báo cáo phát triển bền vững.

Bộ tiêu chuẩn GRI về lập báo cáo phát triển bền vững đã được áp dụng bởi hơn 7.400 tổ chức. Kho dữ liệu báo cáo bền vững với hơn 30.000 báo cáo theo tiêu chuẩn GRI. Từ một báo cáo đặc thù về phát triển bền vững, GRI đã chuyển đổi thành một tiêu chuẩn được công nhận bởi phần lớn các tổ chức trên thế giới. Trên thực tế, 93% trong số 250 công ty, tập đoàn lớn nhất thế giới đã áp dụng vào báo cáo phát triển bền vững của mình. 

Tại Việt Nam, GRI hiện đang triển khai hai chương trình với mục tiêu góp phần đưa các doanh nghiệp hòa nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua báo cáo phát triển bền vững theo ngành và cụ thể hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở các nước với mục tiêu vì sự ổn định hơn trong khu vực.

Tin bài liên quan