Phiên giao dịch sáng 14/9: Con sóng "đơn côi"

Phiên giao dịch sáng 14/9: Con sóng "đơn côi"

(ĐTCK) Sau FTSE, đến lượng VNM bổ sung BID vào danh mục của mình trong kỳ tái cơ cấu danh mục lần này, giúp cổ phiếu BID được săn lùng mạnh trên sàn ngay khi bước vào phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, hiệu ứng của BID không đủ sức lan tỏa ra cả thị trường khi sức ép từ nguồn cung ở các mã khác vẫn rất lớn, trong khi dòng tiền chưa mạnh dạn trở lại.

Trong tuần trước, BID đã có những phiên giao dịch khởi sắc đầu tuần sau khi được FTSE đưa vào danh mục trong kỳ tái cơ cấu lần này. Sau đó, những phiên cuối tuần, cổ phiếu BID và nhóm ngân hàng đã đảo chiều giảm do áp lực chốt lời. Nhiều nhận định cho rằng, nhóm cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại, nhưng rất khó để tạo lên những đợt sóng lớn như hồi đầu năm. Đây là nhận định hợp lý nếu xem xét vào dòng tiền, cũng như bối cảnh trống thông tin như hiện nay và cho đến cả cuối năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trông thông tin vĩ mô, cũng như các thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng sau soát xét gần như đã được hấp thụ hết, thì mọi người lại dồn vào thông tin tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại.

Cuối tuần trước đó, FTSE đã thêm BID, PDR và TTF vào danh mục trong khi không loại cổ phiếu nào, thì cuối tuần qua, BID tiếp tục được Quỹ VNM thêm vào danh mục trong lần tái cơ cấu danh mục lần này của mình, cùng với NT2, trong khi loại DRC ra khỏi danh mục.

Việc liên tiếp được 2 quỹ ETF ngoại thêm vào danh mục đã khiến cổ phiếu BID được săn lùng mạnh của nhà đầu tư trong nước ngay khi bước vào phiên giao dịch mới, nhằm đón sóng.

Chính sự khởi sắc của BID trong phiên sáng nay đã giúp VN-Index có được sắc xanh ngay khi mở cửa phiên và duy trì đà tăng khá tốt sau đó, dù số mã tăng giá chỉ tương đương số mã giảm giá.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,47 điểm (+0,44%), lên 569,21 điểm với 3,2 triệu đơn vị được khớp, tổng giá trị 63,57 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với các đợt 1 của các phiên giao dịch trong 2 tuần qua.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng được duy trì và nới rộng thêm khi sắc tím của BID được giữ vững, trong khi MBB và CTG nới rộng đà tăng. Ngoài ra, thị trường cũng nhận được sự hỗ trợ của một vài mã bluechip và những cổ phiếu đơn lẻ khác có thông tin hỗ trợ tích cực.

Tuy nhiên, ngay khi VN-Index vượt qua mốc 570 điểm, áp lực chốt lời đã gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại và hiện vẫn đang giằng co sát mốc kháng cự này.

Hiệu ứng từ ETFs chỉ giúp BID và NT2 khởi sắc, chứ không tạo ra sức lan tỏa ra cả thị trường. Áp lực bán tăng mạnh nửa cuối phiên kéo nhiều mã giảm giá, khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index mở cửa trong sắc đỏ, sau đó đảo chiều tăng điểm nhờ hiệu ứng tích cực trên HOSE, nhưng sắc xanh cũng không giữ được lâu do áp lực bán trên sàn này còn lớn, trong khi lực cầu vẫn đang yếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,83 điểm (-0,15%), xuống 565,91 điểm với 134 mã giảm, trong khi chỉ có 61 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 40 triệu đơn vị, giá trị 696 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,37 triệu đơn vị, giá trị 60,5 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,45%), xuống 77,18 điểm với 92 mã giảm và 54 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,7 triệu đơn vị, giá trị 168,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 11,95 tỷ đồng.

Trong các mã cổ phiếu, BID vẫn đang còn dư mua giá trần 26.700 đồng hơn 3,3 triệu đơn vị trong khi được khớp hơn 1,17 triệu đơn. Lượng đua mua này chỉ của các nhà đầu tư trong nước, khối ngoại sáng nay chỉ mua vào 15.000 cổ phiếu BID.  Theo cách giao dịch của các quỹ ETF, họ chỉ tập trung giao dịch trong ngay cuối cùng chốt danh mục và thường ở đợt ATC.

Ngoài BID, nhóm ngân hàng còn ghi nhận sự tích cực ở 2 mã khác là CTG và MBB, nhưng đà tăng về cuối phiên cũng được hãm bớt. Chốt phiên, CTG tăng hơn 2%, MBB tăng 1,97% với tổng khối lượng khớp lần lượt là 1,65 triệu đơn vị và 2,37 triệu đơn vị.

Các mã khác trong nhóm như VCB, STB, EIB lình xình quanh mốc tham chiếu, trong đó VCB đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá, dù có lúc đã tăng khá mạnh hơn 2%, còn lại STB và EIB đóng cửa ở tham chiếu.

Tương tự BID, NT2 cũng tăng mạnh 6,36% với gần 3,1 triệu đơn vị được khớp nhờ thông tin được Quỹ VNM thêm vào danh mục, thậm chí có lúc mã này đã được kéo lên mức giá trần 25.200 đồng.

Trong khi đó, PDR và TTF được FTSE đưa vào danh mục lại giao dịch lình xình, còn DRC giảm hơn 6,26% sau khi bị VNM loại ra khỏi danh mục.

Nhóm khoáng sản cũng có một số điểm sáng như KSA hiện đang dư mua giá trần 4.600 đồng khá lớn, hơn 0,56 triệu đơn vị với lượng khớp 0,21 triệu đơn vị. BGM cũng có lúc được kéo lên mức giá trần 3.400 đồng, nhưng áp lực chốt lời lớn đã kéo mã này trở lại tham chiếu 3.200 đồng khi chốt phiên sáng với 1,52 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm dầu khí hiện đang giao dịch trong sắc đỏ do ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới, nhất là sau khi Goldman Sachs đưa ra dự báo giá dầu có thể giảm về 20 USD/thùng. Chốt phiên sáng nay, PVD giảm 1,43%, xuống 34.400 đồng, GAS giảm 1,51%, xuống 45.800 đồng, thậm chí DPM cũng giảm gần 1%...

Không chỉ nhóm dầu khí, nhiều mã cổ phiếu lớn khác cũng giảm khá mạnh trong phiên sáng nay, như MSN giảm 3,29%, xuống 73.500 đồng, VNM giảm hơn 1%, xuống 97.500 đồng, BVH giảm 2,36%, xuống 45.500 đồng… Tương tự, nhóm chứng khoán cũng đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu có tính thị trường cũng đang cầm chừng cả về thanh khoản vẫn giá, chủ yếu lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.

Trên HNX, đà tăng nhẹ của ACB chỉ đủ giúp HNX-Index duy trì sắc xanh trong thời gian ngắn, sau đó mã này quay lại tham chiếu khiến chỉ số này quay đầu, dù có nhận được sự hỗ trợ của các mã khác như NTP tăng 4,4%, lên 47.500 đồng; LAS tăng 3,07%, lên 30.200 đồng... Nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng đang chịu sức ép, nhưng hiện giảm không quá mạnh, chỉ trên dưới 2%.

TIG và S99 là 2 mã lẻ loi có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX trong phiên sáng nay. Trong đó, TIG giảm 2,65%, còn S99 tăng 1,35%.

Tin bài liên quan