Phiên sáng 1/6: Thiếu sóng, VN-Index vẫn dễ dàng tiến bước

Phiên sáng 1/6: Thiếu sóng, VN-Index vẫn dễ dàng tiến bước

(ĐTCK) Thanh khoản bất ngờ giảm mạnh trong phiên sáng 1/6 và không còn xuất hiện nhiều con sóng đơn lẻ như các phiên trước, nhưng với sự trở lại của nhiều mã bluechip, VN-Index vẫn có phiên phục hồi tốt sau 2 phiên điều chỉnh.

Trái với tâm lý lo ngại thị trường bị ảnh hưởng bởi câu ngạn ngữ “Sell in May and go away”, các chỉ số đã đón nhận một tháng giao dịch đầy cảm xúc.

Cùng với dòng tiền chảy mạnh vào thị trường với những phiên khớp lệnh trên 5.000 tỷ đồng, các chỉ số chính cũng liên tiếp vượt qua các ngưỡng kháng cự. Trong đó, VN-Index xác lập mốc đỉnh mới trong 9 năm, còn HNX-Index cũng leo lên mức cao nhất trong vòng 6 năm.

Mặc dù những phiên giao dịch trong tuần cuối tháng không mấy tích cực do áp lực cung hàng gia tăng sau chuỗi ngày tăng nóng. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ vẫn khá tích cực cùng xu hướng mua ròng của nhà đầu tư ngoại, đã giúp thị trường không giảm quá sâu.

Điển hình trong phiên hôm qua (31/5), mặc dù thị trường vẫn đón nhận những đợt sóng ở một vài nhóm cổ phiếu, nhưng thị trường vẫn thiếu may mắn khi “trượt chân”, quay đầu giảm nhẹ về cuối phiên.

Tính chung trong tháng 5/2017, VN-Index đã tăng hơn 20 điểm (+2,8%), đóng cửa phiên 31/5 tại mốc 737,82 điểm, trong khi HNX-Index tăng 4,37 điểm (+4,88%), đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 5 tại mức 93,91 điểm.

Theo nhận định của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, tháng 5 hàng năm, chỉ số thường điều chỉnh hoặc đi ngang, nhưng năm nay, do dòng tiền đổ vào thị trường mạnh, nên có xu hướng tăng. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong tháng 6.

Ông Phương cho biết thêm, cơ sở để thị trường duy trì xu hướng tăng là “vùng trũng” thông tin tháng 5 đã đi qua, nhà đầu tư chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý II, thường là tích cực hơn quý I.

Thu hút dòng tiền mạnh dự báo sẽ là nhóm cổ phiếu blue-chips. Dòng tiền ngắn hạn có thể tiếp tục tìm đến cổ phiếu bất động sản bởi đây là ngành đang “nóng”, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành sẽ có lợi nhuận tốt.

Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, hầu hết các cổ phiếu bluechip đã hồi phục giúp thị trường khởi sắc ngay từ đầu phiên.

Đà tăng tiếp tục được nới rộng trong đợt khớp lệnh liên tục nhờ sắc xanh lan tỏa. Sau khoảng 50 phút giao dịch, trên sàn HOSE có 132 mã tăng/70 mã giảm, trong đó nhóm VN30 có tới 24 mã tăng và chỉ 3 mã gồm CTD, HSG, MSN giảm nhẹ.

Mặc dù dòng tiền có dấu hiệu chững lại, thanh khoản sụt giảm mạnh, nhưng sự dẫn dắt của các trụ đỡ khá tốt đã giúp VN-Index tiếp cận lại mốc 740 điểm.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu bluechip và các mã lớn đang tăng tích cực, thì ROS lại quay đầu điều chỉnh sau 5 phiên tăng liên tiếp. Hiện ROS giảm 1,4% xuống mức 130.200 đồng với khối lượng khớp 1,63 triệu đơn vị.

Diễn biến thị trường khá giống phiên sáng qua khi chỉ số chính trên 2 sàn đi ngang trong gần nửa cuối phiên cùng với giao dịch với trụ đỡ chính vẫn là các cổ phiếu bluechip. Đáng chú ý, thanh khoản tiếp tục suy giảm khá mạnh với tổng giá trị trên 3 sàn chưa tới 2.100 tỷ đồng.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,64 điểm (+0,49%) lên 741,46 điểm với khối lượng giao dịch đạt 83,7 triệu đơn vị, giá trị 1.834,38 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,88 triệu đơn vị, giá trị 211,83 tỷ đồng. Riêng HSG thỏa thuận 4,58 triệu đơn vị, giá trị 146,66 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,37%) lên 94,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 27,93 triệu đơn vị, giá trị 281,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,42 triệu đơn vị, giá trị 32,77 tỷ đồng, trong đó, SHS thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 20,65 tỷ đồng.

Mặc dù sắc xanh bao phủ hầu hết trong nhóm VN30 nhưng đà tăng của các mã khá hạn chế. Ngoại trừ “ông lớn” VNM là trụ đỡ chính của thị trường đã tăng 1,34%, chốt phiên tại mức giá cao nhất 151.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, thông tin chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt 20% và thưởng cổ phiếu 80%, đã giúp BMP hồi phục khá tích cực. Với mức tăng 1,3%, BMP chốt phiên tại mức giá 182.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng 68.430 đơn vị.

Áp lực bán giá thấp cũng đã được tiết chế giúp cổ phiếu lớn ROS có thời điểm lấy lại mốc tham chiếu. Kết phiên, ROS chỉ còn giảm nhẹ 0,38% tạm đứng tại mức giá 131.500 đồng/CP.

Cặp đôi cổ phiếu BHS và SBT tiếp tục tạo điểm nhấn khi khoảng cách về giá giữa 2 mã này tiếp tục được nâng cao bởi BHS vẫn giao dịch trong sắc đỏ dù đà giảm đã được hãm khá mạnh trong khi SBT đã khởi sắc. Cụ thể, kết phiên SBT giảm 1,2% xuống mức 21.100 đồng/CP,còn SBT lại đảo chiều tăng 0,5% lên mức 30.200 đồng/CP.

Tân binh CTF sau 2 phiên tăng trần cũng đã rung lắc trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, sắc tím vẫn được bảo toàn về cuối phiên giúp CTF leo lên mức giá 16.450 đồng/CP, tăng 6,8%.

Trong khi đó, người bạn cùng tiến VNG đã không còn giữ được mức tăng trần. Hiện VNG chỉ còn tăng 2,7%, chốt phiên sáng tại mức giá 13.100 đồng/CP.

Mặt khác, LDG sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp đã đảo chiều tăng khá tốt với biên độ 4,6% lên mức 14.900 đồng/CP và chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, SHB không còn tăng mạnh như phiên trước đó, chỉ nhích nhẹ 1,38% lên mức 7.300 đồng/CP và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 6,48 triệu đơn vị.

Ngoài SHB, một số mã lớn khác cũng đã hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường như ACB, LAS, NTP, VCG…

Đáng chú ý, VTV sau phiên lao dốc mạnh hôm qua đã bật ngược tăng trần trong phiên sáng nay. Chốt phiên, VTV tăng 9,6% lên mức 19.400 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, dù sắc xanh trở lại và giao dịch trong gần hết phiên giao dịch nhưng UPCoM-Index đã không thoát khỏi đà giảm điểm khi “hụt chân” trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,09%) xuống 57,94 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 30,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt gần 2,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HVN sau gần 1 tuần giao dịch thiếu tích cực đã hồi phục trong phiên sáng nay. Hiện HVN tăng 1,5% lên mức 26.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 179.000 đơn vị.

Trong khi đó, ACV cũng le lói tín hiệu xanh và đã lấy lại thăng bằng sau 3 phiên giảm liên tiếp khi chốt phiên tại mức giá tham chiếu 48.000 đồng/CP.

Trái lại, một số mã lớn chưa thoát khỏi sắc đỏ, tiếp tục tác động thiếu tích cực lên thị trường như GEX, VIB, VOC, QNS…

Tin bài liên quan