Phiên sáng 27/12: VNM được săn đón, VN-Index trở lại sắc xanh

Phiên sáng 27/12: VNM được săn đón, VN-Index trở lại sắc xanh

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh, cùng với SAB tác động tiêu cực đến VN-Index hôm qua, VNM đã được khối ngoại săn đón trở lại, nên bật mạnh trở lại, cùng sự phục hồi của SAB hỗ trợ VN-Index có được sắc xanh.

Thị trường đang đi những bước cuối cùng của năm 2016 khá ảm đạm. Hiện tượng dòng tiền suy yếu vào cuối năm đã trở thành hiện tượng mang tính chu kỳ của thị trường, cùng áp lực điều chỉnh của các ông lớn trên sàn đã khiến thị trường giảm sâu trong tuần lễ Noel.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, bộ đôi có vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM và SAB dù đà giảm đã được tiết chế nhưng chưa đủ sức để giúp VN-Index khởi sắc. Tâm lý nhà đầu tư vẫn chủ yếu là nắm giữ tiền mặt và quan sát diễn biến thị trường khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh.

MSI cho rằng, thị trường vẫn đang tích lũy tích cực và có thể hồi phục mạnh mẽ trở lại bất kỳ lúc nào; đồng thời, công ty chứng khoán này nhận định VN-Index có khả năng tăng nhẹ trở lại trong phiên 27/12 và diễn biến phân hóa cổ phiếu tiếp tục diễn ra.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, việc đảo chiều tích cực của nhiều mã lớn như VIC, GAS, VCB… đặc biệt là trụ cột VNM đã bật tăng sau thời gian ngắn đỏ điểm đầu phiên, đã giúp thị trường mở cửa điểm.

Tuy nhiên, độ rộng chưa đủ lớn để giúp nhà đầu tư tin tưởng vào đà tăng của thị trường. Dù các mã bluechip vẫn đang giữ nhịp thị trường nhưng đà tăng ở các mã này khá hạn chế như GAS chỉ tăng 100 đồng, VIC tăng 400 đồng, VCB tăng 150 đồng, VNM tăng 800 đồng…

Trong khi đó, lực cầu vẫn tỏ ra yếu kém trong khi áp lực bán khá ổn định khiến HNX-Index rung lắc nhẹ đầu phiên và chính thức rơi xuống dưới mốc tham chiếu sau gần 30 phút giao dịch.

Dòng tiền tham gia vào thị trường khá nhỏ giọt khiến thanh khoản suy yếu. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ đạt 550 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra tại OGC. Dù mở cửa ở mức tham chiếu với giao dịch khá cầm chừng, OGC bất ngờ nhận được lực cầu khủng, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên mức trần 1.240 đồng với 2,29 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.
Thông tin liên quan đến OGC gần đây chủ yếu liên quan đến đại án Ngân hàng Đại dương (Oceanbank). Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ đại án xảy ra tại Oceanbank. Bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank và cũng là Nguyên chủ tịch HĐQT Ocean Group bị truy tố với 3 tội danh có mức án cao nhất 30 năm tù.
Ngoài OGC, trên HOSE có 3 mã khác cũng có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là HQC, C32 và HPG. Trong khi đó, trên sàn HNX, không có mã nào có khối lượng khớp lệnh 1 triệu đơn vị.

Sau cú điều chỉnh nhẹ giữa phiên, thị trường nhanh chóng đảo chiều hồi phục nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu lớn. Đà tăng càng được nới rộng hơn khi cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường VNM tăng tốc.

Bắt nhịp tăng của VNM, “ông lớn” ngành bia – SAB cũng từng bước đảo chiều thành công. Bộ đôi “ma lực” này là động lực chính giúp thị trường tăng điểm, trong đó, VNM tăng 2,03%, SAB tăng 1,02%.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VIC, BVH, VCB, FPT… vẫn duy trì đà tăng nhẹ.

Trái lại, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, cổ phiếu lớn ngành dầu khí GAS đã quay đầu giảm điểm, hòa cùng sắc đỏ của các mã khác trong nhóm như PVD, PVC, PVS, PVB, PVI…, đóng vai trò lực hãm của thị trường.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC vẫn nóng khi treo lệnh dư mua trần 1,52 triệu cổ phiếu trong khi bên bán trống sàn. Đóng cửa, OGC bảo toàn sắc tím với khối lượng khớp lệnh 2,37 triệu đơn vị.

Một trong những điểm nhấn trong phiên sáng nay là C32. Dù có thời điểm bị kéo xuống mức giá sàn nhưng lực cầu gia tăng mạnh giúp C32 lội ngược dòng và tăng mạnh, “thay màu áo” sau 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Với mức tăng 5,33%, C32 chốt phiên tại mức giá cao nhất 51.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh tăng đột biến 3,54 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CDO ghi nhận phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp. Với mức giảm 6,7%, CDO đứng tại mức giá 11.200 đồng/CP và chỉ chuyển nhượng thành công 3.170 cổ phiếu, dư bán sàn 7,71 triệu đơn vị.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,54 điểm (+0,38%) lên 664,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 70,24 triệu đơn vị, giá trị 1.433,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 17,89 triệu đơn vị, giá trị 259,97 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,09 điểm (+0,34%) lên 623,82 điểm với 15 mã tăng, 14 mã giảm và 1 mã đứng giá.

Trên sàn HNX, thiếu điểm tựa từ các cổ phiếu bluechip khiến thị trường không thể hồi phục.

Với mức giảm 0,29 điểm (-0,36%), HNX-Index chốt phiên tại mức giá 78,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,55 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 111,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,63 triệu đơn vị, giá trị 45,54 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có tới 14 mã giảm giá, 13 mã đứng giá và chỉ 2 mã tăng nhẹ là SHB và VND. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,59 điểm (-0,42%) xuống mức 141,15 điểm.

Trong đó, DST tiếp tục có diễn biến xấu. Áp lực bán gia tăng mạnh đã đẩy DST lùi về mức giá sàn trong phiên sáng nay dù cổ phiếu này le lói sắc xanh ở đầu phiên. Giao dịch tại DST cũng nhỏ giọt với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 300 đơn vị.

KLF là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh đạt 2,43 triệu đơn vị. Sau diễn biến giằng co trong phiên sáng nay, KLF đã lùi về mốc tham chiếu 2.300 đồng/CP khi đóng cửa.

Tin bài liên quan