Phụ nữ hiện đại và hiệu ứng “bức tường kính”

Phụ nữ hiện đại và hiệu ứng “bức tường kính”

(ĐTCK-online) Phụ nữ thường phải đối mặt với một “bức tường kính”, một dạng phân biệt đối xử ngầm, ngăn cản họ trong công việc và thăng tiến nghề nghiệp. Tròn 100 năm thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, con đường dẫn đến sự bình đẳng, bình quyền vẫn phải tiếp tục được khai thông...

Phụ nữ hiện đại và hiệu ứng “bức tường kính” ảnh 1

Nữ giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cuộc họp quan trọng cũng như ngày càng bình đẳng trong hoạt động xã hội. Ngoài ra, cũng có nhiều phụ nữ đóng vai trò hình mẫu lý tưởng trong mọi mặt của cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ nữ không được trả lương tương xứng so với các đồng nghiệp nam, sự hiện diện của giới nữ vẫn chưa đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh, chưa kể đến nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc tạo lập sự nghiệp.

Số liệu mới nhất của năm 2010, trong lĩnh vực tài chính, cho thấy phụ nữ chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong số những người mới tham gia vào các công ty kế toán.

Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới, kể cả khi phụ nữ có việc làm ở những lĩnh vực trong đó nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo thì họ cũng thường phải đối mặt với một “bức tường kính”, một dạng phân biệt đối xử ngầm, ngăn cản họ trong công việc và thăng tiến nghề nghiệp. Chẳng hạn, chỉ có 2% tổng giám đốc của các công ty trong danh sách Fortune 500 và 5% ở các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán FTSE là nữ. Brazil có 11% CEO các DN là nữ và đây là nền kinh tế có tỷ lệ nữ tổng giám đốc cao nhất thế giới. Phụ nữ thường nặng gánh gia đình hơn đàn ông. Thời gian làm việc ngắn hơn cũng có thể khiến phụ nữ ít đầu tư vào đào tạo chuyên môn, hay người sử dụng lao động ít muốn tổ chức đào tạo. Thực tế này làm giảm cơ hội thăng tiến lên những vị trí lãnh đạo cao hơn, cũng như thời gian làm việc ngắn, từ đó làm tăng thêm hiệu ứng “bức tường kính”.

Theo một khảo sát của The Economist  về những yếu tố chi phối cơ hội của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế được thực hiện tại 113 nền kinh tế, Thụy Điển, Bỉ, Na Uy chiếm ba vị trí đầu bảng, Việt Nam xếp thứ 79. Tại khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 18 trong 33 quốc gia được khảo sát.

các chuyên gia của The Economist chứng minh rằng, khi bắt đầu sự nghiệp, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn nam giới. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có ít khả năng tự kinh doanh hơn nam giới. Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ các tập quán văn hóa và phong tục đến thái độ chung lo sợ rủi ro và thất bại. Trong khi đó, các nhà phân tích lại cho rằng, việc gia tăng tỷ lệ nữ giới làm kinh doanh có thể là một nhân tố chính đóng góp vào sự phát triển kinh tế.

Để tạo ra sự bình đẳng, 9 đề nghị được đưa ra, từ việc cung cấp cho phụ nữ các khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, thương thuyết và khả năng tác động để họ được trang bị tốt cho vai trò quản lý cấp cao, đến yêu cầu đối với các tổ chức phải xây dựng những chương trình hỗ trợ và cung cấp hướng tiếp cận với những gương điển hình, mạng lưới và người cố vấn giàu kinh nghiệm để giúp các đồng nghiệp nữ vượt qua trở ngại và thành công. Giới chuyên gia cũng chứng minh rằng, các công ty cần có sự bình đẳng giới trong bộ phận quản lý cấp cao nhằm hội nhập vào thị trường toàn cầu một cách chiến lược và sáng suốt. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu xác nhận nam và nữ sẽ có những phong cách lãnh đạo và sự nhạy cảm khác biệt, nhưng lại bổ sung cho nhau trong công việc.

Anh Việt

Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam

Phụ nữ hiện đại và hiệu ứng “bức tường kính” ảnh 2
Phụ nữ không phải là một tập hợp đồng nhất và các thách thức trong việc tìm ra một chính sách thích hợp đối với sự nghiệp của nữ giới phải được xét dưới góc độ rằng, không có một chính sách chung nào có thể phù hợp với đối tượng chiếm phân nửa lực lượng lao động tiềm năng này. Phụ nữ thậm chí còn có ưu thế hơn rất nhiều với  khả năng chia sẻ rộng rãi những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và các nguồn lực cho người thân và cộng đồng. điều này sẽ là một nhân tố lớn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý cấp cao là một phần tất yếu của xu hướng toàn cầu nhằm nâng cao sự bình đẳng giữa phái nam và phái nữ. Bằng cách đề cao sự đa dạng trong môi trường làm việc, bao gồm cả việc đảm bảo phụ nữ có cơ hội bình đẳng để đạt được vai trò cấp cao trong công việc, tôi tin rằng tình hình hoạt động kinh doanh sẽ được nâng cao và tốt đẹp hơn cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bà Dương Thị Mai Hoa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB)

Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống đảm đang, lo toan và vun vén gia đình. Khi thành người lãnh đạo, người phụ nữ sẽ biết phát huy thế mạnh này trong việc quán xuyến mọi mặt hoạt động của công ty và tổ chức các bộ phận, chức năng sao cho hiệu quả nhất.

Khả năng làm việc tỷ mỷ, chi tiết cũng là một lợi thế của lãnh đạo nữ. Nếu ví DN như một gia đình lớn thì người phụ nữ lãnh đạo rất có lợi thế trong việc tập hợp các thành viên gắn kết với nhau. Tuy nhiên, người phụ nữ lãnh đạo cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là phải cân đối giữa gia đình và công việc, giữa thiên chức làm vợ, làm mẹ với vai trò lãnh đạo của một tổ chức. Sử dụng quỹ thời gian thế nào cho hiệu quả với đầy đủ các vai trò trên là khó khăn thứ hai, bởi thời gian vật chất chỉ hữu hạn là 24h mà guồng quay kinh doanh thì dường như không bao giờ dứt.

Tiếp nữa là văn hoá Á Đông ít nhiều vẫn còn tồn tại tâm lý trọng nam, khinh nữ. Vì vậy, không ít khó khăn với người lãnh đạo DN là nữ khi đi giao tiếp trên thương trường và cả với các đồng nghiệp lãnh đạo nam giới. Với tôi, hạnh phúc gia đình và sự nghiệp luôn song hành, bởi không thể nói mình hạnh phúc nếu không thành công trong công việc và ngược lại.

Bà Thái Vân Anh, Giám đốc kiểm toán Công ty Kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp KTC  

Những ngày đầu năm 2011 là những ngày thật vất vả với các kiểm toán viên, là những ngày làm việc thâu đêm, suốt sáng, là thứ Bảy và Chủ nhật đều phải làm việc. Là những ngày cơm không đúng bữa, ngủ không đủ giấc để có thể hoàn thành công việc kiểm toán cho hầu hết DN trước ngày 31/3 để kịp nộp báo cáo kiểm toán cho Nhà nước, cho công ty mẹ …  Thật tiếc là hầu hết những ngày cho chị em đều nằm trong giai đoạn này. Nào là Lễ tình nhân và bây giờ là ngày 8/3. Hầu hết những ngày này, tôi đều đi công tác hoặc phải làm việc muộn và không thể tạo ra những bữa tối lãng mạn hay những món quà bất ngờ cho bạn bè, cho người thân yêu.

Đối với phụ nữ thì gia đình luôn đóng vai trò quan trọng nhất và do vậy, trong những ngày vất vả, niềm hạnh phúc đơn giản là có thời gian ở nhà dọn dẹp, lau dọn, giặt giũ, nấu nướng, cùng người thân có những buổi tối quây quần, ăn cơm và xem tivi. Với nghề kiểm toán, vào thời gian này, đôi khi những điều nhỏ nhặt cũng chỉ là một ước mơ. Tuy nhiên, tôi tin người thân luôn ủng hộ tôi trong công việc và sẵn sàng hỗ trợ tôi.