Phúc thẩm vụ Xuyên Việt Oil: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre được giảm 7 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Toà xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và giảm án cho bị cáo.
Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Ngày 12/5, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Cấp cao TP.HCM đã tiến hành xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, tòa tuyên giảm mức án từ 15 năm xuống 14 năm tù về tội Nhận hối lộ và từ 13 năm xuống 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp mức hình phạt, bị cáo Thọ phải chấp hành 21 năm tù thay vì 28 năm như bản án sơ thẩm.

Phiên tòa cũng ghi nhận một phần kháng cáo của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil. Tòa tuyên giảm mức án từ 19 năm xuống 17 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, mức án 11 năm tù về tội Đưa hối lộ được giữ nguyên. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hạnh phải chấp hành 28 năm tù, giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm.

Trong cùng vụ án, Nguyễn Thị Như Phương, nguyên Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, với vai trò đồng phạm, cũng được giảm từ 6 năm xuống 5 năm tù.

Các bị cáo khác bao gồm Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, và Hoàng Anh Tuấn, cựu Vụ phó, được tòa xem xét giảm mức án từ 7 năm xuống 5 năm tù về tội Nhận hối lộ. Cựu Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Lê Duy Minh, cũng được giảm án từ 6 năm xuống còn 4 năm 6 tháng tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, bị tòa tuyên giữ nguyên mức án 4 năm tù về tội Nhận hối lộ. Theo nhận định của tòa, bị cáo An đã tích cực đề xuất cấp phép cho Xuyên Việt Oil mặc dù công ty không đủ điều kiện, góp phần dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, bị cáo An còn đang bị truy tố trong một vụ án khác liên quan đến hành vi nhận hối lộ. Do đó, dù đã nộp thêm 100 triệu đồng khắc phục hậu quả, tòa vẫn không chấp nhận giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil.

Theo đánh giá của hội đồng xét xử, trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đóng vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo nhân viên lập 81 báo cáo sai lệch về việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), chiếm đoạt 219 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty Xuyên Việt Oil dưới sự điều hành của Hạnh cũng đã thu hộ 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng không chuyển vào ngân sách nhà nước, thay vào đó sử dụng cho mục đích cá nhân.

Các hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Tòa nhận định mức án sơ thẩm là phù hợp với tính chất và mức độ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã ghi nhận các bị cáo có nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bị cáo Hạnh đã dùng toàn bộ tài sản kê biên để bồi thường thiệt hại; bị cáo Thọ đã đồng ý sử dụng ba sổ tiết kiệm trị giá hơn 14 tỷ đồng trong tổng số 133 sổ bị tạm giữ để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, gia đình bị cáo Thọ cũng đã nộp 15 tỷ đồng tiền mặt trước khi tòa tuyên án.

Những tình tiết này được tòa xem xét nhằm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân văn của Nhà nước trong việc xử lý các hành vi phạm tội.

Tin bài liên quan