Kể từ năm 2006, nhiều tổ chức tài chính trong nước cũng đứng ra thành lập công ty quản lý quỹ như SSIAM, MB Capital, Baoviet Funds, FPT Capital, VCBF…

Kể từ năm 2006, nhiều tổ chức tài chính trong nước cũng đứng ra thành lập công ty quản lý quỹ như SSIAM, MB Capital, Baoviet Funds, FPT Capital, VCBF…

Quản lý quỹ và sứ mệnh “bà đỡ” của thị trường

(ĐTCK) Trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam gần 20 năm qua, có vai trò không nhỏ của các công ty quản lý quỹ. Bước sang giai đoạn phát triển mới, với sự gia tăng mạnh mẽ cả về quy mô cũng như số lượng của các nhà đầu tư tổ chức này, hứa hẹn sẽ giúp thị trường ngày càng trưởng thành hơn.

Những bước đi đầu tiên

Trong danh sách các công ty quản lý quỹ, đầu tiên sẽ cần phải nhắc tới những tên tuổi lớn như Dragon Capital, VinaCapital, MeKong Capital. Được hình thành từ giai đoạn đầu của thị trường, các quỹ này đã gắn bó nhiều năm với các doanh nghiệp niêm yết như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), Ngân hàng Vietcombank (VCB), Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Kido (KDC), CTCP Cơ điện lạnh (REE)…

Hoạt động lâu đời nhất tại Việt Nam là Quỹ VEIL của Dragon Capital, thành lập từ năm 1995, trước cả khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập. Với tổng tài sản 900 triệu USD, đây là quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Quỹ này đang nắm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp hàng đầu tư như: Vinamilk (19,9%), Ngân hàng Quân đội – MB (5,98%), Tập đoàn FPT (5,65%), Tổng công ty Khí Việt Nam (4,97%), Vietcombank (4,51%), CTCP Thế giới di động (4,97%)… Giá trị thị trường các khoản đầu tư của VEIL tại Việt Nam lên tới vài tỷ USD.

Ngoài ra, từ năm 2003, Dragon Capital cùng đối tác là Ngân hàng Sacombank thành lập Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), đơn vị đang trực tiếp quản lý nhiều quỹ như VF1, VF2, VFMVN30…

Xếp sau Dragon Capital về độ tuổi là Mekong Capital. Thành lập từ năm 2001, sau hơn 15 năm, đơn vị này đang quản lý các quỹ Mekong Enterprise Fund, Mekong Enterprise Fund II, Vietnam Azalea Fund. Trong danh mục quản lý hiện tại, Mekong Capital đang nắm giữ nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp lớn, trong đó có CTCP Thế giới di động, CTCP Traphaco, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận… Riêng khoản đầu tư vào 3 doanh nghiệp này của Mekong Capital đã có giá trị gần 130 triệu USD (tính đến tháng 8/2016).

Mới đây, Mekong Capital đã thành lập Quỹ MEF III, tổng mức vốn 112 triệu USD. Quỹ này cũng dự định sẽ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao như bán lẻ, nhà hàng, các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong nhóm công ty quản lý quỹ vào thị trường sớm nhất còn phải kể đến VinaCapital. Được thành lập từ năm 2003, VinaCapital là tập đoàn quản lý đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết, bất động sản và chứng chỉ quỹ niêm yết tại nước ngoài.

Hiện VinaCapital đang quản lý 3 quỹ đầu tư dạng đóng được niêm yết tại thị trường chứng khoán London gồm: VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) niêm yết trên sàn giao dịch chính, VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Infrastructure Limited (VNI) niêm yết trên sàn AIM. Được biết, tính đến 31/7/2016, tổng giá trị tài sản mà VinaCapital đang nắm giữ là hơn 1,4 tỷ USD, trong đó chỉ riêng Quỹ VOF đã có giá trị tài sản ròng đạt gần 810 triệu USD.

Theo thông tin mới công bố, VinaCapital sẽ hợp tác cùng Shinhan BNP Paribas Asset Management (Shinhan) để phát triển các quỹ dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhằm tham gia đầu tư vào các loại hình tài sản tại Việt Nam.

Ngoài ra, kể từ sau giai đoạn 2006, thời điểm Luật Chứng khoán chính thức được ban hành, đã có thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khác tham gia vào thị trường như Red River Holding, Viet Nam Holding AM với giá trị tài sản ròng 146 triệu USD,  DWS Vietnam Fund Ltd với giá trị tài sản ròng 323 triệu USD...

Ngoài các công ty quản lý có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại nêu trên, kể từ năm 2006, nhiều tổ chức tài chính là các ngân hàng và công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán trong nước cũng đứng ra thành lập nhiều công ty quản lý quỹ khác nhau như SSIAM, MB Capital, Baoviet Funds, FPT Capital, VCBF, Quản lý quỹ Prudential Vietnam… với quy mô tổng tài sản ước tính gần 500 triệu USD.

Nhìn chung, hoạt động của các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam chỉ mới dừng ở việc quản lý danh mục đầu tư cho các công ty mẹ (đối với một số công ty quản lý quỹ là công ty con của các công ty bảo hiểm, ngân hàng), huy động các quỹ đại chúng/quỹ mở và quản lý các quỹ thành viên. Dù thị trường đã hình thành nên một thế hệ nhà đầu tư có quan điểm đầu tư dài hạn, thay vì chỉ “lướt sóng” như thời gian đầu, nhưng mức độ này chưa thực sự lan tỏa và chưa hình thành nên một thị trường sôi nổi thực sự với các sản phẩm quỹ mở, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của một phân khúc nhà đầu tư mong muốn có lợi nhuận hấp dẫn, nhưng rủi ro ở mức vừa phải. 

Chờ đợi sự bứt tốc của công ty quản lý quỹ nội

Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, ngoài các công ty quản lý quỹ nước ngoài như Dragon Capital, VinaCapital hay Red River Holdings…, trên thị trường hiện có khoảng 43 công ty quản lý quỹ trong nước đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng quỹ đăng ký giao dịch chỉ khoảng 30 quỹ và hơn một nửa trong đó là quỹ mở, với quy mô xấp xỉ 100 tỷ đồng. Quy mô của ngành quản lý nội vẫn được xem là quá nhỏ so với tiềm năng của thị trường, cũng như với nghiệp vụ quản lý tài sản ủy thác, có quy mô công bố là 100.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2014.

Tuy vậy, 3 năm trở lại đây, ngành quản lý quỹ Việt Nam cũng gây được những ấn tượng nhất định, loại hình đầu tư đã dần đa dạng hơn với đủ loại hình của quỹ đầu tư, từ quỹ đóng, quỹ mở, quỹ thành viên, quỹ ETF, cho tới quỹ đầu tư bất động sản. Số lượng quỹ tăng trở lại với nhiều chiến lược đầu tư khác nhau. Kết quả đầu tư của các quỹ mở cũng khá tốt, hầu hết đều có mức tăng trưởng cao hơn so với chỉ số VN-Index.

Dẫn đầu phải kể đến là Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam, với các quỹ VF1 và VF4 được chuyển sang quỹ mở vào năm 2013. Kế đến là Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), đơn vị đang quản lý khoảng 6.600 tỷ đồng tổng tài sản của các nhà đầu tư dưới dạng quỹ, danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư. SSIAM cũng đã cho ra đời quỹ SSI-SCA vào năm 2014, hiện quỹ này có giá trị tài sản ròng 137,5 tỷ đồng. SSIAM còn được biết đến khi là một trong số hiếm hoi công ty quản lý quỹ trong nước huy động thành công vốn quốc tế.

Tháng 12/2015, SSIAM huy động thành công và đưa vào hoạt động một quỹ mở đăng ký tại Luxembourg (Bỉ), vốn huy động từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở châu Âu, có tên là Quỹ Andbanc Investments SIF – Vietnam Value and Income Portfolio (VVIP). Đây là một quỹ con trong hệ thống quỹ đầu tư đặc biệt của Andbank Asset Management Luxembourg. Tới đây, SSIAM dự kiến sẽ đưa vào hoạt động Quỹ SSIAM UCITS – Vietnam Value Income and Growth Fund (VVIGF). Đây là một quỹ mở, đăng ký tại Luxembourg, với vốn huy động từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ở châu Âu vào khoảng 200 triệu USD.

Ngoài ra, Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho ra mắt Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF-TBF, hay CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thành lập Quỹ đầu tư cân bằng Bản Việt, Công ty Quản lý quỹ Manulife AM quản lý Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife... Năm 2016, thị trường đón nhận thêm 2 quỹ nội đăng ký giao dịch là quỹ mở trái phiếu BVBF của Bảo Việt Fund.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Tân, ngành quản lý quỹ sắp tới sẽ đón nhận nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ kế hoạch IPO gắn với niêm yết của một loạt doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, cũng như triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam gia nhập nhóm thị trường mới nổi. Một lợi thế khác cho thị trường là dòng vốn đầu tư ngoại đang quay lại Việt Nam ngày một tích cực hơn. Các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm và công nghệ được cho là có tiềm năng đầu tư trong thời gian tới.

“Đầu tư vào quỹ chính là lựa chọn phù hợp nhất”, ông Tân khẳng định và lý giải, trong khi đầu tư vào bất động sản đòi hỏi số vốn ban đầu lớn, còn lãi suất tiền tiết kiệm ngân hàng đã giảm về mức thấp, thì việc đầu tư vào các quỹ đầu tư, thông qua chương trình đầu tư định kỳ sẽ là một quyết định khôn ngoan hơn, nhất là với nhà đầu tư có số vốn khiêm tốn. Chương trình này cho phép khách hàng đầu tư trên thị trường chứng khoán với số tiền rất nhỏ, thông thường chỉ từ 1 triệu đồng và thủ tục rất đơn giản, được ngân hàng trừ trực tiếp từ tài khoản tiền gửi hàng tháng khi có sự cho phép của nhà đầu tư.

Thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 -2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, riêng với ngành quản lý quỹ sẽ thực hiện tập trung phát triển theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích việc tái cấu trúc hệ thống công ty quản lý quỹ theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Tin bài liên quan