Chủ tịch VNCC phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Coninco,

Chủ tịch VNCC phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Coninco,

Quản trị doanh nghiệp chưa "lớn" kịp cùng công ty

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco, mã CNN) bất ngờ với cách hành xử của lãnh đạo VNCC - doanh nghiệp nhà nước do SCIC quản lý vốn và là cổ đông đang sở hữu 19,7% vốn điều lệ Coninco.

Bất đồng trao quyền cho chủ tịch

Kỳ vọng nhiều thông lệ tốt, cách làm tốt sẽ được cập nhật trong lần sửa điều lệ Coninco, nhiều cổ đông đã phát biểu, chất vấn tại đại hội. Nóng nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lực của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Cụ thể, một số cổ đông cho rằng, cần quy định về việc bổ nhiệm các chức danh quản lý như Kế toán trưởng, các trưởng bộ phận chuyên môn thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, vì đây là các chức danh quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Công ty, không nên để một mình Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định.

Các cổ đông này cũng kiến nghị cần quy định rõ trong điều lệ chức danh Trưởng ban Kiểm soát phải là chuyên trách, không kiêm nhiệm các chức danh quản lý khác (cụ thể là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quản lý tòa nhà) như đang diễn ra tại Coninco, vì điều này vô hình trung sẽ vô hiệu hóa vai trò của Trưởng ban Kiểm soát trong việc giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc. Nếu Trưởng ban Kiểm soát nằm dưới quyền quản lý của các chức danh khác sẽ không đảm bảo tính công bằng, minh bạch của chức danh này.

Tương tự là thẩm quyền quyết định, phê duyệt các giao dịch có giá trị dưới 35% tổng tài sản của Công ty thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị. Coninco là công ty đại chúng, có tổng tài sản gần 1.000 tỷ đồng, việc một người có thể quyết định giao dịch hơn 300 tỷ đồng là không phù hợp, dễ tạo ra tình trạng tiêu cực và có thể gây mất vốn của các cổ đông.

Đặc biệt, Coninco còn có 19,7% phần vốn Nhà nước. Khi ông Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coninco trả lời luật cho phép điều này, các cổ đông đã dẫn chứng ngay Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định chủ tịch hội đồng quản trị được quyền như vậy.

Một cổ đông khác chất vấn về việc trong nhiều năm qua Coninco có một số giao dịch với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Vàng - công ty mà Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Coninco là cổ đông, tham gia quản lý nhưng các giao dịch này không thông qua đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty; thông tin về giao dịch với công ty này phải thể hiện trên báo cáo tài chính hàng năm nhưng thực tế hoàn toàn “vắng bóng”.

Những vấn đề cổ đông này nêu ra đã không được chủ tọa là ông Nguyễn Văn Công giải đáp thỏa đáng. Đây cũng là những vấn đề quản trị gây bức xúc mà nhiều cổ đông đã phản ánh tới báo chí thời gian qua, nhưng đến đại hội năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Một số cổ đông quay ra chất vấn ông Nguyễn Xuân Hải, thành viên Hội đồng quản trị Coninco, Phó tổng giám đốc VNCC về trách nhiệm đại diện vốn Nhà nước tại Coninco nhưng ông Hải không trả lời.

Dù không được mời phát biểu, ông Thân Hồng Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCC, doanh nghiệp nhà nước có 87% vốn của SCIC, hiện đang sở hữu 19,7% vốn điều lệ Coninco đã đứng dậy “giải vây” cho ông Công.

Ông Linh nói: “Anh Công cứ bình tĩnh! Chúng tôi cử anh Hải là đại diện cho chúng tôi ngồi đây, nhẽ ra anh Hải sẽ trả lời. Nhưng vừa rồi quý cổ đông có nhiều câu hỏi rất thú vị, tôi thấy có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin với quý vị. Thứ nhất, về quy định thẩm quyền quyết định, phê duyệt các giao dịch có giá trị dưới 35% tổng tài sản của Công ty thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị, chúng tôi đã rất nhiều lần họp, bàn đi tính lại tỷ lệ là bao nhiêu. Nếu rút xuống 15% như đề nghị của nhiều cổ đông thì phức tạp cho chúng ta ngay, vì mỗi hợp đồng ký vượt hạn mức đó lại phải đi xin ý kiến đại hội cổ đông”.

Hai cổ đông phát biểu sau đó không đồng tình với các quan điểm ông Thân Hồng Linh đưa ra, thậm chí chất vấn ngược tại sao ông Linh “bỏ quên” vai trò của Hội đồng quản trị Coninco. Theo cổ đông, với vai trò là đại diện phần vốn nhà nước, lẽ ra lãnh đạo VNCC phải thúc đẩy áp dụng các thông lệ quản trị tốt tại Coninco để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của Công ty, song dường như họ đang đi ngược lại.

VNCC: Lợi nhuận giảm, cổ tức thấp

Ông Linh khuyên cổ đông Coninco hãy nhìn vào báo cáo tài chính, cổ tức, lợi nhuận của Công ty, chứ không nên “soi” về các vấn đề quản trị như cổ đông đã mổ xẻ. Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động của VNCC - doanh nghiệp mà ông Linh đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, có thể thấy, không ít cổ đông của doanh nghiệp này cũng bức xúc với tỷ lệ cổ tức 2 - 3%/năm. Họ cho rằng, hiệu quả hoạt động của VNCC không tương xứng với tiềm năng của Công ty.

Cụ thể, từ khi cổ phần hóa đến nay, lợi nhuận của Công ty liên tục sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 là 46,8 tỷ đồng, năm 2018 là 44,9 tỷ đồng, năm 2019 là 44 tỷ đồng, năm 2020 là 33 tỷ đồng, năm 2021 là 28,15 tỷ đồng; năm 2022 là 30 tỷ đồng. Cổ tức các năm qua chỉ dao động từ 1-3%.

Trong khi đó, VNCC và các công ty thành viên lại nắm trong tay nhiều tài sản có giá trị. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) - đơn vị VNCC nắm 35,35% vốn - tuy chỉ có vốn điều lệ 36 tỷ đồng nhưng đang sử dụng lô đất “vàng” rộng 650 m2 ở các số nhà 5, 7, 9 phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều héc-ta đất tại Bắc Ninh, Hưng Yên…

Hay Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC) - VNCC nắm 51% vốn - đang sở hữu tòa nhà số 10 Hoa Lư, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng (CCBM) - VNCC nắm 51% vốn - sở hữu tòa nhà VG tại ngõ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp - Nagecco dù vốn điều lệ chỉ có 28,35 tỷ đồng đang có trụ sở ở 29bis Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM và lô đất 466 m2 tại 162 đường Pasteur, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco, chủ tòa nhà CONINCO Tower trên diện tích đất 1.814 m2 với 4 tầng hầm, 19 tầng nổi ở số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội…

USCO - một công ty con khác của VNCC (sở hữu 57,76% vốn điều lệ) có vốn điều lệ 55 tỷ đồng nhưng đang nắm trong tay 748 m2 đất ở 91 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm; 4.434 m2 đất ở xóm 6, Đông Ngạc, Từ Liêm; 8.625 m2 ở khu Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội; 1.937 m2 ở số 5 Lạc Long Quân, Hà Nội; 337 m2 ở 226 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM; 1.317 m2 ở 303 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM và nhiều lô đất khác tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Với vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 87,2%, do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, hoạt động của VNCC được đánh giá là kém hiệu quả. Hiện SCIC đã đề xuất phương án thoái toàn bộ vốn khỏi VNCC để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin bài liên quan