Quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước

Quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước ảnh 1

Nhiều khía cạnh quản lý vốn nhà nước hiện đang “lọt khe” giữa Luật DNNN (cũ) và Luật DN hiện nay

 

Từ chỗ chưa có đầu mối

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (ngày 1/7/2006) đến nay, cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với tài sản đầu tư vào kinh doanh tại DN vẫn chưa tách bạch rõ ràng giữa quản lý của chủ sở hữu với quản lý của Nhà nước với tư cách là cơ quan công quyền quản lý chung đối với các loại hình DN. Đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, chưa có một đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Tình trạng các bộ, ngành và địa phương được giao làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, cơ chế công khai thông tin trong DNNN mang tính hình thức, chưa được tuân thủ nghiêm. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN là cần thiết, nhưng cơ chế về kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán còn chưa tương xứng, kém hiệu quả. Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các DNNN còn bị phân tán cho các bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ..., dẫn đến không có một cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các DNNN.

Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển đổi từ hoạt động theo Luật DNNN 2003 sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ lỗ hổng pháp lý điều chỉnh việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong các DNNN. Các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đã không còn chịu sự điều chỉnh của Luật DNNN, nhưng lại chưa có văn bản thay thế kịp thời, dẫn đến lúng túng trong việc thực hiện.

 

... đến trách nhiệm rõ ràng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định lần này đã quy định rõ hơn việc phân công, phân cấp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, bộ tổng hợp, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước; nhằm thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo 3 nhóm DN.

Cụ thể, Chính phủ có trách nhiệm ban hành các quy định tạo khung pháp lý thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, gồm quy định về: thành lập và tổ chức lại công ty; bổ nhiệm các chức danh quản lý; quy chế quản lý tài chính; quy định chế độ tuyển dụng, tiền lương; quy định thực hiện các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế; quy định chế độ giám sát, kiểm tra, thanh tra; quy định tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả sản xuất - kinh doanh...

Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu, chủ yếu liên quan đến những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn trong hoạt động của DN gồm: quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm nhân sự; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và kế hoạch đầu tư 5 năm…

Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng; thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo 2 nhóm quyền, trách nhiệm được phân công gồm: trình Chính phủ về điều lệ; đề nghị hoặc thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với 4 nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trực tiếp thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ còn lại (bổ nhiệm kiểm soát viên chuyên ngành; phê duyệt chủ trương góp vốn, vay, cho vay, mua bán tài sản; quyết định lương; danh mục đầu tư nhóm A và B...).

Đối với DN và phần vốn nhà nước thuộc bộ quản lý, bộ thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu. UBND cấp tỉnh được phân cấp thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN được giao quản lý.

Các bộ tổng hợp gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện trình Chính phủ, thẩm định hoặc cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ về những nội dung quản lý của chủ sở hữu nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty là chủ sở hữu trực tiếp tại công ty, thực hiện 2 nhóm quyền, trách nhiệm được phân công gồm: trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung đã được chủ sở hữu quyết định hoặc phê duyệt; trực tiếp thực hiện một số quyền theo phân cấp.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của bộ quản lý ngành, bộ tổng hợp trong việc tổ chức thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN, sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Về cơ bản, công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra DNNN được thực hiện trên nguyên tắc: bộ quản lý ngành kinh doanh chính thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra với vai trò là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại DN. Các bộ tổng hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp chung về DNNN và việc sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi chức năng, nhiệm được giao.