Quỹ ETF đầu tiên: giao dịch chưa như kỳ vọng

Quỹ ETF đầu tiên: giao dịch chưa như kỳ vọng

(ĐTCK) TTCK Việt Nam đã có các chỉ số HNX30, VN30, VNMidcap, VNSmall, VN100, VNAllShare và kỳ vọng sẽ sớm có thêm chỉ số ngành.

Đây chính là cơ sở hình thành các quỹ ETF hoặc hợp đồng tương lai chỉ số trong tương lai. Dự báo trong năm 2015, thị trường sẽ có thêm nhiều quỹ ETF.

Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội địa đầu tiên tại Việt Nam, ETF VFMVN30 dựa trên chỉ số VN30, có quy mô 202 tỷ đồng trong đợt chào bán lần đầu (IPO) và chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào ngày 6/10/2014. Trong ngày giao dịch đầu tiên, biên độ dao động giá là +/-20% so với giá tham chiếu, trong đó giá tham chiếu là 10.206,19 đồng/đơn vị. Đây cũng là giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ tại ngày 3/10/2014 do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) công bố.

Trong phiên chào sàn, chứng chỉ quỹ ETF của VFM là E1VFVN30 có giao dịch thỏa thuận của 7.175.000 cổ phiếu, trong đó có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Chứng chỉ quỹ chốt phiên tại mức giá 10.400 đồng/chứng chỉ quỹ. Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt 1,075 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 11,5 tỷ đồng. Đây cũng là khối lượng và mức giá cao nhất mà chứng chỉ quỹ này đạt được kể từ lúc chào sàn đến nay. Trong phiên giao dịch thứ hai, chứng chỉ quỹ E1VVN30 chốt phiên tại mức giá 10.300 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 100 đồng so với phiên chào sàn. Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt 252.160 chứng chỉ quỹ, bằng 23% tổng khối lượng khớp lệnh phiên đầu tiên. Về lý thuyết, chứng chỉ quỹ này mô phỏng VN30, nên NAV của Quỹ sẽ tăng giảm theo diễn biến của VN30, tuy nhiên có vẻ như tuần đầu niêm yết của Quỹ đã không đem lại kết quả mong muốn. Theo bản tin nhận định của một CTCK, giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 giảm 4,6% trong khi VN30 chỉ mất 1,15%.

Tính từ 6/10 đến 25/12, giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 giảm 1.300 đồng, tương ứng mức giảm 12,5%. Mức giá thấp nhất là 8.900 đồng/chứng chỉ quỹ vào phiên 17/12. Điều này cũng không quá khó hiểu khi TTCK Việt Nam đã có hai tuần giao dịch giảm sâu, trong đó có những phiên thị trường mất hơn 16 điểm. Điểm đáng chú ý, thanh khoản của chứng chỉ quỹ này không đáng kể, khối lượng giao dịch trung bình khoảng 156.000 chứng chỉ quỹ/ngày.

Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM, do quỹ ETF là sản phẩm mới nên cần thời gian để nhà đầu tư làm quen và hiểu được cơ chế giao dịch của ETF. Hiện VFM đang phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường phổ biến kiến thức về ETF tới nhiều đối tượng nhà đầu tư cũng như các thành viên tham gia thị trường.

Mới đây, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) công bố Quỹ ETF SSIAM HNX30 đã chính thức nhận giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ. Quỹ ETF SSIAM HNX30 dự kiến được niêm yết và chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào cuối tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015. Đây là chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên mô phỏng theo chỉ số HNX30 với giá trị phát hành 101 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Giá trị danh mục đầu tư của Quỹ ETF SSIAM HNX30 thông thường không thấp hơn 95% giá trị danh mục chứng khoán tương ứng của chỉ số tham chiếu HNX30 và tối thiểu 65% số chứng khoán cơ sở hình thành danh mục chứng khoán của chỉ số tham chiếu.

Ngoài ra, một số công ty quản lý quỹ cũng chia sẻ định hướng trong tương lai sẽ mở thêm các quỹ mở mới và quỹ ETF. Cụ thể, Công ty Quản lý quỹ Vinawealth có kế hoạch thành lập quỹ ETF, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital) dự kiến có sản phẩm có thể bao gồm ETF, các quỹ đầu tư cổ phiếu năng động. Tương tự, Baoviet Fund cũng dự kiến sẽ triển khai các sản phẩm khác như quỹ ETF và các quỹ có tính chất đặc thù như quỹ bất động sản, quỹ trái phiếu, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đối với VFM, sau quỹ ETF nội địa đầu tiên, Công ty có kế hoạch tiếp tục cho ra đời các quỹ ETF mới mô phỏng các bộ chỉ số khác khi Sở Giao dịch cho ra đời các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với những đặc tính ưu việt so với các loại hình quỹ đầu tư truyền thống trước đây, quỹ ETF được kỳ vọng sẽ tạo ra một “làn gió mới” trên TTCK. Việc Quỹ ETF nội đầu tiên giao dịch kém sôi động có lẽ một phần chịu ảnh hưởng từ sự đi xuống của TTCK thời gian gần đây.               

Tin bài liên quan