Quỹ mở, nhìn từ VFM

Quỹ mở, nhìn từ VFM

(ĐTCK) Động thái tạm dừng cho ra đời quỹ mỡ VFMI30 của VFM đã khiến nhiều người mong đợi sự xuất hiện của hình thái đầu tư mới không khỏi suy nghĩ.

Là công ty quản lý quỹ tiên phong lập quỹ đại chúng tại TTCK Việt Nam, VFM tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khi là công ty quản lý quỹ đầu tiên nộp hồ sơ lên UBCK đề xuất lập quỹ mở vào 6/8/2012. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng nộp hồ sơ, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đã có công văn gửi UBCK về việc VFM cần tiếp tục “nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện” hồ sơ quỹ mở, trước khi trình lại lên UBCK.

Động thái này được thị trường hiểu là VFM cần một “khoảng nghỉ” trong hành trình dài góp sức cho sự ra đời của quỹ mở (từ việc góp ý chính sách, tham gia hội thảo, tìm nhà đầu tư, xây dựng mô hình quỹ, đàm phán với các đối tác dự kiến), mà lý do được VFM đưa ra là “do điều kiện thị trường thay đổi và sau các sự kiện phát sinh sau ngày nộp hồ sơ”.

Đề xuất của VFM đã khiến nhiều người mong đợi sự xuất hiện của hình thái đầu tư mới - quỹ mở, không khỏi suy nghĩ. Tương lai TTCK có quỹ mở là bao giờ và lý do thực sự VFM muốn thêm “khoảng nghỉ” này là gì khi chính công ty này đã dành nhiều nỗ lực cho mô hình quỹ mở, thậm chí lo cả việc “cơ cấu” khoản vốn góp ban đầu cho quỹ mở khi định lượng sự quan tâm của nhà đầu tư còn rất thấp giai đoạn đầu?

Từ thị trường, dư luận đưa ra nhiều lý giải. Vì thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc - đó là lý do lớn nhất VFM cần thời gian để điều chỉnh chiến lược đầu tư của quỹ mở (VFMI30). Vì pháp lý, do mặc dù Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn sự ra đời của quỹ mở từ năm 2011, nhưng đó là quy định cơ bản. Những mong đợi sẽ có chính sách mới khuyến khích nhà đầu tư quan tâm đến quỹ mở, khuyến khích công ty quản lý quỹ lập quỹ mở cho đến nay vẫn ở dạng đề xuất (nổi bật là chính sách ưu đãi thuế mà các thành viên đề xuất), đang chờ được Bộ Tài chính quyết định.

Bên cạnh đó, việc chưa tìm được tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát cho quỹ mở cũng là một vướng mắc kỹ thuật, khi các tổ chức có chức năng (HSBC, Standard Chartered, Deuschebanks…) hiện chưa mặn mà đầu tư hạ tầng để cung ứng dịch vụ này. Phương án sử dụng dịch vụ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã được đặt ra, nhưng cũng đang trong quá trình nghiên cứu, chưa thể triển khai lúc này.

Trong khi VFM cần một “khoảng nghỉ” để điều chỉnh lại chiến lược trước khi trình lại hồ sơ lập quỹ mở lên UBCK, thì hồ sơ lập quỹ mở chuyên đầu tư trái phiếu của Công ty Quản lý quỹ MB (MB Capital) trở thành “ứng viên” đầu tiên cho hình thái quỹ mở tại Việt Nam. MB Capital nộp hồ sơ lên UBCK ngày 30/8/2012 và theo quy định tại Thông tư 183/2011/TT-BCT, trong 30 ngày lể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCK cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ mở ra công chúng, nếu từ chối phải nêu rõ lý do.

Dù TTCK không thuận lợi, nhưng trong chức năng của UBCK, những nỗ lực xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm mới vẫn liên tục được thực hiện. Sau quỹ mở, UBCK vừa công khai lấy ý kiến cho mô hình quỹ ETF và sắp tới sẽ là một số sản phẩm phái sinh chỉ số. Tuy nhiên, trên bình diện chung, điều thị trường cần là những sản phẩm cụ thể, có tính khả thi cao để ứng dụng thực tế, tạo nên một hợp lực giúp thị trường trụ vững và vượt qua khó khăn.

Làm thế nào để nghiên cứu khoa học gắn với hiện trạng pháp lý, gắn với thực tiễn thị trường để cho ra những sản phẩm thiết thực, đó là một câu hỏi lớn. Còn nhớ, mô hình công ty đầu tư chứng khoán được nghiên cứu, xây dựng và đưa vào Luật Chứng khoán từ năm 2006, nhưng đến nay, vẫn hoàn toàn vắng bóng trên TTCK Việt Nam.