Quỹ trái phiếu tìm cách tự bảo vệ

Quỹ trái phiếu tìm cách tự bảo vệ

(ĐTCK) Biến động của một mã trái phiếu trong danh mục cũng sẽ làm NAV của quỹ biến động mạnh, nếu quỹ không có giải pháp tự bảo vệ mình.

4 tháng sau khai trương, Quỹ trái phiếu VFMVFB của Công ty Quản lý quỹ VFM đã có hai tuần báo cáo tài sản ròng (NAV) giảm/tăng hàng chục lần so với dao động NAV bình thường. Tuy nhiên, biến động bất thường này có thể sẽ được khắc phục với Điều lệ quỹ mới của VFMVFB.

Trồi sụt bất thường vì “bản chất repo, hình thức outright”

Cụ thể, kỳ báo cáo tuần ngày 3/8, NAV của Quỹ trái phiếu VFMVFB giảm 5,34%, nhưng đến ngày 23/8 đã tăng trở lại 6,36% so với tuần trước đó. Tiếp đến, ngày 27/9, NAV của Quỹ sụt giảm 4,95%, nhưng đến kỳ báo cáo ngày 4/10 đã tăng trở lại 6,11%. Trong khi đó, NAV của các quỹ trái phiếu thường dao động khoảng 0,1 - 0,3%/tuần. 

Thông thường, NAV của VFMVFB, cụ thể là giá các mã trái phiếu mà Quỹ nắm giữ, được xác định bằng giá yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đối với các giao dịch outright (mua/bán đứt) tại ngày có giao dịch gần nhất trước ngày định giá cộng với lãi lũy kế. Giá trái phiếu dùng tính NAV của quỹ  chỉ được tính theo phương pháp khác đã được Ban đại diện Quỹ chấp thuận trong Sổ tay định giá nếu mã trái phiếu quỹ đang nắm giữ không có giao dịch trong hai tuần trước ngày báo cáo.

Quỹ trái phiếu tìm cách tự bảo vệ ảnh 1

Cách tính này dẫn đến vấn đề: nếu trên thị trường có thành viên thực hiện giao dịch repo (giao dịch mua/bán lại), nhưng thành viên đó lại thực hiện dưới hình thức hai giao dịch outright (một giao dịch bán và một giao dịch mua lại), thì lập tức giá trái phiếu sẽ đột ngột sụt giảm khi giao dịch outright thứ nhất được thực hiện. Sau đó, giá trái phiếu dùng để tính NAV của quỹ sẽ có sự phục hồi khi có các giao dịch outright khác, hoặc sẽ phục hồi sau 2 tuần do việc tính giá sau 2 tuần sẽ dựa trên lợi suất thị trường tại thời điểm báo cáo, thay vì sử dụng giá chiết khấu nêu trên. Khi giao dịch outright thứ hai được thực hiện, việc biến động nên trên lại lặp lại và tác động mạnh tới NAV của quỹ trái phiếu. Điều này dẫn đến diễn biến NAV bất thường của VFMVFB.

 

Quỹ trái phiếu tìm cách khắc phục

Câu chuyện về VFMVFB nêu trên phản ánh vấn đề thực tế đang xảy ra trên thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP). Việc các thành viên thị trường, thay vì thực hiện giao dịch repo chính thống, lại thực hiện hai giao dịch outright đã diễn ra phổ biến trên thị trường trái phiếu từ nhiều năm nay và từng được coi là một trong những hạn chế cơ bản của thị trường TPCP thứ cấp, vì nó có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tham chiếu giá TPCP. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng có thể sử dụng cách lách này hoặc để làm đẹp báo cáo vào cuối quý, hoặc vì bản thân ngân hàng chưa có một cơ chế giao dịch repo hoàn chỉnh.

Cuối năm ngoái, Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) đã kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường sửa đổi các hướng dẫn về giao dịch thứ cấp TPCP theo hướng tăng cường tính minh bạch và chính xác của thông tin lãi suất giao dịch, đảm bảo việc báo cáo đúng loại hình giao dịch outright và giao dịch mua/bán lại repo.

Trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng, bản thân các quỹ trái phiếu phải nắm rõ hạn chế trên của thị trường để xây dựng cách tính NAV chuẩn xác trong Điều lệ Quỹ. Tại HNX, tìm hiểu của ĐTCK được biết, khi vận hành đường cong lợi suất chuẩn từ tháng 3 năm nay, Sở đã áp dụng một cơ chế để loại trừ các giao dịch “bản chất repo, hình thức outright” ra khỏi cách tính giá outright để đưa ra giá tham chiếu chính xác nhất.

Quỹ VFF của Vinawealth có lẽ lường trước được câu chuyện trên nên trong Điều lệ quỹ có quy định, trường hợp “giá thị trường có nhiều biến động theo quy định nội bộ của công ty”, công ty quản lý quỹ được sử dụng giá trị hợp lý xác định theo nguyên tắc riêng của Quỹ. Trong khi đó, Quỹ MBBF của MBCapital, cũng như Quỹ VFMVFB trước đây chỉ quy định “trường hợp không có giao dịch nhiều hơn hai tuần tính đến ngày định giá” mới sử dụng cách tính giá trái phiếu riêng. Hiện tại, hai quỹ VFF và MBBF chưa gặp phải biến động NAV bất thường nào. Theo thông báo của VFMVFB trên website, ngày 1/10, VFMVFB đã quy định thêm trong Điều lệ quỹ là trong trường hợp giá trị thị trường có nhiều biến động bất thường, NAV sẽ được tính theo phương pháp riêng đã được chấp thuận từ trước của Quỹ.

Sự trồi sụt NAV của VFMVFB nêu trên còn phản ánh thực tế rằng, với quy mô vốn 50 - 100 tỷ đồng, các quỹ trái phiếu hầu như không thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thực tế, mỗi lô giao dịch trên thị trường TPCP từ 50 tỷ đồng trở lên, nên mỗi quỹ chỉ nắm được 1 - 2 mã trái phiếu. Do đó, biến động của một mã trái phiếu trong danh mục cũng sẽ làm NAV của quỹ biến động mạnh, nếu Quỹ không có giải pháp tự bảo vệ mình.