Rà điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư là rất cần thiết trong lúc này để có thể khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Đẩy nhanh đầu tư công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay. Ảnh: Đ.T

Đẩy nhanh đầu tư công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay. Ảnh: Đ.T

Tổ công tác đặc biệt

Những phiên họp đầu tiên của Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, đã được tổ chức.

Phát biểu tại cuộc họp được tổ chức vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã một lần nữa đề nghị các thành viên Nhóm giúp việc phối hợp chặt chẽ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, để từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Năm ngoái, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác xuống tận các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Cùng với đó, một tổ công tác đặc biệt cũng được thành lập để đón được các “đại bàng” đến Việt Nam đầu tư.

Nhờ đó, năm 2020, Việt Nam đã tăng 5 bậc, lần đầu tiên lọt Top 20 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới, theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Cũng nhờ đó, năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt tới 97,46%, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%.

Năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bởi thế, giữa tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Tổ công tác do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là Tổ trưởng; Tổ phó thường trực do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đảm nhiệm.

Tổ công tác đặc biệt lần này có quyền hạn và trách nhiệm rà soát các dự án đầu tư công, dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

Sẽ cần thời gian để mọi hoạt động của Tổ công tác “vào guồng”, cũng như kịp lên danh sách các dự án cần nhanh chóng được tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn. Nhưng tình thế hiện nay của nền kinh tế cho thấy, việc rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án cần được đẩy nhanh hơn.

Hiện tại, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sau 7 tháng chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tháng 7/2021, giải ngân vốn FDI đã giảm 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước đó.

Covid-19 lan rộng là nguyên nhân cơ bản khiến giải ngân vốn FDI chậm lại. Tuy nhiên, chắc chắn còn những vướng mắc không nhỏ khiến cho đến nay, trong tổng số 399 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thu hút được, mới có 242,2 tỷ USD được giải ngân. Không loại trừ khoản vốn ảo của nhiều dự án chỉ đăng ký rồi để đấy, song rõ ràng, nếu nguồn lực này được sớm đưa vào thực hiện, sẽ góp phần không nhỏ gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án quy mô lớn đang “ngấp nghé” vào Việt Nam. Dự án của Intel giai đoạn II, hay dự án vừa được đề xuất mới đây của Tập đoàn Amkor (Mỹ)… là những ví dụ điển hình.

Cách đây chưa lâu, Việt Nam đã “mất” 2 dự án quy mô lớn, trong đó có dự án 1,6 tỷ euro của Tập đoàn AT&S (Áo). Đó là bài học nhãn tiền, cho thấy nếu không nỗ lực tạo cơ chế, tháo vướng mắc, thì Việt Nam khó có thể đón được nhiều “đại bàng” như kỳ vọng.

Trong khi đó, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến cuối tháng 7/2021 mới đạt trên 160.000 tỷ đồng, bằng 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%).

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, đặc biệt với vốn ODA. Nếu không nhanh chóng được thúc đẩy, sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.

“Cần quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm soát chi nhằm đẩy nhanh thủ tục giải ngân, nhất là đối với nguồn vốn ODA”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Để làm được điều đó, vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%). Trong đó, một số bộ, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Quảng Ninh (90,41%), Hải Phòng (88,24%), Bình Phước (79,22%), Thái Bình (71,04%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,96%), Kiểm toán Nhà nước (49,79%)… Trong khi đó, có 6 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân, nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan