Ranh giới nào cho thông tin?

(ĐTCK-online)Gần đây, báo chí và một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải (HSBC) công bố một bản báo cáo và dự đoán, VN-Index cuối năm nay vào khoảng 900 điểm. Thông tin này đã góp phần (dĩ nhiên còn một số nguyên nhân khác nữa) khiến nhà đầu tư hết sức hoang mang và đẩy mạnh bán ra cổ phiếu. VN-Index lập tức tụt mất 47,38 điểm, từ 1.024,68 điểm xuống dưới mức 1.000 điểm, chỉ còn 977,3 điểm sau 2 phiên giao dịch ngày 2 và 3/7/2007.

Đây không phải là lần đầu tiên HSBC đưa ra một thông tin như vậy. Hai lần trước, một của IMF, một của HSBC cũng đưa ra con số sai lệch về TTCK Việt Nam . Kết quả là các số liệu này đã tác động đến tâm lý của công chúng đầu tư. Theo các thông tin này, giá cổ phiếu của nhà đầu tư đang nắm giữ đã quá cao và không mang lại lợi nhuận nữa, thế là buộc họ phải bán ra khiến giá cổ phiếu giảm xuống, trong khi nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lại đẩy mạnh mua vào. Kết quả cuối cùng là nhiều nhà đầu tư trong nước tin theo số liệu mà IMF và HSBC đưa ra, đã bán đổ bán tháo cổ phiếu của mình nên bị lỗ nặng, còn nhà ĐTNN mua được với giá rẻ. Vấn đề đã rõ ràng: ai được lợi và ai bị tổn thất từ các thông tin sai lệch trên.

TTCK rất nhạy cảm với thông tin, nhất là TTCK Việt Nam , việc mua bán còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý, bầy đàn. Cũng giống như các loại "chợ" thông thường khác, người ta không từ bất cứ hành vi nào, kể cả vi phạm pháp luật để kiếm lời. Trở lại trường hợp của HSBC vừa qua, thông tin này có chính xác hay không thì phải chờ tới cuối năm nay mới biết. Nhưng qua hai lần trước, thì bây giờ có gọi là "quá tam ba bận" hay không? Mọi người hẳn biết rất rõ, HSBC là một tổ chức kinh tế, chứ không phải là một tổ chức từ thiện hay xã hội, mọi hành động của họ đều phục vụ cho mục đích lợi nhuận. Vì vậy, cũng như các lần trước, khi họ đưa thông tin ra, người ta có quyền nghi ngờ rằng, họ không phải tự nhiên biếu không người khác. Thế thì thông tin đó có mang lại lợi ích gì cho họ không? Hiện nay, rất nhiều ngân hàng nước ngoài đang chọn giải pháp  đàm phán với các ngân hàng TMCP của Việt Nam để mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược (thay vì tốn kém thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam ). Những cuộc đàm phán này đôi khi diễn ra rất căng thẳng, chủ yếu về các điều kiện hợp tác, trong đó giá cả đóng vai trò quan trọng nhất. Những hợp đồng này có giá trị rất lớn, thường lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chỉ cần nhích một vài giá thì phía Việt Nam đã mất đi nhiều tỷ đồng nên phía Việt Nam luôn phải chịu sức ép rất lớn về giá; giá cổ phiếu xuống là phía nước ngoài có lợi mà HSBC đâu phải là một ngoại lệ, người ta có quyền suy nghĩ như vậy. Vấn đề đã rõ: thông tin chưa được kiểm nghiệm, đưa ra trong lúc nhạy cảm sẽ gây khó khăn, tổn thất cho phía Việt Nam .

Các nhà đầu tư và các tổ chức trong nước biết kêu ai khi phải chịu thiệt hại trên? Nhưng người ta có câu: "Phải biết tự cứu mình trước khi Trời cứu", nhà đầu tư trong nước phải tỉnh táo sàng lọc khi tiếp nhận thông tin và phải biết đặt câu hỏi: thông tin ấy do ai đưa ra? Họ đưa ra nhằm mục đích gì? Những thông tin ấy phục vụ cho ai và ai có lợi?

Thế còn các cơ quan quản lý thì sao? Theo Luật Chứng khoán, chúng ta có quyền ngăn chặn và xử phạt những thông tin giao dịch nội gián, thông tin sai lệch vì mục đích trục lợi, gây tổn thất cho thị trường. Một câu hỏi được đặt ra lúc này: cơ quan quản lý, cụ thể là UBCKNN vừa qua đã phạt 30 triệu đồng cho một hành vi vi phạm trên TTCK. Còn đối với những thông tin  nửa kín nửa hở, kiểu như "lưu hành nội bộ" nhưng ai cũng biết như đề cập ở trên thì tính sao đây?