Các ngân hàng thận trọng, vì nợ quá hạn tăng sau khủng hoảng là điều khó tránh.

Các ngân hàng thận trọng, vì nợ quá hạn tăng sau khủng hoảng là điều khó tránh.

Rào cản tín dụng tháng 5

(ĐTCK) Dư nợ tín dụng tháng 4, theo thống kê của ngành ngân hàng, tăng cao hơn so với tổng vốn huy động và tăng đáng kể so với đầu năm 2009. Cụ thể, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng 4 ước tăng 3,74% so với cuối tháng trước và tăng 9,88% so với cuối năm 2008. Trong khi đó, vốn đầu tư cho nền kinh tế tháng 4 ước tăng 4,86% so với cuối tháng trước và tăng 11,16% so với cuối năm 2008, trong đó đầu tư bằng VND ước tăng 5,81% và đầu tư bằng ngoại tệ ước tăng 0,65% so với cuối tháng trước.

Không ít chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, với diễn biến của thị trường hiện nay cùng với tác dụng tích cực từ các gói hỗ trợ lãi suất, kích cầu, thì xu hướng dư nợ tín dụng sẽ dần tăng lên. Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế cho biết, sở dĩ tín dụng tăng trưởng mạnh trong tháng 4 là do trong quý I/2009 nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại. Một phần, họ phải điều chỉnh lại kế hoạch hoạt động để phù hợp với diễn biến của thị trường. Do sự điều chỉnh này phải có độ trễ, nên dư nợ tín dụng mới bắt đầu tăng từ tháng 4.

Theo ông Nam, nhiều khả năng nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn ổn định trong những tháng tới vì các gói kích cầu phát huy tác dụng. Đồng thời, xu thế chung của ngành ngân hàng là muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ đưa ra cho ngành ngân hàng trong năm nay là tăng trưởng ở mức 20 - 25%. Do đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, không ít ngân hàng tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh của thị trường tháng 5/2009 sẽ ảnh hưởng đến dư nợ tín dụng. Theo nhận định của ông Nam, hiện có một số yếu tố tác động đến kinh tế trong nước và nhiều khả năng làm chững lại sự phát triển của kinh tế châu Á. Trong đó, dịch cúm A/H1N1 đã ảnh hưởng đến mãi lực tiêu dùng hàng hóa cũng như giao thương giữa các quốc gia có dịch cúm lây lan. Hoạt động của các nhà xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, kinh tế Mỹ và châu Âu chưa thực sự ổn định sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.

Mặt khác, lo ngại lạm phát sẽ có nguy cơ tái bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra. GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường đại học Kinh tế TP. HCM cũng cho rằng, bóng dáng lạm phát đang lộ rõ khi nguồn vốn đưa ra thị trường ngày càng tăng. Chính những yếu tố này sẽ là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng trong tháng 5 này. Thực tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ lãi suất bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ ngày 29/4 đến ngày 7/5 (trong 1 tuần), các ngân hàng chỉ giải ngân được 3.167 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, vỏn vẹn tăng 1,17% so với tuần trước đó. Vốn ưu đãi trung dài hạn cũng tăng chậm lại.

Tính đến ngày 7/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cho vay gần 272.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, so với 2 tháng đầu triển khai, lại có dấu hiệu giảm. NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng VND tính đến ngày 12/5 đạt 53.150 tỷ đồng, cao hơn khoảng 3.000 tỷ đồng so với cuối tháng 4/2009. Tuy nhiên, theo đánh giá của một cán bộ cấp cao của NHNN - Chi nhánh TP. HCM, trước xu hướng điều chỉnh lãi suất tăng của ngân hàng hiện nay, cho thấy việc ngân hàng cần vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là có. Nhưng để hạn chế rủi ro, các ngân hàng phải thận trọng cao, vì nợ quá hạn tăng sau khủng hoảng là điều khó tránh.

Theo một cán bộ ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2009 chỉ là phục hồi sau một giai đoạn tăng trưởng nóng nên cũng không quá lo ngại. Song ông này thừa nhận, rủi ro tăng trưởng tín dụng năm nay không phải hoàn toàn đảm bảo, nếu ngân hàng không có biện pháp quản lý rủi ro tốt, kiểm soát được chất lượng tín dụng.