Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính CTCK Sài Gòn
Chúng tôi vẫn đang thực hiện các hợp đồng repo với khách hàng. Để kiểm soát rủi ro, chúng tôi đã lập ra rất nhiều hạn mức. Chẳng hạn, với một khách hàng được repo không quá bao nhiêu tiền, với một cổ phiếu không quá bao nhiêu % vốn điều lệ của DN, tổng số tiền repo cho các loại cổ phiếu trong một ngành không quá bao nhiêu tổng hạn mức thực hiện nghiệp vụ repo…
Rủi ro lớn nhất khi thực hiện nghiệp vụ này đó là tính thanh khoản của thị trường. Khi NĐT không trả tiền cầm cố hoặc khi không bán được cổ phiếu thì chúng tôi buộc phải chuyển sang danh mục tự doanh. Theo quy định hiện nay, CTCK không được đầu tư quá 20% vào công ty niêm yết và 15% vào cổ phiếu OTC. Chính vì thế, chúng tôi đã phòng ngừa rủi ro khi thực hiện nghiệp vụ này là chỉ cầm cố một tỷ lệ nhất định đối với từng loại chứng khoán.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch HĐQT CTCK SeABS
Repo cổ phiếu là một nghiệp vụ phổ biến trên TTCK thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để các CTCK triển khai. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để CTCK triển khai nghiệp vụ này vì nó tăng tính thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nghiệp vụ này cũng tạo nguồn thu đối với CTCK. Tuy nhiên, CTCK phải lường trước những rủi ro để kiểm soát các hợp đồng repo. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường phải xây dựng văn bản pháp lý chặt chẽ, cụ thể quy định về hoạt đồng này. Đối với SeABS, chúng tôi đang tập trung xử lý những hợp đồng repo cũ và tạm thời chưa triển khai các hợp đồng repo mới. Trong tương lai, tùy vào điều kiện của thị trường và khả năng huy động vốn thì Công ty sẽ thực hiện trở lại nghiệp vụ này.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc CTCK VNDierct
Có thể thấy, hiện nay giá nhiều loại cổ phiếu xuống rất thấp và là thời điểm tốt đối với các CTCK thực hiện nghiệp vụ repo. Mặc dù repo là một nghiệp vụ khá rủi ro nhưng lại tạo tính thanh khoản cao cho thị trường và là công cụ linh hoạt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao nên CTCK cần tính toán hợp lý giữa khoản lãi cho vay các hợp đồng repo và lãi suất tiền gửi để đưa ra phương án tối ưu. Để thực hiện tốt nghiệp vụ này phải cần một khoản vốn lớn, mà trong thời điểm hiện nay, việc huy động vốn đối với CTCK độc lập cũng khó khăn hơn so với CTCK trực thuộc ngân hàng. Về dài hạn, tôi cho rằng, đây là một nghiệp vụ có ích cho thị trường nên được áp dụng phổ biến, vì nó sẽ làm tăng tính hấp dẫn đối với TTCK.
Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Hiện nay, tại SHS chúng tôi không thực hiện việc repo cổ phiếu, mà chỉ hỗ trợ NĐT bằng cách ứng trước tiền bán chứng khoán. Không phải vì SHS không có đủ nguồn lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro, mà do chưa có quy định rõ ràng hướng dẫn nghiệp vụ này của các cơ quan chức năng.
Repo cổ phiếu về bản chất là một công cụ phái sinh mà hiện nay các CTCK đang đề nghị UBCK cho phép thực hiện. Luật Chứng khoán quy định, CTCK được phép cho vay hạn chế đầu tư chứng khoán, tuy nhiên chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn việc này.
Tôi cho rằng, đây là một trong những đòn bẩy tài chính hỗ trợ NĐT, nếu được phép triển khai thì NĐT cũng có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, khi triển khai, mỗi CTCK phải xây dựng một quy trình kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt nhằm bảo vệ mình cũng như sự ổn định của thị trường.