Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản tháng 8/2017, tìm cơ hội hợp tác hiệu quả hơn giữa các thị trường

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản tháng 8/2017, tìm cơ hội hợp tác hiệu quả hơn giữa các thị trường

Rộng cửa hợp tác quốc tế, mở cơ hội vươn tầm

(ĐTCK) “Các hoạt động hợp tác quốc tế một mặt cần nâng tầm hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác phải hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường theo định hướng phát triển chung của nền kinh tế và của ngành tài chính…”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán trước thềm năm mới 2018.

Thưa ông, đâu là những dấu mốc mới trong hội nhập quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua?

Những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế có nhiều điểm sáng, giúp ngành chứng khoán Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét trên bản đồ chứng khoán thế giới. Bước tiến hội nhập này vừa đưa bạn bè quốc tế đến Việt Nam.

Trong năm 2017, UBCK tiếp tục chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động hợp tác quốc tế. Nhờ đó, nhiều dự án hợp tác song phương và đa phương đã được hình thành và triển khai, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển chung của ngành chứng khoán.

Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Dự án VIE032 “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính”, do Chính phủ Luxembourg tài trợ, với các chương trình đào tạo nâng cao năng lực về chứng khoán phái sinh, quản trị công ty, các hoạt động tăng cường kết nối trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, hay Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực quản trị công ty” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dành cho UBCK.

 Ông Vũ Chí Dũng

Trong năm 2017, UBCK đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Nhật Bản vào tháng 8/2017. Hội nghị đã tạo ra một kênh đối thoại cởi mở, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, nhất là củng cố niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với tiềm năng phát triển của thị trường.

Năm 2017 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó thành tựu quan trọng đạt được từ khi tham gia WTO chính là sự gia tăng đáng kể của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Tính đến hết tháng 11/2017, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016.

Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn đang và sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, khả năng phân tích, đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.

Những nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế đã góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển chuyên nghiệp, minh bạch và lành mạnh hơn như thế nào, thưa ông?

Các chủ trương, chính sách của UBCK đều hướng tới phát triển một thị trường chứng khoán chuyên nghiệp, ổn định, minh bạch và toàn vẹn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Các hoạt động hợp tác quốc tế của UBCK cũng được thực hiện trên cơ sở kim chỉ nam này.

Những năm qua, UBCK luôn tích cực tham gia hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn, các tổ chức hợp tác quốc tế về chứng khoán như Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN (ACMF) hay Tổ chức quốc tế các cơ quan quản lý chứng khoán (IOSCO)… Các diễn đàn, tổ chức này đều xây dựng những bộ quy tắc và chuẩn mực cho các thành viên.

Theo đó, UBCK nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện hành lang pháp lý và tăng cường năng lực cho thị trường nhằm tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc này. Thông qua tham gia các diễn đàn quốc tế, UBCK có cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giám sát, quản lý thị trường, giúp thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. 

Cần phải thừa nhận rằng, với điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực phát triển, hợp tác quốc tế chính là cây cầu nối, góp phần hiện thực hóa các chủ trương chính sách của UBCK thông qua các hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Đơn cử, UBCK đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, ADB để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và thị trường về tầm quan trọng của quản trị công ty tốt, đồng thời từng bước thể chế hóa tạo cơ sở pháp lý cho áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, tăng cường tính minh bạch thông tin trên thị trường, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Một trong những công việc thị trường chờ đợi là nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Đâu là những khó khăn, vướng mắc mà Việt Nam đang phải vượt qua để nâng hạng thị trường chứng khoán thành công?

Theo phân loại của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam ở vị thế cận biên, thị trường sơ khai có độ rủi ro cao. Do đó, khả năng phân bổ vốn đầu tư của các tổ chức đầu tư quốc tế vào Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ.

Bên cạnh đó, quy mô của thị trường còn khiêm tốn so với các thị trường khu vực và thế giới, dẫn tới sự khiêm tốn về thanh khoản, ảnh hưởng tới việc giải ngân của các tổ chức đầu tư lớn. Do đó, việc nâng hạng thị trường sẽ tạo niềm tin cho các tổ chức nước ngoài, từ đó giúp thu hút nguồn vốn nước ngoài, cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Bởi việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng trên thế giới như MSCI, FTSE Russell hay S&P Dow Jones đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Nhìn chung, các tiêu chí định lượng không phải là trở ngại lớn với Việt Nam, vì hiện đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới. Nhóm tiêu chí định tính là rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam. Việc đánh giá của MSCI về cơ bản dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, nên việc áp dụng các chính sách, giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố, không đảm bảo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Về phía cơ quan quản lý, UBCK đang triển khai những giải pháp nào để thúc đẩy quá trình nâng hạng thành công?

UBCK đã và đang tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán gồm:

Thứ nhất, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng. Đây luôn là nội dung được nhiều tổ chức đầu tư quan tâm. Nghị định 60/2015 được ban hành thời gian qua đã tháo gỡ một phần vướng mắc về room sở hữu của nhà đầu tư tư nước ngoài, qua đó tạo niềm tin cho họ về cam kết mở cửa, hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn có một số vướng mắc, đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện. UBCK đang xem xét để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi một số quy định pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc.

Thứ hai, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Công việc trọng tâm là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và tăng cường năng lực thực thi về quản trị công ty, tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao kỷ luật và lòng tin của nhà đầu tư, khuyến khích công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tập trung về các công ty đại chúng...

Thứ ba, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

UBCK cũng nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường, đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có một cơ cấu hoàn chỉnh hơn, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, thúc đẩy thị trường vốn hội nhập, liên kết với thị trường vốn trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm dự kiến ra mắt trong thời gian sắp tới cũng được kỳ vọng tạo ra sức phát triển mới cho thị trường chứng khoán.

UBCK đã và đang xây dựng Đề án Tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường giao dịch qua việc hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán nhằm nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, giảm chi phí giao dịch... để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đâu là những trọng tâm tăng cường hợp tác quốc tế của ngành chứng khoán trong thời gian tới, thưa ông?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục định hướng chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu. Các hoạt động hợp tác quốc tế, một mặt cần nâng tầm hình ảnh và thúc đẩy sự hiện diện của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác phải hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường theo định hướng phát triển chung của nền kinh tế và của ngành tài chính.

Trong năm 2018, UBCK sẽ tiếp tục tham gia tích cực các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, ASEAN và các đối tác, tiểu vùng sông Mekong, APEC… UBCK sẽ đăng cai Hội nghị các cơ quan quản lý thị trường vốn khu vực ASEAN (ACMF). Đây là cơ hội để quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trong khu vực.

Tiếp nối thành công trong các năm trước, UBCK sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác như Luxembourg, Đức, Nhật… cũng như các dự án hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế như ADB, IFC, WB nhằm hỗ trợ tích cực các mục tiêu phát triển thị trường, góp phần xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, lành mạnh.

Tin bài liên quan