Rất ít nhà đầu tư mở tài khoản có tham gia giao dịch thực tế tại sàn hàng hoá

Rất ít nhà đầu tư mở tài khoản có tham gia giao dịch thực tế tại sàn hàng hoá

Sàn hàng hóa với nỗi lo hút khách

(ĐTCK-online) Nỗi lo về việc nhiều CTCK mất thanh khoản, tiền và chứng khoán của NĐT không được bảo đảm an toàn đang tác động lớn đến tâm lý các NĐT cá nhân. Trong khi đó, NĐT tổ chức cũng nhận thấy, thị trường chưa hội đủ những yếu tố đảm bảo cho giao dịch thuận buồm xuôi gió. Đây sẽ là những thách thức lớn của sàn hàng hóa trong năm 2012.

Nhìn lại hơn nửa năm hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), kết quả không quá ảm đạm, song cũng chưa hẳn đạt kỳ vọng những người tin tưởng vào kênh giao dịch này. Năm 2011, Sở đã kết nạp được 19 thành viên kinh doanh và thành viên môi giới. Tính đến ngày 30/11/2011, số lượng tài khoản giao dịch tại VNX là 1.385 tài khoản, giá trị giao dịch đạt trên 9.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số tài khoản trên, chỉ có 2% lượng khách thường xuyên giao dịch.

Nhìn nhận về vai trò của kênh giao dịch hàng hóa, có thể thấy tiềm năng rất lớn của thị trường này. Mặc dù là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và chiếm vị trí hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu… nhưng trong suốt một thời gian dài, giá cả hàng hóa nông sản của Việt Nam thường bị chi phối bởi giá cả trên thị trường hàng hóa phái sinh thế giới. Vì vậy, nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành là muốn có một tổ chức trung gian trong nước đứng ra thực hiện chức năng điều tiết thị trường, giúp các DN bảo hiểm rủi ro biến động giá và ổn định tình hình kinh doanh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm và ẩn chứa nhiều rủi ro, giá cả hàng hóa toàn cầu biến động mạnh do ảnh hưởng của thị trường tài chính và các yếu tố thiên tai, thời tiết được cho là những nhân tố khiến giao dịch phái sinh được xem như là một thị trường hấp dẫn. Năm 2010, thống kê của Hiệp hội Các sở giao dịch chứng khoán thế giới cho thấy, đã có 22,4 tỷ hợp đồng phái sinh được giao dịch ở các sàn giao dịch trên thế giới.

Với tiềm năng từ thị trường như vậy, định hướng của VNX là tạo ra một môi trường  thương mại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa công khai và minh bạch, bảo hiểm rủi ro biến động giá, mở ra kênh đầu tư mới cho các NĐT tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Tổ chức này cũng liên kết, hợp tác với các ngân hàng thanh toán, các công ty kiểm định, giao nhận và đang trong kế hoạch hoàn thiện hệ thống kho bãi nhằm đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng hóa vật chất cũng như nhu cầu gửi tạm, lưu kho hàng hóa của

các NĐT.

Năm 2012, VNX sẽ tăng cường quảng bá, tích cực hỗ trợ các công ty thành viên để thu hút giao dịch, đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác với các sở giao dịch và đối tác quốc tế. Sở giao dịch này đặt mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch trên  VNX ước tính tăng gấp 4 lần, với tổng giá trị giao dịch ước tính tăng 2,5 lần, tương đương 18.600 tỷ đồng vào năm tới.

Lãnh đạo VNX cho biết, Sở sẽ nghiên cứu cung cấp công cụ quyền chọn, cho phép doanh nghiệp mua hoặc bán trước sản phẩm của mình trong tương lai. Sản phẩm này có tiện ích là cho phép doanh nghiệp được quyền hủy ngang quyền mua, quyền bán trước khi đến hạn; bên cạnh đo, cung cấp hợp đồng swap…

Định hướng của Sở giao dịch là đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ NĐT. Tuy nhiên, tương tự các kênh giao dịch khác, hiện NĐT rất lo ngại về khả năng đảm bảo an toàn cho các tài sản của họ. Việc nhiều CTCK mất thanh khoản, tiền và chứng khoán của NĐT không được bảo đảm an toàn đang tác động lớn đến tâm lý NĐT cá nhân. Trong khi đó, NĐT tổ chức cũng nhận thấy, thị trường chưa hội đủ những yếu tố đảm bảo cho giao dịch thuận buồm xuôi gió. "Tôi có thể bỏ ra lượng tiền lớn để mua gom hàng hóa qua sàn. Nếu các đối tác không đảm bảo giao dịch đủ hàng như cam kết, họ sẽ mất 10% ký quỹ. Tuy nhiên, chúng tôi còn bị những thiệt hại lớn hơn do mất uy tín với khách hàng", giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nông sản lo ngại.