Như vậy, lần đầu tiên trong hơn chục năm qua, ngai vàng số 1 của Fortune Global 500 không thuộc về một DN Mỹ, hay nói chính xác hơn, Royal Dutch Shell (gọi tắt là Shell) là DN nước ngoài đầu tiên sau nhiều năm vươn lên đứng đầu danh sách và hoàn toàn xứng đáng khi bỏ xa đối thủ Mỹ tới 15 tỷ USD. Doanh thu năm 2008 của Shell là 458,36 tỷ USD, trong khi con số này của Exxon Mobil là 442,85 tỷ USD.
Có một số điểm đáng chú ý trong danh sách Fortune Global 500 năm nay.
Thứ nhất, Mỹ, nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đã nếm trải những hậu quả tai hại của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi trong danh sách 500 DN lớn nhất chỉ có đúng 140 đại diện, mức thấp nhất kể từ năm 1995. Trong số những DN Mỹ bị “bật bãi” có những cái tên từng lừng lẫy một thời như Tập đoàn Bảo hiểm AIG, Tập đoàn Cho vay thế chấp nhà Freddie Mac, Tập đoàn Tài chính Lehman Brothers...
Thứ hai, lần đầu tiên, Trung Quốc có đại biểu ưu tú là Tập đoàn Dầu khí, lọc hoá dầu Sinopec lọt vào nhóm 10 DN lớn nhất thế giới (ở vị trí số 9). Hơn nữa, năm nay, Trung Quốc có thêm 9 gương mặt mới, nâng tổng số DN lọt vào danh sách Fortune Global 500 lên tới con số 37, chỉ còn kém Nhật Bản (với 68 DN), Pháp (40 DN) và Đức (39 DN).
Thứ ba, dầu khí là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ăn nên, làm ra nhất trong năm qua, khi có tới 7 trong số 10 DN đứng đầu thế giới (xem bảng). Một số tập đoàn dầu khí đã thế chỗ của các tập đoàn tài chính - ngân hàng bị thua lỗ liểng xiểng. Cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan thuận lợi cho sự “lên hương” của ngành khai thác dầu khí quốc tế là trong năm qua, giá dầu thô luôn tăng ở mức cao, có lúc đạt tới mức kỷ lục 147 USD/thùng. Không chỉ có doanh thu lớn, mà lợi nhuận thuần của các tập đoàn dầu khí cũng cao vời vợi. Cụ thể, lợi nhuận thuần của Shell là 26,27 tỷ USD, của Exxon Mobil còn cao hơn nhiều, ở mức 45,22 tỷ USD. Thật là một trời, một vực so với khoản lỗ thê thảm hơn 30 tỷ USD của General Motors, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ.
Có một điều khá thú vị là, trước khi Fortune công bố danh sách trên đúng một tuần, vào ngày 1/7, ông Peter Voser, 50 tuổi, quốc tịch Thuỵ Sỹ chính thức lên nắm quyền Giám đốc điều hành (CEO) Shell thay ông Jeroen van der Veer, quốc tịch Hà Lan. Giờ đây không ít người có suy nghĩ rằng, sao mà số ông này hên thế. Lên nắm quyền ở tập đoàn có doanh số lớn nhất thế giới hiện nay, lại đúng lúc đang phất thì khác nào như chỉ đứng coi một cỗ máy đang chạy hết sức trơn tru mà không cần thiết phải động chân, động tay vào. Có tờ báo còn ví ông Peter Voser như được ngồi vào ghế phi công trưởng của chiếc máy bay đang bay với chế độ tự động lái (autopilot). Đây là người ngoài nghĩ vậy thôi, chứ những ai am hiểu nội tình Shell thì đều phải công nhận ông có công rất lớn trong thành tích của Tập đoàn hôm nay. Ông Peter Voser được đào tạo cơ bản ngành tài chính - kế toán và đã làm việc ở Shell hơn 20 năm nay trong mảng tài chính. Ông đã từng giữ chức vụ quản lý, rồi kế toán trưởng ở các thị trường Thuỵ Sỹ,
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Fortune cuối tuần qua, ông Peter Voser phát biểu: “Kết quả xếp hạng của Shell là rất đáng phấn khởi và tự hào, song tôi là con người không bao giờ thoả mãn với nguyên trạng”.