Sóng ngành vào cuộc “chạy tiếp sức”

Sóng ngành vào cuộc “chạy tiếp sức”

(ĐTCK) Diễn biến đáng chú ý trong những phiên giao dịch gần đây là việc bất chấp thị trường xanh đỏ, nhiều nhóm cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng giá mạnh.

> Năm 2012, TTCK sẽ có nhiều “sóng”

Sóng ngắn đỡ sóng dài

Khi chứng khoán thất thế, cổ phiếu các CTCK không tránh khỏi vận hạn xấu, rớt giá thê thảm. Nhưng đó là tình trạng cuối năm 2011, đầu năm nay, khi thị trường tìm được điểm tựa để từng bước đi lên, cổ phiếu chứng khoán vụt có giá, được tranh mua trở lại, trở thành tiêu điểm của dòng tiền. Có thể nói, động lực từ nhóm cổ phiếu chỉ báo thị trường này là chất xúc tác châm lửa cho sự đi lên trong hoài nghi của hai chỉ số chứng khoán từ giữa tháng 1/2012.

Bước vào nửa cuối tháng 2, khi kỳ vọng về lợi nhuận và hoàn nhập dự phòng của các CTCK không còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ, thì cổ phiếu ngân hàng thay thế nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng M&A.

Thương vụ thâu tóm Sacombank gây ồn ào, cộng với các thông tin nửa kín nửa hở về việc Ngân hàng Habubank (HBB) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là động lực chính hình thành nên một trào lưu mới: đầu tư “ăn theo” cổ phiếu trong tầm ngắm thâu tóm.

Sự háo hức của giới đầu cơ khiến nhóm cổ phiếu “vua” tìm lại được chút hào quang quá khứ: thanh khoản đột biến. Ấn tượng hơn cả là giá các cổ phiếu STB, SHB, HBB tăng mạnh khiến thành ngữ “voi không biết phi nước đại” (chỉ sự ì ạch nặng nề của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn) không còn hợp thời.

Tuy nhiên, khi thông tin vụ thâu tóm STB không còn gây ồn ào, tình tiết sáp nhập SHB - HBB dần hé lộ, thì cổ phiếu bất động sản (BĐS) nổi lên thay thế, hâm nóng TTCK trong nửa đầu tháng 4. Nhiều phiên, sắc đỏ lan rộng trên bảng điện, nhưng cổ phiếu BĐS vẫn bền bỉ lội ngược dòng thị trường.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước “cởi trói” tín dụng BĐS là động lực chính giúp nhóm cổ phiếu này bừng tỉnh, dù có thể cần thời gian khá dài thị trường BĐS mới có bước chuyển mình thoát khỏi trạng thái trì trệ kéo dài. Ngay lập tức, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng “ăn theo” bước đi chung nhịp với cổ phiếu “người anh em” BĐS.

Sóng ngành vào cuộc “chạy tiếp sức” ảnh 1

Một dấu hiệu nhận biết sóng ngành bước vào chu kỳ xoay tua là thứ tự trỗi dậy của các nhóm cổ phiếu, thường bắt đầu từ nhóm ngân hàng, tài chính, BĐS

Khi ba nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chỉ số chứng khoán được đẩy lên cao, giúp chỉ số chứng khoán lần lượt vượt qua các ngưỡng cản cứng, khiến tâm lý giới đầu tư hưng phấn, thì bắt đầu dòng tiền lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu trong quá khứ mang tính đầu cơ cao: nhóm cổ phiếu khoáng sản được săn lùng ráo riết, nhóm cổ phiếu “họ” Sông Đà tăng trần đồng loạt.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững như cổ phiếu đường, dầu khí, hàng sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng…, tuy chậm rãi nhưng cuối cùng cũng nhập cuộc thu hút dòng tiền. Diễn biến mới nhất trong một vài phiên gần đây là nhóm cổ phiếu giá “bèo” bất ngờ trỗi dậy tăng trần, bỏ qua việc thị trường có dấu hiệu điều chỉnh và xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang các mã có tính đầu cơ tại sàn HNX.

Diễn biến thị trường cho thấy, các cổ phiếu được phân hóa rất mạnh, dòng tiền đầu cơ chạy quanh, tạo nên các nhóm ngành ở các mặt bằng giá mới. Sóng ngắn đỡ sóng dài liên tục đỡ hai chỉ số chứng khoán duy trì xu thế đi lên, và ngăn không cho thị trường điều chỉnh sâu là một diễn biến đáng lưu ý của TTCK hiện nay.

 

Dòng tiền vẫn chảy

Giống như cuộc chạy tiếp sức đường dài, sóng ngành chính là yếu tố đang đỡ cho hai chỉ số chứng khoán, giúp thị trường vượt lên nhiều ngưỡng cản. Câu hỏi hiện nay là sau khi một cổ phiếu có dấu hiệu thoái trào, sóng ngành nào sẽ tham gia cuộc chạy tiếp sức của hai chỉ số chứng khoán hay khi sóng cổ phiếu penny nổi lên là dấu hiệu sớm báo hiệu sự suy thoái chung của thị trường sắp tới?

Theo ghi nhận của ĐTCK, bộ phận phân tích của nhiều CTCK lớn tỏ ra khá lạc quan với diễn biến của TTCK hiện tại. Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng khối Phân tích khách hàng cá nhân của CTCK Kim Eng nhận định, với xu thế bế tắc và trầm lắng của các kênh đầu tư khác, TTCK đang là đối tượng quan tâm số 1 của dòng tiền nhàn rỗi, nhất là mặt bằng chứng khoán vẫn ở mức khá thấp so với trong quá khứ.

“Có thể nhiều quan điểm thận trọng, nghi ngờ việc chứng khoán đi lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn ảm đạm và chưa có chuyển biến rõ nét hay lợi nhuận nghèo nàn của nhiều DN, mà quên đi sự vận động của dòng tiền. Sau khi sóng các ngành đã chạy gần hết một vòng, sắp tới, sự xoay tua có thể lặp lại, nhưng có sự phân hóa, chọn lọc hơn, hướng vào các DN duy trì hoạt động tốt trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại. Chỉ mã nào tăng giá quá mạnh sẽ dừng lại hoặc điều chỉnh”, ông Khánh nói.

Cùng quan điểm này, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt nhận xét, chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất và có thể điều chỉnh, nhưng rất ít có khả năng rớt sâu. Theo bà Quỳnh, một dấu hiệu nhận biết sóng ngành bước vào chu kỳ xoay tua là thứ tự trỗi dậy của các nhóm cổ phiếu, thường bắt đầu được châm ngòi từ nhóm ngân hàng, tài chính, BĐS, vật liệu xây dựng và sau đó lan tỏa ra các nhóm mang tính đầu cơ.

“Mỗi nhóm ngành trỗi dậy bao giờ cũng được dẫn dắt bằng các mã tiêu biểu và điển hình trong ngành. Đây là dấu hiệu quan trọng để nhận biết sóng ngành nào sẽ nổi, đem tới cơ hội cho giới đầu tư lướt sóng”, bà Quỳnh cho biết.