Hoạt động của khối CTCK sẽ bị siết lại khi Nghhị định 85 được sửa đổi - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Hoạt động của khối CTCK sẽ bị siết lại khi Nghhị định 85 được sửa đổi - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Sửa Nghị định 85: Lách luật sẽ bị phạt nặng

(ĐTCK-online) Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK mới ban hành được gần 1 năm, nhưng sắp tới sẽ được sửa đổi bổ sung trên cơ sở những thay đổi của Luật Chứng khoán và thực tiễn triển khai. Dự thảo mới đưa ra có một điểm nổi bật là xử lý toàn diện những hành vi vi phạm trên TTCK và nghiêm khắc với các trường hợp lách luật.

So với dự thảo sửa đổi Nghị định 85 đã được đưa ra lấy ý kiến từ giữa tháng 5, ngoài những chỉnh sửa mang tính kỹ thuật (về mặt câu chữ), thì điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 dự thảo và với quy định cũ là cơ quan quản lý hướng đến việc siết chặt những hành vi lách luật. Theo dự thảo mới, bên cạnh các lỗi liên quan đến việc tham gia lập, xác nhận hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định sẽ bị phạt 40 - 60 triệu đồng. Việc các tổ chức, cá nhân trên không công bố những sự kiện mới phát sinh có ảnh hưởng đến hồ sơ đã nộp cũng sẽ phải chịu chung mức phạt trên. Thêm vào đó, hành vi lách luật nhằm chuyển đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng thành chào bán cổ phần riêng lẻ để thực hiện chào bán trái với quy định của pháp luật sẽ phải chịu mức phạt 150 - 200 triệu đồng.

Quy định về việc mở rộng việc xử phạt với hành vi lách luật chào bán riêng lẻ dưới "mác" chào bán chứng khoán ra công chúng khiến thị trường nhớ đến trường hợp xin phát hành cổ phần ra công chúng của CTCP Đầu tư và xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM) hồi tháng 4/2010. Câu chuyện của ASM sau đó đã được khép lại bởi sự chủ động thay đổi phương án phát hành của lãnh đạo DN, nhưng đây được coi là một trường hợp điển hình về việc DN có thể lách luật chào bán chứng khoán riêng lẻ. Điều này xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 01 về chào bán cổ phần riêng lẻ, nhưng nếu việc "lách" này được thực hiện một cách trót lọt thì sẽ gây nên sự bất bình đẳng giữa các DN.

Bên cạnh quy định mới mang tính siết các hành vi lách luật liên quan đến chào bán chứng khoán, dự thảo sửa đổi Nghị định 85 lần này hướng đến các hành vi "lách" của đối tượng là khối CTCK. Theo đó, Điểm a Khoản 4 Dự thảo quy định: CTCK sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng nếu hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép hoặc chưa được chấp thuận; bổ sung, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được chấp thuận; thực hiện các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán mới nhưng không báo cáo UBCK. Đối với hành vi sử dụng tài khoản cá nhân cho việc tự doanh hoặc cho cá nhân mượn tài khoản tự doanh hay không xác định chỉ tiêu an toàn tài chính cũng phải chịu mức phạt tương tự.

Với quy định này, việc CTCK sử dụng tài khoản đầu C (của khách hàng) nhằm che lỗ hoặc để thuận tiện trong các giao dịch ngoài luồng - điều mà dư luận cho là đã tồn tại từ lâu trong hệ thống các CTCK, sẽ có hy vọng được kiềm chế. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng góp phần làm sáng tỏ hơn bức tranh tài chính các CTCK.

Ngoài những điều chỉnh theo hướng siết chặt hơn các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường mang tính "lách" như trên, Dự thảo cũng hướng đến việc xử phạt các cá nhân trong những vi phạm của tổ chức. Theo đó, cá nhân là thành viên HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, người công bố thông tin... khi thực hiện không đầy đủ/chính xác nghĩa vụ công bố thông tin cũng bị xử phạt như đối với tổ chức phải công bố thông tin. Mức xử phạt đối với việc công bố thông tin không kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình quản trị công ty theo quy định hoặc không thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin định kỳ, thông tin bất thường về hoạt động của công ty là 10 - 30 triệu đồng.

Có thể nói, dự thảo sửa đổi Nghị định 85 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã có sự bao quát chi tiết đến rất nhiều trường hợp vi phạm quy định theo chuẩn mới và những trường hợp "lách" mà thời gian qua thị trường đã phát hiện. Bên cạnh những quy định mới mang tính toàn diện hơn để siết chặt kỷ luật của thị trường, thì Dự thảo cũng đã có sự "nhẹ tay" trong một số trường hợp vi phạm, khi mức xử phạt bằng tiền của nhiều lỗi đã được giảm đi so với quy định hiện hành, phân định chi tiết, cụ thể hơn trường hợp nào DN phải thu hồi chứng khoán phát hành (khi NĐT yêu cầu), trường hợp nào bị buộc hủy bỏ.