Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực trên sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực trên sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Tăng cầu, không thể “bóc ngắn, cắn dài”

(ĐTCK-online) Giao dịch ảm đạm, khối lượng khớp lệnh ở mức thấp, nhưng đại diện các công ty hoạt động trong ngành giao dịch hàng hóa cho rằng, không thể lôi kéo nhà đầu tư tham gia sàn bằng mọi giá.

Chọn một lối đi bền vững là bài học nhiều công ty môi giới chứng khoán khi nhận ra thì đã quá muộn và môi giới sàn hàng hóa ngay từ đầu phải rút ra kinh nghiệm từ các bậc đàn anh đi trước.

Sau khi ĐTCK có bài phản ánh về những băn khoăn của NĐT trước phiên hủy lệnh bất thường của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) ngày 1/12/2011, sở giao dịch này đã phản hồi thông tin để làm rõ hơn sự việc. Theo đó, trong phiên giao dịch sáng 1/12/2011, hệ thống giao dịch của VNX bị sự cố kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống báo giá chào mua/bán hiển thị đúng theo thị trường, nhưng khi nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch theo giá chào mua/bán trên thì lại được khớp theo giá khác. Ngay khi phát hiện sự cố này, VNX đã có thông báo tạm ngưng giao dịch để tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Sau khi phối hợp cùng nhà cung cấp giải pháp phần mềm MetaQuotes tìm hiểu nguyên nhân, VNX phát hiện lý do chính là sau khi giá khớp lệnh thể hiện đúng trên đồ thị thì hệ thống lại ghi nhận giá đóng cửa ngày 30/11/2011. Để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư đặt lệnh đóng vị thế mở trước đó, VNX phối hợp với MetaQuotes cập nhật lại đúng theo giá mà nhà đầu tư đã đặt. Còn các lệnh mới mở vị thế thì hủy lệnh do giá khớp lệnh sai để tránh thiệt hại. Tất cả các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự cố kỹ thuật trên đều được VNX gửi thư thông báo và hoàn trả lại số tiền bị hệ thống trừ sai.

Liên quan đến nghiệp vụ giao dịch hàng hóa, VNX cho biết, hệ thống đã thiết lập mức xử lý đóng vị thế tự động nếu giá biến động ngược chiều gây lỗ trạng thái theo quy định. Do đó, nếu có khách hàng thực hiện câu kết trong giao dịch, làm giá cả biến động sai so với giá thị trường thì sẽ gây ra tình trạng đóng vị thế hàng loạt. Đây cũng là quy định chung của nhiều Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, đặc biệt là các Sở không áp dụng biên độ giá như VNX.

Thông tin VNX đưa ra phần nào giải tỏa băn khoăn của các nhà đầu tư, khiến họ yên tâm giao dịch trở lại. Tuy nhiên, phía sau những lo lắng về hệ thống máy móc, công nghệ để vận hành giao dịch, thanh khoản của sàn hàng hóa vẫn là điểm được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Một nhà đầu tư mới tham gia sàn VNX cho biết, anh vừa ký quỹ 300 triệu đồng, đồng thời tham gia mua 30 tấn cà phê trên VNX. Từng có kinh nghiệm giao dịch trên các sàn quốc tế, nên nhà đầu tư này thông hiểu khá rõ các luật định và luật chơi liên quan đến giao dịch hàng hóa. Chuyển về giao dịch tại sàn Việt Nam , nhà đầu tư mong muốn thuận tiện hơn trong thanh toán. Nếu giải quyết được vấn đề thanh khoản, theo nhà đầu tư này, sàn hàng hóa Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn sàn quốc tế.

Để tăng tính thanh khoản, điều nhất thiết cần làm là phải tăng cầu. Tuy vậy, theo lãnh đạo Công ty An Việt, thành viên môi giới của VNX, chịu tác động chung từ sự èo uột của sàn chứng khoán, sự ảm đạm của thị trường bất động sản, kênh giao dịch hàng hóa khá mới mẻ cũng ít được nhà đầu tư quan tâm. Trong suốt quý III vừa qua, An Việt chỉ thu hút được vài nhà đầu tư. Khó khăn là vậy, song quan điểm của Công ty là phải phát triển bền vững. "Chúng tôi không cố thuyết phục nhà đầu tư mới tham gia, bởi đầu tư ai cũng mong có lãi. Nếu không thấy cửa để nhà đầu tư giao dịch có lãi, chúng tôi cũng không thuyết phục họ bỏ tiền vào. Mặc dù hiện tại, để duy trì hoạt động của Công ty, chúng tôi phải triển khai nhiều hoạt động khác để bù đắp", lãnh đạo An Việt chia sẻ.

Có nhiều nhà đầu tư băn khoăn, với thanh khoản thấp như hiện nay, tại sao VNX không kết nối để trở thành một đầu mối tại Việt Nam của các sàn quốc tế. Nhà đầu tư vừa có thể sử dụng ngôn ngữ Việt Nam , vừa được sử dụng đồng nội tệ để giao dịch. Trên thực tế, nếu nhà đầu tư chỉ lướt sóng theo chỉ số, điều này không có gì đáng nói, việc kết nối giao dịch có thể rất dễ dàng. Tuy nhiên, giao dịch hàng hóa còn có một đặc thù là khi muốn, nhà đầu tư có thể yêu cầu giao hàng thật. Điều này liên quan đến nhiều yêu cầu phức tạp về hàng vật chất, kho bãi, kiểm dịch… Có lẽ vì thế mà trước mắt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn cầm cự chờ thời, khi kinh tế vĩ mô khả quan, giao dịch hàng hóa được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn và thu hút thêm nhà đầu tư gắn bó lâu dài với sàn.