Thâm nhập thị trường Hoa Kỳ: Chú ý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Thâm nhập thị trường Hoa Kỳ: Chú ý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

(ĐTCK-online) Hoa Kỳ đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều luật sư Việt Nam và Hoa Kỳ khuyến cáo, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, DN cần đặc biệt chú ý tới việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và nắm chắc những quy định của Hoa Kỳ về vấn đề này.

Hoa Kỳ - thị trường lớn đối với DN Việt Nam

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm qua phát triển tích cực, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) có hiệu lực.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nếu như năm 1997, kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt 668 triệu USD (xuất khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 390 triệu USD) thì con số này của năm 2000 là 1,19 tỷ USD (xuất khẩu từ Việt Nam đạt 827 triệu USD), năm 2003 là 5,79 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD) và năm 2006 lên tới 9,56 tỷ USD (xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,46 tỷ USD). Với tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 5,45 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương ước tính con số này của năm 2007 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD. Trong cán cân thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam luôn xuất siêu. Tính đến hết năm 2006, Việt Nam đứng thứ 43 trong số các nước nhập khẩu hàng của Hoa Kỳ và đứng thứ 34 trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang nước này.

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, xét về xuất khẩu, BTA đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá và DN Việt Nam . Đến năm 2006, hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam . Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang thị trường này (không kể dầu thô) là dệt may, thuỷ sản, giày da và đồ gỗ. Tính đến tháng 6 năm 2007, 4 mặt hàng này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Trong đó, với mặt hàng dệt may, Việt Nam đứng thứ tư trong số các nhà xuất khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ (chiếm 4% thị phần nhập khẩu), thủy sản đứng thứ 6 (4,2% thị phần), đồ gỗ đứng thứ 6 và giày dép đứng thứ 2.

 

Không thể xem nhẹ vấn đề thương hiệu

Trước sự phát triển của quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, các DN Việt Nam đang ngày càng chú ý và tìm cách tiếp cận thị trường khổng lồ của Hoa Kỳ. Các DN trong nhiều lĩnh vực đang tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ để đưa được những mặt hàng có thế mạnh xâm nhập thị trường vốn được coi là “khó tính”.

Theo khuyến cáo của các luật sư Hoa Kỳ và Việt Nam, DN Việt Nam cần đặc biệt chú ý đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện bảo vệ thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ. Theo ông Neil F. Greenblum thuộc Công ty Lu?t Greenblum & Bernstein, PLC (Hoa Kỳ) thì các DN khi vào thị trường Hoa Kỳ cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải am hiểu Luật Sáng chế Mỹ. Theo Luật Sáng chế Mỹ, để yêu cầu bảo hộ đối với sáng chế thì tính hữu ích của sản phẩm phải được DN chứng minh. Bên cạnh đó, DN cũng cần chứng minh được tính mới, phát hiện lần đầu tiên của sản phẩm để yêu cầu được bảo hộ. Thời gian bảo hộ thường từ 17 đến 20 năm tính từ khi bắt đầu nộp đơn của DN.

Ông Neil F. Greenblum cũng khuyến cáo, đối với các DN chuyên về dược phẩm, sinh học và hoá học, khi vào thị trường Hoa Kỳ, cần chú ý tới Đạo luật Hatch-Waxman. Các luật sư Hoa Kỳ cũng lưu ý các DN Việt Nam phải chú ý tới thủ tục tranh tụng trước toà khi bị xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký tại nước sở tại. Theo đó, tại Hoa Kỳ, toà án cấp quận sẽ là nơi xét xử đầu tiên tất cả các vụ kiện xâm phạm sáng chế.

Còn theo luật sư Nguyễn Quang Vinh thuộc Văn phòng Luật sư Leadco (Hà Nội), việc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài là một vấn đề cần được DN đặc biệt chú ý. DN cần nghiên cứu kỹ các phương thức đăng ký bảo hộ ở nước ngoài để bảo vệ nhãn hiệu một cách hữu hiệu, nhanh chóng và tiết kiệm. Bên cạnh đó, DN cũng cần lưu ý vận dụng quy định quốc tế để chủ động có chiến lược xâm nhập thị trường nước ngoài. Đối với thị trường Hoa Kỳ, nơi đã nổi tiếng với rất nhiều vụ kiện, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần được DN đặc biệt lưu tâm. Luật sư Nguyễn Quang Vinh cũng đưa ra một con số rất đáng lưu ý đối với vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của DN Việt Nam: tính đến thời điểm này, mới có 2.000 nhãn hiệu Việt Nam đăng ký ra nước ngoài theo phương thức kết hợp - con số rất khiêm tốn so với 58.866 nhãn hiệu của nước ngoài vào Việt Nam.

DN khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Mỹ cũng cần nhớ lại những kinh nghiệm xung quanh việc tranh cãi về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá mà các thương hiệu Vinataba, Trung Nguyên, Duy Lợi... đã gặp phải trong thời gian qua. Các chuyên gia thương mại và luật sư nhấn mạnh, trước khi tính đến việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, DN cần phải thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá để tránh những vụ kiện mà nếu có thắng thì cũng hao tổn không ít tiền bạc và công sức.ª