Thẻ đỏ và cuộc chiến trong phòng thay đồ

(ĐTCK-online) Tổng kết EURO 2008, người ta thống kê rằng, đây là kỳ EURO fair-play nhất trong lịch sử, khi chỉ có 3 chiếc thẻ đỏ được sử dụng. Nhớ lại World Cup 2006 - kỳ Mondial lập kỷ lục về số lượng thẻ phạt với 345 thẻ vàng và lượng thẻ đỏ là kinh hoàng với 28 chiếc...

Sân cỏ và thương trường

Lần giở lại con số thống kê này, lại tẩn mẩn nghĩ câu chuyện nóng trên sàn chứng khoán vừa qua. Có lẽ cái việc anh chàng (phải gọi là chị chàng mới… hợp lẽ) Bông Bạch Tuyết bị "out" tạm thời khỏi sân chơi HO cũng phần nào giống với vận rủi của những người đã trót theo nghiệp quần đùi áo số ngậm ngùi rời sân khi ông vua áo đen chưa cất tiếng còi mãn cuộc...

Thật ra, đây cũng chẳng phải lần đầu tiên, sàn chứng khoán đất Việt tạm biệt một "người bạn" đã chia ngọt sẻ bùi. Lại thêm một lẽ, các cụ vẫn nói rằng, đừng thấy người ta lâm cảnh khốn khó mà dậu đổ bìm leo. Thế nhưng, được cận cảnh cái cảm xúc của một cầu thủ "lầm lũi" bước vào phòng thay đồ khi trận đấu còn đang dang dở cũng là một "ma lực" hấp dẫn các khán giả trên sân.

Trở lại với sàn chứng khoán. Nếu có một cuộc bình chọn với chủ đề, đâu là hình ảnh ấn tượng nhất của TTCK tuần qua thì người viết đồ rằng, kết quả còn khó lường hơn cả cuộc dự đoán trận thư hùng khi những người Hà Lan bay gục ngã dưới chân chú gấu Nga tại EURO vừa rồi... Đó có thể là phút giây VN-Index lập một kỷ lục không tiền khoáng hậu về khối lượng giao dịch với ngót bốn chục triệu cổ phiếu được trao tay; thế nhưng, chắc hẳn cũng không ít người bầu chọn cho hình ảnh ông tổng giám đốc BBT đùng đùng cắp cặp... chia tay ĐHCĐ. Vì sao vậy? Vì ông nghĩ rằng, những cố gắng... duy trì trận đấu của mình đã bị "ném đá hội nghị".

Nhớ lại World Cup 2006. Khoảnh khắc đáng nhớ cuối cùng không phải là điệu nhảy Tarantella tự biên của người Italia trên bục trao giải, mà là hành động "xuẩn ngốc" của siêu tiền vệ Zinedine Zidane khiến anh phải nhận thẻ đỏ rời sân ngay trong đêm bế mạc.

Câu chuyện của BBT mang một màu sắc khác hẳn và hình ảnh giận dữ của ông tổng giám đốc cũng chẳng có họ hàng gì với cú thiết đầu công của chàng hói Zidane, nhưng cái bất lực vì không thể gánh vác nổi đại cục của hai hành động này lại như có chút thân quen. Còn nhớ vài tuần trước, trên diễn đàn báo chí, cũng chính "chàng đội trưởng" của BBT đã từng vẽ lên viễn cảnh nhiều màu sáng cho một thương hiệu thân quen với chị em, sau một cuộc thay máu triệt để (lời ông giám đốc) tại công ty này. Nhưng có lẽ... mưu sự tại nhân!

Những chàng cầu thủ ăn thẻ ngồi ủ rũ trong phòng thay đồ nhìn đồng đội, hoặc là tung hoành hoặc là chịu trận trên sân khiến không ít người bất nhẫn, cảm thông vì sự cô đơn và bất lực. Và cái đuôi của câu chuyện "ăn thẻ rời sân" của Bông Bạch Tuyết, tại "phòng thay đồ" đó, dù ồn ã náo nhiệt, nhưng dường như, mỗi cầu thủ cũng... cô đơn với những dự định riêng của mình.

Nhóm "cầu thủ" đại diện cho phần vốn nhà nước không chịu thông qua nội dung kế hoạch phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược với toàn những lý do nặng ký: "cầu thủ (tức Ban giám đốc) kém; kết quả thi đấu (tức số liệu báo cáo) lởm khởm; chiến thuật (kế hoạch doanh thu năm 2008) thụt lùi; lại thêm nội tình hục hặc, cầu thủ định gia nhập chưa biết đá đấm thế nào... v.v và v.v...".

Một nhóm cầu thủ khác lại cãi lý: "Các anh đã xuống đến đáy trong bảng xếp hạng rồi còn xuống đến đâu nữa? Người ta chịu gia nhập là tốt lắm rồi".

Ông "đội trưởng" sau khi nén mình quay lại phòng thay đồ đã uất ức mà rằng: "Nhóm cầu thủ kia đã thuận tình, nhưng bây giờ lại trở mặt. Sở dĩ có việc này là do họ sợ mất quyền sinh quyền sát mà thôi?". Và vị này cũng hạ lời cảnh cáo: "Nếu kế hoạch đón người mới không thành, ngay đầu… mùa giải này, cái tên BBT sẽ xóa sổ".

Câu chuyện đã đến mức một đại diện của "người cầm còi" đã phải ngao ngán: "Tôi chưa thấy đại hội nào lộn xộn như thế này". Lời khen của... bà trọng tài hóa ra lại dành cho khán giả: "Tôi thực sự kinh ngạc và cảm phục trước tâm huyết của nhiều cổ đông. Khi Công ty đã ngấp nghé bên bờ vực phá sản, vẫn có người muốn mua cổ phiếu, nhưng các vị lại... chưa muốn bán!".

Vĩ thanh

Vở bi hài kịch có tên BBT rồi cũng sẽ dần lắng dịu và nghe đâu "đội bóng" này sẽ được vào sân từ vòng đấu đầu tuần này. Thế nhưng, việc BBT tạm ngồi ngoài sàn đấu biết đâu lại là điều có ích. Khi còn lấn cấn điều này điều kia, việc rời xa sân cỏ vài vòng đấu sẽ khiến cầu thủ tĩnh tâm lại mà chuẩn bị nội lực cho những cuộc chiến dài hơi. Nó cũng giúp cảnh báo những cái đầu "nóng" trong sân rằng, trong túi ông trọng tài còn nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ lắm. Và khả năng (cầu trời đừng diễn ra), với những "chấn thương liên miên" vừa qua và khó khăn còn bộn bề phía trước, biết đâu BBT sẽ còn có bạn. Và như thế, ít ra, việc ngồi ngoài của BBT cũng là điều cảnh báo. Nhiều cầu thủ khác cần kiểm tra xem những cơ đận hừng hực trước đó, mình có lỡ tay mà... chích tí doping nào không?

 "Trọng tài cũng chỉ là một con người và các bạn nên nhớ các cầu thủ đang ngày càng làm cho công việc của trọng tài khó khăn hơn". Đó chính là lời phát biểu của huyền thoại Franz Beckenbauer, Chủ tịch Ban tổ chức World Cup 2006. Thực tế thì tiếng còi của trọng tài nhiều khi không thể theo kịp những diễn biến trên sân và những tiểu xảo lại được biết đến nhiều hơn từ trên khán đài - từ những khán giả, vốn chẳng có cái thẻ nào trong tay. Phản ứng mạnh nhất của họ (tất nhiên, trừ những holigan), nếu có, cũng chỉ là buồn bã rời sân sau khi đã mất khối tiền mua vé!

Xem toàn bộ chùm bài "Văn hóa chứng khoán"