Tính đến hết quý I/2023, Thép Pomina có 3 quý liên tiếp thua lỗ.

Tính đến hết quý I/2023, Thép Pomina có 3 quý liên tiếp thua lỗ.

Thép Pomina (POM) trở về với "thực tại"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn khiến Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM) điều chỉnh dự báo lợi nhuận 2023 từ lãi 300 tỷ đồng sang… lỗ 150 tỷ đồng.

Thay đổi dự báo sau 6 tháng

Hồi đầu năm nay, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm “bế quan tỏa cảng” vì đại dịch, giá thép trên thị trường thế giới cũng như trong nước bật tăng. Đây là cơ sở cho các doanh nghiệp ngành thép tin rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG)… đều dự báo thời điểm khó khăn nhất đã qua.

Thép Pomina cũng không phải ngoại lệ. Trong Báo cáo thường niên 2022, Công ty công bố dự kiến doanh thu năm 2023 đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 7,55% so với mức thực hiện năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với số lỗ 1.079,9 tỷ đồng trong năm ngoái. Đi cùng với mục tiêu này là kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hoá tình trạng tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao.

Trước đó, vào quý III/2022, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Công ty cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.

Tuy vâỵ, tại đại hội cổ đông thường niên 2023, diễn ra vào ngày 14/7 vừa qua, Hội đồng quản trị Thép Pomina đã trình cổ đông thông qua kế hoạch thấp hơn nhiều, với doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận âm 150 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Pomina, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thể hiện sự thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc Công ty điều chỉnh kế hoạch là dự báo ngành bất động sản chưa tốt lên trong năm nay.

“Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như giải quyết thủ tục pháp lý cho từng dự án, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian. Theo tôi, phải đến tháng 6/2024, thị trường bất động sản mới bắt đầu tốt trở lại”, ông Thái nhấn mạnh.

Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, dù giá thép hồi phục nhưng Thép Pomina vẫn lỗ 186,83 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 70,4 tỷ đồng) do kinh doanh dưới giá vốn. Tính đến hết quý I/2023, Công ty đã ghi nhận 3 quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn.

Từ giữa tháng 3 tới nay (18/7), giá thép trên thị trường thế giới ghi nhận mức giảm 15,6%, từ 4.362 Nhân dân tệ/tấn về 3.683 Nhân dân tệ/tấn và chỉ còn cao hơn 6,3% so với vùng đáy thiết lập vào ngày 31/10/2022 (3.464 Nhân dân tệ/tấn). Ảnh hưởng của đà giảm của giá thép trên thị trường thế giới, giá thép trong nước đã có 14 lần điều chỉnh kể từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu chạm đáy.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thông qua giảm mạnh giá bán.

Theo VSA, lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong nước đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.

Có thể thấy, mặc dù giá thép giảm trở lại nhưng nhu cầu thép vẫn yếu và dự kiến việc tiêu thụ thép còn khó khăn hơn khi ngành xây dựng vào mùa thấp điểm - mùa mưa (mùa mưa ở miền Bắc thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 và mùa mưa tại miền Nam kéo dài từ đầu tháng 5 đến hết tháng 11).

Cổ phiếu bật tăng nhờ “game” phát hành riêng lẻ

Trái với triển vọng kinh doanh kém khả quan, giá cổ phiếu POM vừa có sóng tăng khá tốt. Thống kê giao dịch từ ngày 25/5 - 18/7, cổ phiếu POM ghi nhận mức tăng 78,6%, từ 4.730 đồng/cổ phiếu lên 8.450 đồng/cổ phiếu và xuất hiện chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 14/7 - 18/7 sau khi tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Thông tin thu hút sự chú ý của giới đầu tư từ đại hội cổ đông thường niên là đại hội đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu cho Công ty Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 701,75 tỷ đồng, mục đích là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Kế hoạch phát hành riêng lẻ của Công ty được chia làm hai đợt: đợt 1, phát hành hơn 10,6 triệu cổ phiếu trong tháng 8/2023; đợt 2, phát hành hơn 59,57 triệu cổ phiếu trong tháng 9/2024. Nếu hoàn thành hai đợt chào bán, Nansei Steel sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 20,04% vốn điều lệ Thép Pomina.

Tuy vậy, nếu kế hoạch này được triển khai đúng tiến độ, Thép Pomina chỉ huy động được nguồn vốn hơn 106 tỷ đồng trong năm nay. Số tiền này quá nhỏ so với nhu cầu vốn của Công ty.

Năm 2022, khoản lỗ kỷ lục 1.078,4 tỷ đồng đã xóa toàn bộ nguồn lợi nhuận tích lũy của Công ty, khiến lợi nhuận luỹ kế cuối năm 2022 âm 444,68 tỷ đồng. Với việc thua lỗ 186,6 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tính tới 31/3/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina lên tới 438,9 tỷ đồng, bằng 15,7% vốn điều lệ.

Tại thời điểm cuối quý I, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty lên tới 6.191,1 tỷ đồng, chiếm 54,1% tổng tài sản; trong đó, nợ vay ngắn hạn dưới 1 năm lên tới 5.122,8 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản tương đương tiền và tiền gửi kỳ hạn dài chỉ có 30,9 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng tài sản.

Tài sản của Thép Pomia chủ yếu nằm ở dự án lò cao và lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (5.432,6 tỷ đồng, chiếm 47,5% tổng tài sản), ở khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.009 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng tài sản) và ở dạng tồn kho (1.055,4 tỷ đồng)…

Trong bối cảnh Thép Pomina đang đầu tư dự án lò cao và lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm, lượng tiền mặt hạn chế và áp lực nợ vay ngắn hạn lên tới 5.122,8 tỷ đồng, việc doanh nghiệp có thể bổ sung thêm 106,04 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ không thay đổi đáng kể sức khỏe tài chính của Công ty. Như vậy, đà tăng của cổ phiếu POM những ngày qua được cho là nhờ hiệu ứng tâm lý khi giá phát hành cao hơn giá thị trường.

Đáng chú ý, trong giai đoạn đầu tháng 7, người thân của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Thép Pomina cũng liên tục bán ra cổ phiếu. Cụ thể, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái ông Thái đã bán hơn 5,2 triệu cổ phiếu POM trên tổng số 5,5 triệu cổ phiếu đã đăng ký, giảm lượng nắm giữ xuống còn hơn 10 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,64% vốn tại Thép Pomina. Giao dịch của bà Ngọc thực hiện trong thời gian từ 11-13/7. Bà Trương GEB Đỗ Thị Cẩm Hương, chị gái ông Thái cũng bán ra hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM trong thời gian từ ngày 10/7-14/7.

Tin bài liên quan