Thị trường chứng khoán: Chờ cơ hội mới

Thị trường chứng khoán: Chờ cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Định giá và tăng trưởng vẫn là hai yếu tố cần quan tâm lúc này hơn là yếu tố về đà tăng giá của các cổ phiếu. Nhà đầu tư đang có xu hướng chú ý vào các cổ phiếu có mức định giá thấp, cùng với đó là yếu tố tăng trưởng cơ bản cao, để đón đầu xu hướng tăng mới của thị trường.

2021: Ấn tượng F0

Năm 2021 là một năm đặc biệt ấn tượng và khó quên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đi ngược với bối cảnh ảm đạm của kinh tế do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh. Chỉ số VN-Index đã liên tục phá đỉnh, lập nên các cột mốc mới về điểm số và thanh khoản, từ mức giao dịch trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên giao dịch năm 2020 đã tăng gấp 4 lần trong năm 2021, lên khoảng 24.000 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường, trong đó có phần rất lớn tới từ các nhà đầu tư mới (hay còn gọi là nhà đầu tư F0). Lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 tăng 5 - 7 lần so với năm 2020, cho thấy sức hút rất lớn của thị trường chứng khoán trong năm qua. Tích cực cũng là gam màu của nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới.

Trong nước, kênh chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn một phần từ việc mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản… chững lại do ảnh hưởng dịch. Chưa kể, các doanh nghiệp cũng dựa vào đầu tư chứng khoán để bù đắp phần thiếu hụt trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ trong giai đoạn dịch bệnh.

Đó là đặc điểm chung của dòng tiền năm 2021, khi mặt bằng lãi suất thấp và chuỗi sản xuất - kinh doanh bị gián đoạn, dẫn đến nhiều người tìm đến chứng khoán như là một “cứu cánh”. Tuy nhiên, bây giờ là lúc doanh nghiệp phải quay lại “cần câu cơm chính” của mình, là những ngành kinh doanh cốt lõi, thay vì mải mê theo “sóng” chứng khoán.

2022: Triển vọng tích cực

Không khó để nhận thấy, đà tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán trong năm 2021 ngoài yếu tố dòng tiền mới từ các F0, còn xuất phát từ kết quả kinh doanh tích cực của phần lớn doanh nghiệp niêm yết, khi lợi nhuận 2021 dự báo tăng trưởng trên 50%, trong đó đóng góp lớn nhất là các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thép, phân đạm, dầu khí. Trên thực tế, khá nhiều ngành hưởng lợi từ đại dịch, ngoài ra, cũng có một số lĩnh vực phục hồi sớm hơn sau giai đoạn khó khăn nhất từ năm trước đó.

Việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6 - 6,5% năm 2022 cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong khôi phục lại hoạt động kinh tế với nhiệm vụ quan trọng vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa kiểm soát dịch hiệu quả.

Một trong những thành công lớn trong năm 2021 là đã giữ được CPI ở mức thấp, bởi vậy, việc tiếp tục kiểm soát được CPI trong năm 2022 là một thách thức lớn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí logistics tăng chóng mặt.

Một trong những hạn chế của kinh tế Việt Nam là hạ tầng và công nghệ chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trong năm 2020, thách thức kiểm soát chi phí logistics sẽ càng nặng nề hơn.

Nếu có thể kiểm soát CPI tốt, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, với việc tiếp tục duy trì một khung lãi suất ở mức thấp - một áp lực không nhỏ khi xu hướng lãi suất thế giới đang tăng trở lại. Dù vậy, lãi suất tiền đồng được dự báo chỉ tăng nhẹ khi kinh tế đang trên đà hồi phục và nhu cầu vốn trong nền kinh tế ngày một tăng.

Mặt khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch giai đoạn 2022 - 2023 được kỳ vọng tiếp tục đưa dòng vốn rẻ ưu đãi vào nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa - một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, việc dòng vốn tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp… được kiểm soát chặt chẽ hơn thời gian tới cũng giúp thị trường bất động sản cân bằng hơn, không tăng quá nóng như thời gian vừa qua.

Những nhóm ngành đáng lưu ý

Với 2 nhịp sóng lớn trong năm 2021, bắt đầu từ nhóm ngành ngân hàng và thép, rồi tới dầu khí, cảng biển và cuối cùng là bất động sản, đã đẩy giá chứng khoán lên một mặt bằng mới.

Nhìn chung, thị trường hiện không còn nhiều cổ phiếu rẻ, sự thăng hoa quá nhanh trong năm 2021 khiến nhiều nhà đầu tư trở nên băn khoăn trong chiến lược đầu tư năm 2022, khi mà đa phần cổ phiếu đã tăng giá mạnh, nhất là sau cú sụt của nhóm cổ phiếu bất động sản trong trung tuần tháng 1/2022.

Dù vẫn giữ niềm tin thị trường sẽ tiếp tục thăng hoa và xác lập những cột mốc mới, nhưng rõ ràng, việc “mua cổ phiếu gì cũng thắng” sẽ khó lặp lại trong năm 2022.

Có một điểm hấp dẫn là nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh tăng mạnh trong năm 2021, nhưng giá cổ phiếu không tăng, thậm chí còn đi xuống, nguyên nhân là do kỳ vọng đã phản ảnh quá sớm, đẩy giá cổ phiếu tăng quá cao so với lợi nhuận doanh nghiệp đạt được và nhà đầu tư cảm thấy khó kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng đột biến trong năm 2022.

Trạng thái thị trường chứng khoán đầu năm sau khi chinh phục mốc 1.500 đang ở vị thế này, vì vậy dòng tiền hiện có phần lạc nhịp và mất phương hướng. Yếu tố phân phối đỉnh sẽ gia tăng trong những phiên đầu năm mới và có thể mất vài tuần để thị trường tạo một mặt bằng giá mới.

Mặt bằng giá cổ phiếu giai đoạn đầu năm mới sẽ chịu ảnh hưởng của các chính sách vĩ mô, mà đầu tiên phải kể đến là những nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công.

Với mục tiêu tạo đà tăng trưởng, hoạt động đầu tư công sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nên các nhóm cổ phiếu thuộc ngành vật liệu xây dựng và xây dựng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốt trong năm 2022.

Ngoài ra, nhóm bất động sản “ăn theo” hạ tầng cũng sẽ có cơ hội tạo sóng. Dĩ nhiên, sẽ có sự phân hóa rõ nét, bởi có không ít cổ phiếu địa ốc đã tăng quá giá trị thực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có tiềm năng tăng giá trong dài hạn, đặc biệt là những công ty, tập đoàn có cổ phần nhà nước chi phối và nắm giữ quỹ đất lớn.

Với nhóm ngành logistics và bán lẻ, tuy là những nhóm ngành nhỏ trên sàn chứng khoán và thanh khoản có phần hạn chế, nhưng đây vẫn là nhóm doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Đi cùng với sự đầu tư lớn về hạ tầng, hoạt động logistics ngày càng có nhiều cơ hội tăng trưởng và cạnh tranh hiệu quả hơn, khi các doanh nghiệp ngành này đầu tư mạnh hơn cho công nghệ.

Nhóm ngành chuyên về xuất khẩu, bao gồm các ngành hàng điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ, sắt thép, sẽ hoạt động tích cực và thuận lợi hơn trong năm 2022, khi các giới hạn về phòng chống dịch đã được nới lỏng và nhu cầu gia tăng nhanh trở lại.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, các đơn hàng đã quay trở lại trong những tháng đầu năm và kéo dài qua quý II/2022 cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đã dần ở lại phía sau.

Cuối cùng là ngân hàng và chứng khoán - 2 nhóm ngành trụ cột của thị trường. Hầu hết ngân hàng đã hoàn thành tuân thủ Basel II trong năm 2021 và một số đang hướng đến Basel III. Nhiều ngân hàng trong hệ thống đang có hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao trên 10%.

Một số ngân hàng có thể sớm thông qua việc tăng vốn trong năm 2022, cũng như thoái vốn khỏi các công ty con. Hệ thống ngân hàng trong năm nay dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn năm 2021, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao trên 25%, mức định giá P/BV theo đó cũng tăng lên 1,4 - 1,6 lần.

Đây là mức bình quân khá cao so với quá khứ, nhưng quy mô của các ngân hàng hiện đã tăng nhiều lần so với giai đoạn 4 - 5 năm trước, vì vậy mức định giá này vẫn được đánh giá hấp dẫn trong dài hạn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán luôn diễn biến theo xu hướng thị trường, nên sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên trong những nhịp rung lắc.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thanh khoản thị trường ngày càng gia tăng và dòng tiền đổ vào chứng khoán liên tục tăng trưởng trong 3 năm gần nhất sẽ thấy, tiềm năng của nhóm ngành chứng khoán vẫn rất rộng mở.

Điểm đáng chú ý là “miếng bánh” thị trường nhóm ngành này chia khá đều cho các doanh nghiệp, nên tùy vào khả năng và tiềm lực vốn mà các công ty chứng khoán có thể phát huy các thế mạnh trong các hoạt động môi giới, tự doanh, tư vấn, M&A…

Tin bài liên quan