Thị trường tài chính 24h: Biên lãi ròng của nhiều ngân hàng đối mặt với khả năng suy giảm

Thị trường tài chính 24h: Biên lãi ròng của nhiều ngân hàng đối mặt với khả năng suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi lên gần 1.280 điểm; Các ngân hàng bị áp lực lợi nhuận từ lãi suất tăng; Nhà đầu tư chuẩn bị được giao dịch lô lẻ; Cổ phiếu dầu khí: Kỳ vọng vào siêu dự án; “Người thắng” trong cuộc cạnh tranh!; Điều gì xảy ra tiếp theo đối với thị trường châu Á…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 30/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,90 – 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 1,9 USD xuống mức 1.737,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh 1.735 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,35 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.221 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.570 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên mốc 20.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng nhẹ và chạm 20.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,44 USD (-1,48%), xuống 95,45 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,51 USD (-2,39%), xuống 102,58 USD/thùng.

VN-Index hồi phục lên gần 1.280 điểm

Áp lực bán ở cuối phiên sáng đã có phần gia tăng khi thị trường bước vào phiên chiều, khiến sắc đỏ trên bảng điện tử hiện diện nhiều hơn cũng như một số bluechip hạ độ cao, thậm chí còn đảo chiều giảm.

Tuy nhiên, VN-Index gần như chỉ dao động nhẹ ngay dưới mốc 1.280 điểm cho đến khi đóng cửa, khi chỉ số may mắn nhận được đà tăng của VCB và GVR đã gần như bù đắp vừa đủ cho thị trường.

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB tăng 4,2%, GVR +6,8% và đóng góp tổng cộng hơn 6 điểm tích cực cho VN-Index.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, GVR thì LSS +6,9%, BCM +6,8%, SHI +5,6, PHR +3,8%, DPR +3,7%, SBT +3,4%...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,76 triệu đơn vị, với tổng giá trị là mua ròng chỉ 1,98 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/8: VN-Index tăng 8,59 điểm (+0,68%), lên 1.279,39 điểm; HNX-Index giảm 1,69 điểm (-0,57%), xuống 393,86 điểm; UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+0,90%), lên 92,39 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong ngày thứ Hai (29/8), nối tiếp phiên lao dốc từ cuối tuần trước do lo ngại về việc Fed quyết liệt tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Phiên này, nhóm cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ Megacap tiếp tục suy yếu và tác động mạnh đến thị trường, như Apple giảm 1,37% và Microsoft Corp giảm 1,07%, khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.

Chỉ số biến động của CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall đã tăng mức cao nhất trong bảy tuần là 27,67 điểm.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones giảm 184,41 điểm (-0,57%), xuống 32.098,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,05 điểm (-0,67%), xuống 4.030,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 124,04 điểm (-1,02%), xuống 12.017,67 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất trong hai tuần trong phiên trước đó, dẫn đầu là các công ty công nghệ lớn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,14% lên 28.195,58 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,25% lên 1.968,38 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,65% và là đóng góp lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, tiếp theo là SoftBank Group, tăng 1,67% và Công ty điện thoại KDDI tăng 2,14%.

Cổ phiếu NEC tăng 5,97% và là cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225, sau khi nhà sản xuất máy tính này thông báo chương trình mua lại 2,46% cổ phần.

Cổ phiếu Olympus đã tăng 2,5% sau khi nhà sản xuất thiết bị y tế đồng ý bán đơn vị kính hiển vi của mình cho Bain Capital với giá 427,6 tỷ yên (3,1 tỷ USD), đây sẽ là thương vụ thoái vốn lớn nhất của công ty Nhật Bản.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi nhiều thành phố thắt chặt các biện pháp hạn chế lây lan Covid-19, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế hơn nữa.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại về việc thắt chặt các chính sách tiền tệ toàn cầu, có thể làm sụt giảm thanh khoản và thu hẹp dư địa cho việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,42% xuống 3.227,22 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,34% xuống 4.075,79 điểm.

Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp để hạn chế sự lây lan của Covid-19 với Thâm Quyến đóng cửa nhiều doanh nghiệp hơn và Đại Liên phong tỏa hàng triệu cư dân.

Phiên này, cổ phiếu các công ty năng lượng giảm hơn 4%, trong đó các công ty khai thác than giảm 5,4%, là những ngành giảm sâu nhất.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư hoài nghi hơn về thỏa thuận ký kết giữa Trung Quốc và Mỹ để tiếp cận các giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết trên phố Wall.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,37% xuống 19.949,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,47% xuống 6.840,17 điểm.

Trung Quốc và Mỹ được cho là đã đạt được bước đột phá trong một thỏa thuận kiểm toán, nhưng các chuyên gia pháp lý và những người theo dõi Trung Quốc cảnh báo hai bên vẫn có thể những xung đột về cách giải thích, cũng như thực hiện hiệp định.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 24,04 điểm, tương đương 0,99% lên 2.450,93 điểm. Chỉ số này đã giảm 2,18% vào thứ Hai.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,34% và SK Hynix tăng 0,76%, trong khi các nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor và Kia Corp lần lượt tăng 3,71% và 3,35% và dẫn đầu mức tăng.

Kết thúc phiên 30/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 316,62 điểm (+1,14%), lên 28.195,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,51 điểm (-0,42%), xuống 3.227,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 74,19 điểm (-0,37%), xuống 19.949,03 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 34,04 điểm (+0,99%), lên 2.450,93 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Các ngân hàng bị áp lực lợi nhuận từ lãi suất tăng

Lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động khiến biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng đối mặt với khả năng suy giảm..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư chuẩn bị được giao dịch lô lẻ từ 1 cổ phiếu

Nhà đầu tư sẽ được bán lô lẻ từ 1 tới 99 cổ phiếu với khung thời gian riêng cho khớp lệnh và thoả thuận lô lẻ..>> Chi tiết

- Cổ phiếu dầu khí: Kỳ vọng vào siêu dự án

Động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí gần đây đến từ siêu dự án Lô B - Ô Môn, dù thực tế cho thấy, dự án này chưa có thêm thông tin nào thực sự đáng giá..>> Chi tiết

- “Người thắng” trong cuộc cạnh tranh!

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc tháng 8 - giai đoạn thị trường khởi sắc cả về điểm số lẫn thanh khoản sau nhiều tháng giao dịch buồn chán với đa số nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Điều gì xảy ra tiếp theo đối với thị trường châu Á sau quan điểm diều hâu của Chủ tịch Fed

Các tài sản tài chính châu Á sụt giảm vào ngày thứ Hai (29/8) sau xu hướng diều hâu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole..>> Chi tiết

Tin bài liên quan