Những thông tin không liên quan trực tiếp đến đối tượng bảo hiểm chỉ nên là thông tin tham khảo

Những thông tin không liên quan trực tiếp đến đối tượng bảo hiểm chỉ nên là thông tin tham khảo

Thêm người mua bảo hiểm thắng kiện, dù chưa kê khai trung thực

0:00 / 0:00
0:00
Việc kê khai trung thực, đầy đủ thông tin liên quan tới hợp đồng bảo hiểm là cần thiết bởi công ty bảo hiểm thường dựa vào thông tin này để làm căn cứ chi trả bảo hiểm, nhưng cũng có trường hợp khách hàng chưa kê khai trung thực vẫn thắng kiện.

Khách hàng Phú Hưng Life được xử thắng kiện

Tại phiên xét xử phúc thẩm tranh chấp giữa một khách hàng và Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life), Tòa án nhân dân Quận 7 (TP.HCM) đã tuyên khách hàng này thắng kiện vào ngày 2/2/2021, cho dù phiên xử sơ thẩm cũng do tòa án này thực hiện trước đó đã tuyên ngược lại (khách hàng thua kiện).

Cụ thể vụ việc như sau: Khi khách hàng Lê Hoàng Vũ mua bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ của Phú Hưng Life, tại mục D của Đơn yêu cầu bảo hiểm “các hợp đồng liên quan”, khách hàng đã kê khai là “Không” đối với câu hỏi “Hiện nay ông/bà có đang được bảo hiểm hoặc đang yêu cầu bảo hiểm ở các công ty bảo hiểm nhân thọ, kể cả ở Phú Hưng Life không? Nếu có, mời kê khai các hợp đồng bảo hiểm”. Trên thực tế, trước khi ký hợp đồng với Phú Hưng Life, khách hàng này đã ký 2 hợp đồng với một công ty bảo hiểm nhân thọ khác.

Sau đó, ông Vũ bị tai nạn cụt 2 ngón tay. Trong quá trình giải quyết bồi thường, 2 bên (khách hàng và Phú Hưng Life) đã không thống nhất được mức chi trả bảo hiểm nên khách hàng đã kiện Phú Hưng Life ra Tòa án nhân dân Quận 7.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 24/9/2020, Phú Hưng Life cho rằng: Khách hàng đã vi phạm Điều 18 - Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành (Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000), đó là không cung cấp “mọi thông tin liên quan đến hợp đồng theo yêu cầu của công ty bảo hiểm”. Việc khách hàng khai “Không” vào câu hỏi trên, trong khi thực tế đã có 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước đó khiến cho Phú Hưng Life đánh giá sai về đối tượng bảo hiểm và đã chấp nhận bảo hiểm. Nếu biết được thông tin này, Phú Hưng Life đã không giao kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng. Đề nghị Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối. Tòa chấp nhận lập luận này và đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Sau đó, nguyên đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn cho rằng, thông tin về các hợp đồng bảo hiểm liên quan chỉ là thông tin tham khảo, để đánh giá tình hình tài chính và khả năng đóng phí bảo hiểm của khách hàng. Thông tin này không có ý nghĩa nhiều trong việc quyết định giao kết hợp đồng của Phú Hưng Life. Những thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe của đối tượng bảo hiểm đã được khách hàng cung cấp đầy đủ cho công ty bảo hiểm.

Mặt khác, phía nguyên đơn cũng đưa ra dẫn chứng, trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm với Phú Hưng Life, một khách hàng khác từng khai đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng Phú Hưng Life vẫn giao kết hợp đồng bảo hiểm. Do đó, không có cơ sở cho rằng, nếu biết được thông tin khách hàng Lê Hoàng Vũ có mua nhiều hợp đồng bảo hiểm thì Phú Hưng Life sẽ từ chối không giao kết hợp đồng bảo hiểm với ông Vũ.

Tại bản án số 137/2021/DS-PT ngày 2/2/2021, Tòa cho rằng, tuy khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, nhưng thông tin này không phải là yếu tố nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc để bồi thường nên việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Khoản 2, Điều 19 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 và Điều 127 - Bộ luật Dân sự để xác định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là không đúng pháp luật. Do đó, Tòa đã buộc Phú Hưng Life chi trả 300 triệu đồng cho ông Vũ.

Cần giới hạn nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội, vụ việc trên được xem là một trong những điển hình về việc chưa kê khai trung thực, đầy đủ thông tin liên quan tới hợp đồng bảo hiểm nhưng vẫn được chi trả bảo hiểm, chứ không bị từ chối như lâu nay mọi người vẫn nghĩ. Như vậy, cùng một hành vi “Không kê khai đầy đủ thông tin đã tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm khác” của cùng một khách hàng, nhưng hội đồng xét của 2 cấp tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) lại tuyên án khác nhau.

Trước đó, cũng từng xảy vụ việc tương tự. Tại bản án số 61/2015/DS-PT, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên buộc một công ty bảo hiểm nhân thọ phải trả cho người được bảo hiểm tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Cụ thể, sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ, Hội đồng xét xử nhận định, tại câu hỏi của Hợp đồng bảo hiểm ngày 28/10/2011 nêu rằng: “Bạn có bao giờ bị nuốt khó, nuốt nghẹn hoặc khó phát âm không? Có bị đổi giọng không?” và người mua bảo hiểm đã đánh dấu X vào ô “Không”. Tuy nhiên, phía dưới trang này không có chữ ký xác nhận của người được bảo hiểm nên không có cơ sở xác định người mua bảo hiểm đã khai như trên. Từ đó, không có cơ sở xác định người mua bảo hiểm đã khai không trung thực để không chi trả quyền lợi bảo hiểm, nên tòa án đã buộc nhà bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm.

Cũng theo luật sư Sơn, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã viện lý do khách hàng không kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm… để từ chối chi trả bảo hiểm cho khách hàng. Trên thực tế, với “lỗi” kê khai không trung thực, các công ty bảo hiểm thường ra quyết định từ chối chi trả bảo hiểm và điều này được ủng hộ vì ai cũng nghĩ “cứ khai sai thông tin là bị từ chối”, nhưng khi ra đến tòa, kết quả có thể sẽ khác.

“Cần xem việc kê khai tham gia bảo hiểm không phải là thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm, không ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc khách hàng cung cấp sai thông tin các hợp đồng liên quan không phải là yếu tố chính khiến công ty bảo hiểm hiểu sai lệch về tính chất của đối tượng bảo hiểm hoặc nội dung của giao dịch dân sự giữa các bên”, ông Sơn nêu quan điểm.

Liên quan đến trách nhiệm kê khai thông tin, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, “bên mua bảo hiểm phải kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 21)”.

Theo ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm, cần có hướng dẫn cụ thể hơn ở các văn bản dưới luật, tránh việc khó xác định được phạm vi thông tin mà bên mua bảo hiểm phải cung cấp và doanh nghiệp bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này để yêu cầu bên mua cung cấp những thông tin không cần thiết, hoặc xâm phạm những thông tin riêng tư của bên mua.

Chưa kể, Điều 22 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm (“… bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm”) và ông Tuấn cho rằng, việc cùng lúc tồn tại 2 quy định liên quan tới việc cung cấp thông tin sẽ khiến bên mua bảo hiểm không biết phải làm theo quy định nào khi tiến hành đàm phán và giao kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, công ty bảo hiểm có thể “linh hoạt” áp dụng các chế tài, ảnh hưởng tới quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Đồng quan điểm cần có thêm hướng dẫn, Ths. Nguyễn Thuận An, giảng viên Trường đại học Văn Hiến cũng cho rằng, nếu không quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ lặp lại bất cập của Điều 18 và Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

Trên thực tế, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe có nhiều nội dung quy định về nghĩa vụ của bên mua, một trong số đó là nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ. Có ý kiến thắc mắc rằng, nếu doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm chứng minh khả năng đóng phí bằng cách chứng minh tài chính, cung cấp thông tin về các khoản nợ… thì yêu cầu này có hợp lý và hợp pháp không? Nếu sau khi xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm có bằng chứng chứng minh thông tin tài chính do bên mua cung cấp không đúng thì có được phép tuyên bố bên mua vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin nhằm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hay không?

Theo bà An, những thông tin như trên chỉ nên là thông tin mang tính chất tham khảo, không liên quan nhiều đến đối tượng bảo hiểm - là chủ thể chính của hợp đồng bảo hiểm.

Tin bài liên quan