Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo thêm đầy

Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo thêm đầy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Tín dụng khó tăng vọt sau nới room tín dụng; : Cổ phiếu dầu khí được, mất theo giá dầu; Đáo hạn trái phiếu địa ốc: Nỗi lo thêm đầy; Cổ phiếu bán lẻ vào tầm ngắm; Giá dầu giữ xu hướng giảm khi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 13/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,25 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,3 USD lên mức 1.724,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 1.720 USD, nhưng cũng đã hồi phục dần lên trên 1.725 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,88 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.244 đồng/USD, giảm 9 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.410 – 23.690 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 22.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích nhẹ và gần 22.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,90 USD (+1,13%), lên 88,77 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,96 USD (+1,02%), lên 95,02 USD/thùng.

VN-Index chưa thể lên 1.250 điểm

Sau phiên sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục chỉ biến động giằng co nhẹ quanh tham chiếu và dù có thời điểm lao xuống dưới 1.245 điểm, nhưng VN-Index đã bật lên trên 1.250 điểm, trước khi để mất mốc này đáng tiếc khi đóng cửa.

Phiên này, bộ ba cổ phiếu thực phẩm nông nghiệp là PAN, ASM và DBC là những điểm nhấn và là những mã tăng tốt nhất sàn đi kèm thanh khoản cao.

Cụ thể, PAN +6,2% lên 26.600 đồng, khớp gần 6,5 triệu đơn vị, ASM +6,1% lên 17.400 đồng, khớp gần 9,6 triệu đơn vị và DBC +6% lên 27.500 đồng, khớp gần 9,3 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,35 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 220,7 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/9: VN-Index giảm 1,22 điểm (-0,1%), xuống 1.248,4 điểm; HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,53%), xuống 281,59 điểm; UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%), lên 90,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên thứ Hai (12/9), nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng, cũng như khi kỳ vọng lạm phát đạt đỉnh đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 1,81% và công nghệ tăng 1,63% là hai động lực lớn nhất giúp ba chỉ số chính chứng khoán chính của Mỹ chạm mức cao nhất trong hai tuần.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động công bố trước khi mở cửa phiên ngày mai là sự kiện chính của tuần này.

Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Dow Jones tăng 229,63 điểm (+0,71%), lên 32.381,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,05 điểm (+1,06%), lên 4.110,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 154,10 điểm (+1,27%), lên 12.266,41 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân Phố Wall đêm qua, nhưng thị trường vẫn thận trọng trước báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25% lên 28.614,63 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,32% lên 1.986,57 điểm.

Phiên này, cổ phiếu năng lượng là lĩnh vực hoạt động tốt nhất của Nikkei 225, tăng 0,85%, khi giá dầu thô tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều tháng, do lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt và mùa đông ở Bắc bán cầu đang đến gần.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu Nintendo, tăng 5,51% và là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225, sau khi báo cáo doanh số bán hàng kỷ lục trong nước cho tựa game "Splatoon 3" trên hệ máy Switch.

Cổ phiếu liên quan đến du lịch tiếp tục tăng, sau một báo cáo cho biết hôm thứ Hai rằng Nhật Bản đang có kế hoạch miễn thị thực du lịch từ một số quốc gia như một phần của việc nới lỏng hơn nữa kiểm soát biên giới.

Theo đó, cổ phiếu của Hãng du lịch HIS tăng 3,88% và hãng hàng không ANA Holdings tăng 2,07%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố nước này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn để ổn định nền kinh tế đang bị tàn phá bởi Covid-19.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,05% lên 3.263,80 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,42% lên 4.111,11 điểm.

“Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi tiêu dùng như động lực chính và nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đầu tư hiệu quả,” truyền thông nhà nước dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết hôm thứ Hai.

Các nhóm ngành hỗ trợ tốt nhất thị trường là tiêu dùng tăng 1,6% và ô tô tăng 1,9%, trong khi ngân hàng tăng 1%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi giao dịch trở lại sau ngày nghỉ tết Trung thu, khi thị trường phản ứng thận trọng với thông tin hỗ trợ từ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,18% xuống 19.326,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,07% lên 6.663,05 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 2/2021, được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất chip lớn và sự phục hồi của Phố Wall trong những ngày nghỉ lễ trong nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 65,26 điểm, tương đương 2,74% lên 2.449,54 điểm.

Trong một ngày, thị trường được định giá trong sự phục hồi mạnh mẽ của tất cả thị trường toàn cầu vào cuối tuần lễ, nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết.

Thị trường tài chính Hàn Quốc đã đóng cửa từ thứ Sáu tuần trước đến thứ Hai để theo dõi ngày lễ Trung thu.

Phiên này, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 3,96% và SK Hynix tăng 3,43%.

Kết thúc phiên 13/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,52 điểm (+0,25%), lên 28.614,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,74 điểm (+0,05%), lên 3.263,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,39 điểm (-0,18%), xuống 19.326,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 65,26 điểm (+2,74%), lên 2.449,54 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng khó tăng vọt sau nới room tín dụng

Nhu cầu vốn trong nền kinh tế ở mức cao, song tín dụng không dễ tăng vọt, dù các ngân hàng vừa được nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bán lẻ vào tầm ngắm

Như một thói quen, cuối năm được coi là giai đoạn bứt tốc để ngành bán lẻ cho thấy sức ảnh hưởng của mình trong rổ hàng hoá của các nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Đáo hạn trái phiếu địa ốc: Nỗi lo thêm đầy

Ngày 6/9/2022, Bộ Tài chính tiếp tục lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, càng khiến nỗi lo tìm nguồn vốn cho hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian tới gia tăng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu dầu khí được, mất theo giá dầu

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục được môi giới khuyến nghị mua vào, gia tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh tuần qua. Luận điểm ngắn hạn đến từ câu chuyện “mùa đông châu Âu sắp đến”, dài hạn hơn đến từ dự án Lô B Ô Môn..>> Chi tiết

- Giá dầu giữ xu hướng giảm khi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng

Giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm khoảng 35 USD/thùng trong 3 tháng qua, khi mối lo ngại suy thoái kinh tế tác động tới nhu cầu năng lượng ngày càng mạnh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan