Ảnh: Shutterstocks.

Ảnh: Shutterstocks.

Thuế chồng thuế trên thị trường chứng khoán, khó thực thi

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Luật sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật T&P cho rằng, nếu không có cơ chế phù hợp sẽ khó có thể triển khai quy định về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức.

Ông có quan điểm như thế nào về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức?

Việc phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu nhận được từ các đợt chi trả cổ tức không phải là quy định mới tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Quy định này đã có hiệu lực áp dụng từ năm 2013 theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của một số chủ thể trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho nhà đầu tư là cá nhân.

Cụ thể, Điểm d, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, tuỳ từng trường hợp, các chủ thể có nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho nhà đầu tư cá nhân, có thể bao gồm: công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư, tổ chức phát hành chứng khoán, tổ chức nơi cá nhân có vốn góp.

Luật sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật T&P

Luật sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật T&P

Về việc giá trị tài sản của nhà đầu tư không tăng từ việc chi trả cổ tức, chúng tôi hiểu rằng, vấn đề này phát sinh từ sự điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu do Sở giao dịch chứng khoán thực hiện sau mỗi đợt chi trả cổ tức của tổ chức niêm yết.

Việc điều chỉnh giá tham chiếu có công thức cụ thể, được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giá trị vốn hoá của tổ chức niêm yết trước và sau khi chi trả cổ tức không thay đổi. Do đó, sau mỗi đợt chi trả cổ tức, giá tham chiếu thường được điều chỉnh giảm tương ứng với giá trị cổ tức được chi trả.

Tôi cho rằng, chưa kể việc thuế chồng thuế (một giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết bị chịu hai lần thuế: 0,1% và 5% giá trị chuyển nhượng), đánh thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp này là không hợp lý. Về nguyên tắc, phải có thu nhập phát sinh (tăng giá trị tài sản từ thu nhập đó) thì mới phải nộp thêm thuế.

Theo tôi, khi tính toán đánh thuế thu nhập cá nhân trên khoản thu nhập nào đó, Nhà nước cần phải làm rõ được trường hợp đó có phát sinh thêm thu nhập thật hay không. Không nên quy định bắt buộc mọi trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu chia từ cổ tức là phải nộp thuế khi bán cổ phiếu.

Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau với giá khác nhau. Theo ông, làm thế nào để xác định được nhà đầu tư lấy chứng khoán từ phần gốc, phần chia thưởng hay phần nhận trả cổ tức và bán bao nhiêu trong số đó để tính thuế?

Điểm d, Khoản 2, Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC đã có hướng dẫn và ví dụ để áp dụng trong trường hợp thực hiện hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu có được chia cổ tức thành nhiều lần, tại nhiều thời điểm khác nhau.

Theo đó, sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức.

Tuy nhiên, điều bất cập ở đây là công ty chứng khoán khó có thể xác định cổ phiếu được bán là cổ phiếu nào, cổ phiếu có sẵn trước đó hay cổ phiếu thưởng, cổ phiếu được chia cổ tức. Tất cả cổ phiếu đều giống nhau, đều nằm trong cùng một tài khoản giao dịch, đều đứng tên một cổ đông.

Trong trường hợp không thể nhận ra được các loại cổ phiếu thì rõ ràng không có cơ sở chính xác để nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức kê khai và nộp thuế cho giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, cổ phiếu từ đợt chi trả cổ tức.

Tin bài liên quan