"Nếu công tác xúc tiến thương mại của chúng ta kém thì vẫn không thể tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản được"

"Nếu công tác xúc tiến thương mại của chúng ta kém thì vẫn không thể tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản được"

Tiến tới Hiệp định Mậu dịch tự do Việt-Nhật

Nhận định của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về những tác động của Hiệp định Mậu dịch tự do Song phương Việt - Nhật.

Việt Nam hiện đang tiến hành đàm phán đối tác kinh tế toàn diện trong giai đoạn hội nhập sâu với Nhật Bản. Xin Bộ trưởng cho biết quá trình đàm phán hiện đã đi tới đâu?

 

Hôm 26/6 vừa qua, tôi đã có buổi nói chuyện với ông Akira Amari, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Nhật Bản để tiến tới ký kết Hiệp định Mậu dịch tự do Song phương.

 

Hai bên đang cố gắng kết thúc đàm phán trước tháng 11/2008. Cá nhân tôi nhận thấy rằng mãi tới năm 2003 trở đi, Nhật Bản mới ủng hộ chủ trương này của Việt Nam.

 

Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định mậu dịch tự do với nhiều nước, đặc biệt là trong ASEAN. Nếu Việt Nam không ký được hiệp định này thì hàng hoá của Việt Nam sẽ bị phân biệt đối xử tại thị trường Nhật Bản.

 

Đối với thị trường Nhật Bản, hiện Việt Nam đang xuất siêu 300 triệu USD/năm. Nếu ký được hiệp định này, cán cân thương mại sẽ càng được cải thiện.

 

Bộ trưởng nhận định như thế nào về tác động của Hiệp định Mậu dịch tự do Song phương này đối với Việt Nam ?

 

Sẽ có bước ngoặt lớn khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Họ muốn giảm thuế xuống còn 2,8% vào năm 2018 từ mức thuế bình quân MFN khi hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là 5,05% trong thời gian hiện nay.

 

Đối với Việt Nam , mức thuế bình quân MFN hiện là trên 14%, chúng ta sẽ phải giảm xuống còn 7% vào năm 2018. Rõ ràng mức giảm thuế của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều so với Nhật Bản, mặc dù mức giảm thuế cuối cùng của Nhật Bản là thấp hơn Việt Nam .

 

Vậy tương quan về việc cắt giảm thuế quan sẽ diễn biến ra sao trong cam kết mở cửa thị trường giữa Việt Nam và Nhật Bản, thưa Bộ trưởng?

 

Về điều kiện mở cửa thị trường Nhật Bản cho Việt Nam, hiện nay, Nhật Bản cam kết giảm 92% các dòng thuế, trong đó có mấy nghìn dòng thuế ngay lập tức giảm xuống bằng 0. Điều kiện mở cửa thị trường của Nhật Bản thuận lợi như vậy nhưng nếu công tác xúc tiến thương mại của chúng ta kém thì chúng ta cũng không thể tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản được.

 

Trong khi đó, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường thì các doanh nghiệp Nhật Bản rất năng động. Hơn nữa, thuế nhập khẩu của Nhật Bản vốn đã thấp, mức giảm thuế cũng chỉ từ hơn 5% xuống bằng 0, còn Việt Nam phải giảm từ 14% xuống bằng 0 là một mức giảm tương đối lớn.

 

Điều đó chưa quan trọng bằng các doanh nghiệp Nhật Bản rất năng động tiếp cận thị trường nhanh chóng, xuất khẩu mạnh vào thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam do điều kiện địa lý xa xôi, do hiểu biết thị trường kém, do hoạt động xúc tiến thương mại không hiệu quả cho nên chúng ta không theo kịp được.

 

Từ dẫn chứng điển hình như trên, Bộ trưởng có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước?

 

Chúng ta đang tham gia vào một thị trường toàn cầu. Thông qua hoạt động mở cửa thị trường song phương, hoặc đa phương, các nước đối tác mở cửa thị trường cho Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường cho các nước đối tác.

 

Nhưng có một vấn đề là cánh cửa thị trường đã mở nhưng hàng hoá Việt Nam có vào được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố thứ nhất là doanh nghiệp có tạo ra sản phẩm tốt và giá thành hợp lý hay không.

 

Thứ hai, khi có sản phẩm ấy rồi chúng ta có đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng không. Bởi nếu như thị trường đã mở cửa mà hàng hoá của chúng ta vẫn không xâm nhập được thì có thể do chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, hoặc là chất lượng sản phẩm tốt và giá thành hợp lý nhưng chúng ta không có hoạt động xúc tiến thương mại tốt để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

 

Và như vậy, hiệu quả của việc hội nhập, mở cửa thị trường rất kém bởi hàng của người ta có thể vào thị trường của mình, nhưng hàng của mình lại không vào được thị trường của người ta. Đây là vấn đề rất quan trọng sau khi chúng ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Các rào cản về thương mại bị loại bỏ, thuế giảm xuống, các rào cản phi thuế quan cũng bị loại bỏ nhưng hàng của chúng ta vẫn không vào được nước khác trong khi hàng nước khác lại vào được nước mình, như vậy rất không tốt...