Tên gọi chỉ là một phần, điều quan trọng vẫn là hiệu quả hoạt động của DN

Tên gọi chỉ là một phần, điều quan trọng vẫn là hiệu quả hoạt động của DN

Tiêu chí đặt tên TĐ, TCT: Không cần thiết

Gần đây, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã nhận được nhiều luồng ý kiến.

Để xác định quy định này có cần thiết hay không, theo tôi, cần phải xem các mối quan hệ xã hội trong môi trường kinh doanh có nhu cầu hay không và các tiêu chí này có mang lại hiệu quả đáng kể nào?

Trên thực tế, việc đặt tên của DN đã được Luật DN và Nghị định 43/2010/NĐ - CP ngày 15/4/2010 điều chỉnh. Việc đặt tên này miễn sao không vi phạm điều cấm là được (như tên trùng, gây nhầm lẫn với tên của DN khác, sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc...). Vậy cớ gì DN không được phép lấy tên TĐ, TCT?

Có quan điểm rằng, quy định này nhằm hạn chế việc DN lạm dụng cái tên TĐ, TCT, khiến người ta ảo tưởng về sự chuyên nghiệp và quy mô đồ sộ của các DN này. Nhưng nếu chỉ vì một cái tên của DN mà quên đi những yếu tố khác quan trọng hơn cần kiểm tra như tình trạng tài chính, tình hình kinh doanh… thì lỗi không phải là của TĐ, TCT. Vì vậy, theo tôi, quy định về tiêu chí đặt tên TĐ, TCT là không cần thiết.

Trong Dự thảo, để được lấy tên có cụm từ TĐ hoặc TCT, DN phải thỏa mãn điều kiện về vốn điều lệ và số lượng công ty con đang sở hữu (tỷ lệ góp vốn chiếm trên 50% vốn điều lệ). Cụ thể, nếu gọi là TĐ thì phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và sở hữu ít nhất 5 công ty con; còn muốn được xem là TCT thì phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên và sở hữu ít nhất 3 công ty con. Các tiêu chí trên có sự rõ ràng về con số nhưng liệu những con số đó có phù hợp hay chưa thì cần phải đánh giá lại.

Ví dụ, hai công ty có cùng số vốn điều lệ như nhau (1.000 tỷ đồng chẳng hạn) nhưng Công ty A sở hữu trên 50% vốn của 5 công ty có quy mô rất nhỏ, còn Công ty B thì đầu tư đến 10 công ty có quy mô rất lớn nhưng đều không chạm đến ngưỡng 50% vốn và tổng số vốn đầu tư của B lại nhiều gấp 2 lần tổng số vốn đầu tư của A thì liệu có thể khẳng định A có năng lực tài chính mạnh hơn B? Hoặc, có những công ty mặc dù vốn điều lệ chỉ vài trăm tỷ nhưng tổng giá trị tài sản đến vài nghìn tỷ và có khả năng sinh lời cao. Ngược lại, có những công ty, vốn điều lệ lớn hàng nghìn tỷ, nhưng kết quả sản xuất- kinh doanh yếu kém, vậy mà dựa vào tiêu chí trên thì họ lại đủ điều kiện để đặt tên TĐ hoặc TCT.

Mặt khác, nguyên tắc của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chỉ trong những trường hợp cần thiết thì mới được quy định hiệu lực trở về trước và bất hồi tố đối với những trường hợp gây bất lợi cho người được áp dụng. Việc đổi tên gọi có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, hình ảnh của công ty. Trong trường hợp này, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho DN?

Mục đích của tên gọi là giúp người ta phân biệt Công ty A với B, qua đó, xây dựng nên hình ảnh, thương hiệu của một DN. Tên DN không phải là yếu tố sống còn để xây dựng DN mà là tài sản, nguồn vốn, nhân sự, chiến lược kinh doanh, sản phẩm… Một ca sĩ vô danh đừng mong đổi đời, nổi tiếng nếu chỉ dựa vào việc đổi nghệ danh thành Đàm Vĩnh Hưng.