Ông Nguyễn Quang Bảo

Ông Nguyễn Quang Bảo

Tính an toàn trong đầu tư đã cao hơn

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, TTCK Việt Nam sẽ giữ xu thế ổn định tích cực trong nửa cuối năm, sự an toàn trong đầu tư cổ phiếu đã cao hơn.

Theo ông, những nhân tố nào sẽ ảnh hưởng tới xu hướng TTCK Việt Nam nửa cuối năm 2013?

Sau đợt phục hồi ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2013, TTCK Việt Nam diễn biến tương đối ổn định trong 5 tháng sau đó. VN-Index dao động trong khoảng 460-530 điểm và HNX-Index dao động từ 58-70 điểm. Xác suất khá cao từ nay đến cuối năm 2013, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng ổn định tích cực này. Chính sách tiền tệ, giải pháp xử lý hàng tồn kho, khả năng giải quyết nợ xấu, biện pháp phá băng bất động sản, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường. Các giải pháp đang được thực hiện, nhưng cần thêm nhiều thời gian để ngấm đến doanh nghiệp. Kinh tế như người mới ốm dậy, chưa thể chạy nhanh được.

 

Chiến lược giao dịch nào phù hợp với NĐT nội địa trong kịch bản thị trường đi ngang như ông dự báo?

Tôi nhận thấy có một bộ phận NĐT muốn rút khỏi thị trường do TTCK không khởi sắc mạnh mẽ như kỳ vọng. Tâm lý bi quan, chán nản này, có lẽ xuất phát từ việc lựa chọn cổ phiếu không phù hợp do thị trường lình xình vài năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, nếu so sánh với các hình thức đầu tư truyền thống phổ biến khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, bất động sản thì đầu tư vào cổ phiếu có lợi thế rõ rệt.

Một thuận lợi rất lớn cho các NĐT trên thị trường hiện nay là họ có điều kiện lựa chọn những doanh nghiệp hàng đầu với mức giá hợp lý. Tùy theo trường phái đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro, theo tôi, các NĐT có thể tìm kiếm, lựa chọn cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí đầu tư riêng. Những doanh nghiệp được thanh lọc sau những biến động của nền kinh tế luôn là những doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Với mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hàng năm đạt trên 30%, mức cổ tức trên thị giá tương đương hoặc cao hơn lợi tức từ tiền gửi tiết kiệm thì không có lý do gì e ngại đầu tư vào những cổ phiếu này. Độ an toàn trong đầu tư hiện nay cao hơn những năm trước rất nhiều. Trong bức tranh chung của cả thị trường, những công ty tốt và không tốt, còn dư địa tăng trưởng hay đã chững lại, có khả năng xử lý nợ hay mất thanh toán, những công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh vượt quá khả năng thực hiện hay những công ty có kế hoạch thận trọng với chiến lược rõ ràng… đã dễ nhận diện hơn.

 

Các quỹ ETF gây ảnh hưởng khá lớn tới biến động của TTCK Việt Nam thời gian qua. Việc cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nếu sớm được thông qua, liệu có phải là cú hích cho TTCK?

Các quỹ ETF đã thổi luồng gió mới đến TTCK Việt Nam , thậm chí còn hình thành trào lưu đầu tư theo ETF. Nhưng theo tôi, ảnh hưởng từ giao dịch của các quỹ ETF sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay. Lý do là các quỹ ETF đã mua hết chỉ tiêu của mình. Hoạt động mua bán trong thời gian tới sẽ ở mức độ thấp hơn, tỷ trọng so với toàn thị trường sẽ không lớn như giai đoạn đầu năm.

Về phương án cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết, theo tôi, cần nhiều thời gian. Bên cạnh các vấn đề về quy chế, chính sách còn phải xử lý nhiều nút thắt về kỹ thuật giao dịch, lưu ký, công bố thông tin, báo giá… Nhiều NĐT trong nước đương nhiên kỳ vọng sớm triển khai phương án này, đặc biệt là đối với các công ty niêm yết đã hết “room” ngoại. Nhưng theo tôi, tự bản thân việc này sẽ không hỗ trợ nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp.

 

Cuối tháng 7, thời gian giao dịch buổi chiều tại cả hai sàn được kéo dài tới 15 giờ. Việc này ảnh hưởng ra sao tới các chủ thể trên thị trường?

Chắc chắn các thành viên thị trường phải làm việc vất vả hơn. Không đơn giản là ngày làm việc kéo dài thêm 45 phút, vì thời điểm cuối ngày, các ngân hàng bận rộn với việc khóa sổ để kiểm đếm, nộp tiền. Thời điểm này, tại các CTCK vẫn còn rất nhiều khách hàng muốn giao dịch tiền mặt, do vậy sức ép lên nhân viên CTCK sẽ rất nặng nề. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian giao dịch mở rộng cơ hội cho NĐT và cũng phù hợp với thông lệ trên thị trường quốc tế, chúng ta phải thay đổi để hội nhập.

 

Là người đã gắn bó với TTCK lâu năm, ông kỳ vọng gì về sự thay đổi khi TTCK Việt Nam sắp bước sang tuổi mới?

Mong muốn lớn nhất của tôi là TTCK càng ngày càng trở nên rõ ràng, minh bạch hơn. Đầu tư trên thị trường luôn có tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ nhưng nếu những rủi ro này phát sinh do biến động khách quan, do quy luật đào thải thì NĐT phải chấp nhận. Ngược lại những thua lỗ, mất mát xuất phát từ hành vi lừa đảo, thiếu trách nhiệm… phải được xử lý nghiêm. Trong khi chúng ta đang tiếp tục xây dựng, điều chỉnh các chế tài để các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, nên chăng các hiệp hội kinh doanh chứng khoán, đầu tư tài chính cần lên “danh sách đen” những tổ chức, công ty, cá nhân có hành động xấu, có hành vi trục lợi, không thực hiện đúng cam kết… làm ảnh hưởng đến TTCK và công bố rộng rãi để tạo tính răn đe.