Trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc

Trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc

(ĐTCK-online) Sau giai đoạn ồ ạt huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, nhiều DN e ngại hình thức này sẽ gây hiệu ứng pha loãng làm giảm thị giá cổ phiếu, đi kèm với nó là sức ép lợi nhuận đảm bảo mức chi trả cổ tức lớn. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang được nhiều công ty lựa chọn như một phương án vẹn cả đôi đường.

Nhiều DN lựa chọn

Ngày 22/10, CTCP Vincom công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu DN với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Đơn vị tư vấn và bảo lãnh cho đợt phát hành trái phiếu Vincom là Liên danh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - ANZ. Trong quá trình phát hành trái phiếu, BIDV và ANZ đã gửi hồ sơ chào bán cho 74 nhà đầu tư tiềm năng và 9 tổ chức chào lãi suất thấp nhất đã trở thành trái chủ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua 30%. Trái phiếu Vincom được phát hành riêng lẻ dưới hình thức trái phiếu ghi sổ, kỳ hạn 5 năm, trả lãi hàng năm. Lãnh đạo Vincom cho biết, phát hành trái phiếu nằm trong chủ trương đa dạng hoá hình thức huy động vốn tài trợ cho các dự án trọng điểm mà Công ty đang triển khai. Vốn huy động qua hình thức này phục vụ cho việc đầu tư Dự án Cụm công trình trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn - văn phòng - căn hộ cao cấp và bãi đậu xe ngầm Vincom tại 68 - 70 Lê Thánh Tôn, phần ngầm Vườn hoa Chi Lăng và Trung tâm thương mại Eden, Quận 1, TP. HCM.

Nếu như các DN lớn có thương hiệu mạnh, dự án khả thi để gọi vốn thì các DN vừa và nhỏ cũng có cách đi riêng. Hiện CTCK Habubank đang thu xếp phát hành trái phiếu cho khoảng 20 doanh nghiệp, chào bán cho các tổ chức nước ngoài. Một trong những DN đăng ký phát hành trái phiếu là Goldsun với nhu cầu huy động 100 tỷ đồng. Goldsun có hai công ty con là Nhà máy in và bao bì Nhật Quang, Nhà máy cơ khí gia dụng với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 20% và nhu cầu vốn khá cao. Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun cho biết, Công ty chưa muốn huy động vốn cổ phần qua công chúng, vay vốn ngân hàng lãi suất ít nhất cũng 12%/năm, chưa kể các thủ tục phức tạp khác. Huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu cộng cả lãi và chi phí cũng 11%/năm nhưng thủ tục nhanh gọn, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2007.

CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 mới đây đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi dành cho cổ đông hiện hữu, toàn bộ trái phiếu được chuyển thành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 vào tháng 8/2008. Công ty đã huy động được khoảng 30 tỷ đồng, lãi suất 8,4%/năm (bằng với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cùng thời điểm). Bà Phan Thu Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, huy động vốn bằng hình thức này DN chủ động về lãi suất, quan hệ giữa DN và trái chủ là quan hệ công nợ, khác với quan hệ cổ đông. Đề cập đến việc tại sao đã trở thành công ty đại chúng nhưng DN không phát hành cổ phiếu, bà Thu Anh cho biết, thông qua phát hành cổ phiếu DN có thể có khoản thặng dư lớn nhưng nếu không có dự án tốt, không có kế hoạch chu đáo, sử dụng khoản thặng dư đó không hợp lý sẽ tạo ra áp lực lớn cho Ban điều hành.

 

Sức hấp dẫn của trái phiếu

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế (VIS), đơn vị bảo lãnh thành công nhiều đợt phát hành trái phiếu DN cho biết, trong năm nay VIS đã phát hành thành công trái phiếu cho Tập đoàn VINASHIN, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) và gần đây nhất là LILAMA. Cuối năm 2007, VIS dự kiến sẽ tư vấn phát hành trái phiếu cho 2 tập đoàn kinh tế mạnh khác.

Theo ông Hiếu, huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu được nhiều DN lớn lựa chọn bởi nó giảm áp lực cho Ban điều hành. Hiện huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu, DN thường hứa hẹn tỷ lệ cổ tức khoảng 15%/năm, thậm chí 20%/năm, muốn đảm bảo mức cổ tức trên thì lợi nhuận sau thuế của DN ít nhất phải đạt tối thiểu 20 - 25% trên vốn điều lệ. Huy động vốn bằng trái phiếu, lãi trả cho trái chủ dao động 9 - 10%/năm, hơn nữa, lãi suất trả cho trái chủ hàng năm được tính như một khoản chi phí của DN (trong chi phí tính thuế), nên DN sẽ được giảm áp lực về chi phí vốn (cả vốn vay và vốn góp của cổ đông) trong quá trình điều hành.

Hiện nay, đầu tư vào trái phiếu DN chủ yếu là các nhà đầu tư tài chính, các quỹ, công ty bảo hiểm, ngân hàng, còn đơn vị phát hành thường phát hành theo hình thức riêng lẻ. Ông Hiếu cho rằng, tới đây khi điều kiện thuận lợi, DN và các đơn vị bảo lãnh có thể tính tới phương án phát hành ra công chúng. Khi lãi suất ngân hàng thấp, rủi ro từ TTCK lớn, trái phiếu DN sẽ được các nhà đầu tư cá nhân lựa chọn như một công cụ đầu tư mang lại thu nhập ổn định và có tính hấp dẫn trên thị trường. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của thị trường trái phiếu sẽ được củng cố khi Việt Nam có các tổ chức định mức tín nhiệm và số lượng tổ chức phát hành ngày càng tăng.