Vô vàn những con người đang âm thầm cùng làm nên bước ngoặt lớn, bởi họ tin vào sự thành công của bước chuyển không thể đảo ngược của kinh tế Việt Nam.

Vô vàn những con người đang âm thầm cùng làm nên bước ngoặt lớn, bởi họ tin vào sự thành công của bước chuyển không thể đảo ngược của kinh tế Việt Nam.

Trăn trở… tái cấu trúc

(ĐTCK) Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng để hoá Rồng, nhưng là một ngưỡng cửa hẹp.

Sáng vừa nghe họ tranh luận gay gắt ở Hà Nội về những cái giá phải trả của tái cấu trúc khi sẽ có nhóm lợi ích phải chịu hy sinh, chiều đã thấy họ đăng đàn, hâm nóng hội thảo tại TP.HCM về thành quả dài hạn của một nền kinh tế đi lên bằng năng suất, chất lượng...

Mạn phép gọi họ là các “nhà tái cấu trúc học”, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và quốc tế kéo dài suốt từ năm 2008 đến giờ vẫn chưa thấy điểm kết đã gắn tên tuổi họ với hàng loạt đề xuất kịch bản tái cấu trúc nền kinh tế. Tự nhiên phân vân, họ có đặt trọn niềm tin vào những điều đang nói?

 

Thời cơ hẹp…

Còn nhớ, cuối năm 2008, đầu năm 2009, giới nghiên cứu nổ ra tranh luận lớn rằng, vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vì cả thế giới chuyển mình mà Việt Nam phải tính bước đổi thay mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư vốn, đang lộ ra những điểm tới hạn; rằng, lạm phát của Việt Nam do tác động “cánh kéo” của giá thế giới, hay cứ mãi mua vé khứ hồi bởi lỗi cơ cấu; rồi chọn tái cấu trúc toàn diện hay tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế với hàm ý công cuộc đổi mới là liên tục...

Hồi đó, không ít nhà “tái cấu trúc học” lấn cấn khi chuyển tải khuyến nghị, dù cũng đã nhắc tới thời cơ thuận nhất để nền kinh tế Việt Nam chuyển mình nhanh chóng.

Mang tâm tư này tới TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những người chắp bút cho Đề án tái cấu trúc nền kinh tế từ những khởi thảo đầu tiên, ông khẳng định, năm 2012 rất khác biệt!

“Chưa bao giờ có sự đồng thuận lớn như vậy trong cả hệ thống chính trị và xã hội về tư duy phải tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ vì khủng hoảng kinh tế; đồng thuận trong mục tiêu ưu tiên, đồng thuận trong quyết tâm phải thực hiện. Tái cấu trúc ngân hàng nhạy cảm thế, nhưng đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối cả về chủ trương, giải pháp, cách thức thực hiện”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Điểm đặc biệt của năm 2012 thậm chí khiến ông Cung đặt kỳ vọng cao hơn về một bước ngoặt lớn khi phát hiện ra những năm đầu của một thập kỷ mới thường ghi dấu chuyển đặc biệt cho kinh tế Việt Nam.

Điểm lại, khoán 100 vào đầu thập kỷ 80, tạo đà cho công cuộc Đổi mới năm 1986 mà đến tận giờ, Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2011 tiếp tục khẳng định là “cuộc cách mạng thành công nhất của các nền kinh tế chuyển đổi”, đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Tiếp đến là bước ngoặt của hệ thống luật pháp liên quan đến doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài cuối thập kỷ 90, tạo đà cho “cuộc cách mạng lớn về tư duy thị trường” vào những năm đầu thế kỷ 21, để rồi Việt Nam có tên trong danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất của đầu tư thế giới, chỉ sau nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, suốt nhiều năm.

Tất nhiên, chất lượng của điểm đến Việt Nam vẫn còn có nhiều ý kiến, song ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người năm rồi đã rúng động giới nghiên cứu với cách tính đếm hiệu quả của một nền kinh tế có GDP 100 tỷ USD khi chia đều cho 100 cảng biển, 100 ngân hàng... để thấy chi phí và dịch vụ làm ra 1 tỷ USD của Việt Nam quá cao, cũng tin rằng, sự mạnh mẽ và nhất quán trong thông điệp tái cấu trúc, với tinh thần thay đổi thể chế để phân bổ lại nguồn lực một cách hiệu quả, đang đặt thời điểm chuyển đổi trong năm 2012 vào thế “không thể tốt hơn, không thể lùi lại”.

“Đặt tuyên ngôn về tái cấu trúc từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cam kết hành động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2012, với điều kiện tăng trưởng khó khăn hơn, cả trong nước và trên thế giới, dư địa chính sách cũng kém hơn so với năm trước, căng thẳng hơn nhiều so với năm 2008, có thể thấy, đang có cuộc vật lộn quyết liệt của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thiên phân tích.

Cũng phải nhắc lại, những cuộc vật lộn trong nội bộ nền kinh tế trước thềm Việt Nam gia nhập WTO suốt những năm đầu thập kỷ 21 đã cho thế giới thấy bóng dáng một con Rồng sắp ra đời. Chỉ có điều, khoảng thời gian xuất hiện chú Rồng châu Á mới đã bị lui lại nhiều lần. 

Có lẽ, cần phải bổ sung thêm một đồng thuận nữa, đó là Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng để hoá Rồng, nhưng là một ngưỡng cửa hẹp. Ngay cả bà Sri Mulyani Indrawati, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới trong lần đầu tiên đến Việt Nam ở cương vị này cũng đã chia sẻ rằng, những chậm trễ của Indonesia trong ứng xử với khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998 đã khiến quốc gia này phải chi tới 70% GDP của mình chỉ để giải quyết hậu quả. “Chúng tôi muốn Việt Nam tránh được lối mòn đó. Điều quan trọng nhất từ bài học của chúng tôi là, Chính phủ phải quyết định mạnh mẽ và nhất quán. Dù có khó khăn, đau đớn nhưng cần thiết để đẩy mạnh cải cách. Đây cũng là con đường mà các nước BRICS, cũng như các quốc gia trong khu vực ASEAN đã làm để vượt qua khủng hoảng”, bà Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh.

 

… của bước ngoặt lớn

Năm nay, công cuộc Đổi mới, được bắt đầu vào năm 1986 được nhắc lại nhiều. Kỳ vọng về một bước nhảy vọt tương tự của nền kinh tế Việt Nam đang lên cao, nhất là khi “gót chân Asin” của nền kinh tế Việt Nam đã lộ quá rõ.

Tất nhiên, hai thời điểm này khác nhau về bản chất, khi năm 1986 đánh dấu bước chuyển đổi cơ chế, từ tập trung bao cấp sang thị trường, còn hiện tại, theo ông Cung, chúng ta đang cần bước nhảy cao, để nâng cấp nền kinh tế thị trường từ mức độ 1 lên trình độ cao hơn về quản trị, để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mà nhiều quốc gia ở cùng trình độ phát triển đang sa lầy.

“Tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại nhiều hơn về thách thức, nhưng ít hơn về tính quyết liệt so với thời điểm 25 năm trước. Lần này, sẽ có người được, người mất về lợi ích, nên dù đồng thuận nhảy lên, nhưng sẽ có người nhảy cao, người nhảy thấp, trách nhiệm và mong muốn nhảy sẽ khác nhau. Năm 1986, vương vấn chủ yếu là tư duy chứ không phải là lợi ích”, ông Cung tâm tư cho rằng, mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước vì thế có thể sẽ khó khăn hơn cả.

Lại nói về quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã chậm trễ suốt 10 năm qua, nay với mục tiêu hoàn tất thoái vốn khỏi các hoạt động đầu tư ngoài ngành, hoàn tất cổ phần hoá để đưa số lượng doanh nghiệp nhà nước xuống còn 692 doanh nghiệp vào năm 2015, giới chuyên gia kinh tế không ngần ngại về tính khả thi của con số, mà băn khoăn về chất lượng và chức năng của khu vực doanh nghiệp này.

Quy luật của vận động thị trường là Nhà nước lùi dần khi tư nhân lớn mạnh, đến mức Nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường không làm. “Giống như phân công chức năng của tay và chân. Nếu để tay làm chức năng của chân là sai, nhưng nếu tay làm tốt chức năng của chân thì không thể chấp nhận được. Tọa độ kinh tế thị trường đã phân định chức năng, Nhà nước phải làm tốt chức năng của mình, chứ không thể thấy kinh doanh lợi lớn mà vươn sang”, ông Thiên chia sẻ quan điểm và cho rằng, bước ngoặt mà thị trường cần vào thời điểm này chính là doanh nghiệp nhà nước làm đúng chức năng của mình.

Cùng với tái cấu trúc ngân hàng thương mại, đây chính là những thay đổi mang tính cốt lõi để đảm bảo rằng, các nguồn lực được huy động và phân bổ hiệu quả.

Trở lại bài toán 100 tỷ USD và 1 tỷ USD của TS. Trần Đình Thiên, theo cách tính 1 cảng, 1 ngân hàng chỉ phục vụ sản xuất cho ra 1 tỷ USD, nhiều người than lãng phí quá. Có lẽ phải nhắc lại cả câu nói “ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương đang kéo cày nuôi các khu công nghiệp” của ông Thiên khi phân tích về tư duy lấp đầy một cách dàn trải và thiếu cân nhắc hiệu quả. Hoá ra, lãng phí nguồn lực trong đầu tư không phải quá khó để tính toán, không quá khó để cắt giảm, nếu nhìn về phía trước để quyết định.

Bước ngoặt lớn, theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã xuất hiện ngay khi chúng ta nhận diện đúng mình hơn, tránh ảo tưởng về những khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt. “Nếu quyết tâm, chọn đúng mục tiêu và công cụ, 4 - 5 năm là quãng đường đủ dài để ta thay đổi cả vận hội của đất nước. Điều tôi muốn là nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam với nền tảng vĩ mô tốt, các cân đối lớn, tiết kiệm đầu tư, cán cân thanh toán, cân đối ngân sách, nợ công nằm trong vòng cương tỏa được, lạm phát thấp trong khi chúng ta vẫn “chơi” với thế giới và có mức tăng trưởng khoảng 7-7,5%, không quá cao nhưng hài hòa hơn với môi trường, với các vấn đề xã hội”, ông Thành đặt kỳ vọng và cho rằng, bước ngoặt lớn hay nhỏ đang phụ thuộc vào hành động của Chính phủ trong năm 2012, năm của ý chí chính trị và nghệ thuật điều hành chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô.

 

Vĩ thanh

Khi đi tìm những điểm mốc của công cuộc tái cấu trúc, mới phát hiện ra rằng, có những con người không xuất hiện trong các kịch bản, không đăng đàn diễn thuyết, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong thu hẹp khoảng cách từ các kịch bản đề xuất đến thông điệp chính trị và cam kết hành động.

Có những công chức nhà nước chấp nhận mức lương, mà giới nghiên cứu cho là không thể tồn tại thêm nữa, để làm tròn nhiệm vụ chuyển tải được những bức thiết của cuộc sống tới các chính sách điều hành.

Có những doanh nhân chịu chấp nhận thua thiệt riêng mình để gửi thông điệp đồng hành kiên định với ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ…

Vô vàn những con người đang âm thầm cùng làm nên bước ngoặt lớn, bởi họ tin vào sự thành công của bước chuyển không thể đảo ngược của kinh tế Việt Nam .

 

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tư duy, mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hoá những doanh nghiệp nhà nước không cần thiết phải nắm giữ, thay đổi môi trường, quản trị... đều nhận được sự đồng thuận. Còn vương vấn là vai trò, vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Nếu không giải được vấn đề mấu chốt này thì có thể doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm về quy mô nhưng sẽ không có nhiều thay đổi về chất.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không có sự hào hứng như những năm 2006 -2007, rất có thể tái cấu trúc chỉ là loay hoay sáp nhập cái này, chia tách chỗ kia... Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một quá trình với quyết tâm chính trị lớn.

 

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tái cấu trúc đầu tư công không chỉ là cắt giảm dự án, mà phải kiểm soát được cơ chế sinh ra dự án. Nhiều khi, bộ máy cũ với cơ chế tự động sẽ đẩy nền kinh tế đi theo quán tính cũ khiến cho những nội dung không ưu tiên trong tái cơ cấu lại đạt được dễ dàng hơn.

Cũng phải tính tới chi phí điều chỉnh thế nào. Với những dự án bị cắt bỏ, sót ruột lắm chứ. Có thể trao quyền cho các địa phương tự định đoạt trên những ràng buộc thống nhất hay không. Có thể sẽ có những sáng tạo để giảm bớt chi phí điều chỉnh.

Với các nhà đầu tư, quan trọng nhất là thể chế. Thể chế tốt, kết nối hạ tầng, logistic tốt, luật lệ minh bạch sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, đẳng cấp và ngược lại, nếu mải thu hút thượng vàng hạ cám thì chỉ có những nhà đầu tư li ti. Chúng ta kêu gọi đầu tư chất lượng thì phải làm tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng, chứ phượng hoàng không bao giờ đẻ trứng ở nơi sỏi đá.

 

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Các công cuộc cải cách thời gian qua làm bừng dậy những tiềm năng sẵn có của nền kinh tế Việt Nam . Diễn biến này sẽ tiếp tục nhưng khó khăn hơn vì động chạm đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội, thậm chí là ý thức hệ, sẽ đụng chạm đến những vấn đề cốt yếu của thị trường, những vấn đề khó mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, như thị trường các yếu tố sản xuất, vốn, lao động, đất đai...

Bất kỳ cuộc cải cách nào dù lớn, dù nhỏ, chưa nói đến cuộc cải cách mạnh mẽ quyết liệt như lần này, đều có kẻ thua, người thắng. Nhưng thường thì người thắng phải dần dần mới cảm nhận được, còn người thua thì có thể thấy ngay những thiệt thòi.

Bên cạnh đó, các ưu tiên tập trung tái cấu trúc lần này là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại có gắn kết chặt chẽ với nhau, đòi hỏi tổng chỉ huy bước cải cách lần này vừa quyết liệt nhưng phải có lộ trình, phải có phản biện, giải trình, biết lắng nghe phản hồi của xã hội, thị trường để có điều chỉnh kịp thời. Thực hiện những điều này không dễ trong bối cảnh nhạy cảm và phải vượt qua lợi ích nhóm.