Ban lãnh đạo Cảng Đình Vũ cam kết sẽ tuân thủ đúng phán quyết của Toà án.

Ban lãnh đạo Cảng Đình Vũ cam kết sẽ tuân thủ đúng phán quyết của Toà án.

Tranh chấp cổ phần Cảng Đình Vũ: Sắp đến hồi kết

(ĐTCK-online) Mặc dù đã nhận đủ 20 tỷ đồng nhưng bên bán vẫn chưa thực hiện chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) cho bên mua. Sau đợt tăng vốn năm 2007 của DVP, số cổ phiếu tranh chấp giữa hai bên đã tăng lên 3,74 triệu đơn vị. Thương vụ bế tắc gần 6 năm qua diễn ra giữa Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam - bên bán) và CTCP Vật tư nông sản (Apromaco - bên mua).

Phán quyết của tòa

Năm 2003, Vigecam tham gia góp 20% vốn điều lệ, tương ứng 2 triệu cổ phần, trị giá 20 tỷ đồng để thành lập DVP. Sau đó, Vigecam gặp khó khăn về tài chính nên đã  quyết định chuyển nhượng cho Apromaco (khi đó là một DN thành viên thuộc Vigecam) 1 triệu cổ phiếu DVP với trị giá 10 tỷ đồng. Đầu năm 2006, Vigecam tiếp tục gặp khó khăn về tài chính nên thực hiện bán nốt cho Apromaco 1 triệu cổ phiếu còn lại. Như vậy, sau khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán 20 tỷ đồng cho Vigecam, Apromaco đã đầu tư tài chính 2 triệu cổ phiếu DVP.

Đến năm 2006, Vigecam vẫn chưa thực hiện các thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần cho Apromaco. Năm 2007, DVP thực hiện tăng vốn điều lệ và với số vốn góp bằng 20% vốn điều lệ, Apromaco được mua thêm 1,74 triệu cổ phiếu. Sau nhiều lần thương lượng không thành, Vigecam và Apromaco đã thống nhất đưa vụ việc ra giải quyết tại  Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu (ACIAC). Ngày 14/9/2007, ACIAC đã ra quyết định: toàn bộ 3.740.000 cổ phiếu và cổ tức được phân chia cho Vigecam của DVP thuộc về Apromaco.

Không thỏa mãn với quyết định của ACIAC, Vigecam đã tiếp tục kháng cáo lên tòa án. Qua 2 cấp xét xử (TAND TP. Hà Nội và TAND tối cao tại Hà Nội), TAND tối cao tại Hà Nội đã ra Quyết định số 237/2008/QĐ-PT ngày 19/12/2008 là quyết định có hiệu lực thi hành với nội dung giữ nguyên phán quyết theo Quyết định số 119/QĐ-HĐTT của ACIAC. Kể từ khi quyết định của TAND tối cao có hiệu lực thi hành đến nay đã gần 1 năm, mặc dù Apromaco đã nhiều lần đề nghị Vigecam thực hiện nghĩa vụ sang tên số cổ phiếu DVP, song ban lãnh đạo mới của Vigecam tiếp tục đưa ra nhiều lý do trì hoãn như phải họp nội bộ, xin ý kiến cơ quan chủ quản. Quý IV/2009, DVP làm thủ tục để niêm yết tại HOSE, Vigecam không thông báo cho Apromaco và đơn phương đứng tên lưu ký toàn bộ số cổ phiếu kể trên.

 

Đi đến hồi kết?

Ngày 16/12/2009, Cục Thi hành án Dân sự, TAND TP. Hà Nội đã có quyết định thi hành án, nhưng Vigecam vẫn không thực hiện. Ngày 31/12/2009, Cục Thi hành án Dân sự, TAND TP. Hà Nội đã có quyết định phạt tiền Vigecam, do có điều kiện nhưng không thi hành án. Cũng trong ngày này, TAND TP. Hà Nội có quyết định cưỡng chế buộc hoàn tất thủ tục sang tên cổ phần. Theo đó, cưỡng chế Vigecam phải hoàn tất thủ tục sang tên 3,740 triệu cổ phiếu DVP cho Apromaco. Tuy nhiên, sau 15 ngày Vigecam vẫn không làm thủ tục sang tên. Ngày 13/1/2010, TAND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 35/QĐ-THA giao việc hoàn tất thủ tục sang tên sở hữu cổ phiếu. Theo đó, quyết định giao cho DVP hoàn tất thủ tục sang tên 3,740 triệu cổ phiếu mà Vigecam đang sở hữu sang cho Apromaco. Như vậy, thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu sẽ do DVP thực hiện mà không cần quan tâm đến Vigecam. Hiện số cổ phiếu kể trên đang được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký (VSD) và đứng tên Vigecam. Vậy thủ tục để sang tên cho Apromaco sẽ được VSD thực hiện như thế nào?

 Ông Dương Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT DVP cho biết, hiện Công ty đã nhận được hồ sơ của Apromaco và quyết định giao việc của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội. DVP cũng đã thuê luật sư tư vấn rà soát lại tất cả các vấn đề. Sau đó, sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện theo yêu cầu của tòa án. Ông Bình không bình luận ai sai, ai đúng trong thương vụ kể trên nhưng cho rằng, phán quyết của tòa được căn cứ trên cơ sở pháp luật nên DVP sẽ tuân thủ thực hiện.

Theo một thành viên Ban kiểm soát Vigecam, việc DN này chậm trễ thực thi quyết định của tòa án có nguyên nhân từ thời tổng giám đốc trước (ông Trần Văn Khánh - PV), hai bên mua bán không có hợp đồng gì mà chỉ có một công văn, như vậy là sai quy định quản lý vốn của Nhà nước. "Sau đó, hai bên đã phải đưa sự việc ra Trung tâm trọng tài. Nếu theo phân xử của trọng tài thì 20 tỷ đồng, tương ứng 2 triệu cổ phiếu mua bằng công văn thì Vigecam cũng có thể chuyển. Nhưng Apromaco đòi cả 1,74 triệu cổ phiếu mua về đợt sau này và cả cổ tức của nhiều năm thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Chuyển tên sở hữu một cổ đông khi cổ phiếu đã lên sàn thì phải tuân theo theo Luật Chứng khoán", vị này nói.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện VSD Chi nhánh TP. HCM cho biết, toàn bộ số cổ phiếu DVP kể trên đã được VSD phong tỏa, nên mặc dù Vigecam đứng tên cũng không thể thực hiện việc chuyển nhượng. Trong thời gian tới, căn cứ theo yêu cầu của tòa án, tổ chức phát hành và thẩm quyền của VSD, cơ quan này sẽ phối hợp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.