Khách sạn năm sao chưa thể ra đời để thay thế công trình dở dang tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu (góc đường Đinh Tiên Hoàng) quận 1, TP.HCM

Khách sạn năm sao chưa thể ra đời để thay thế công trình dở dang tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu (góc đường Đinh Tiên Hoàng) quận 1, TP.HCM

Tranh chấp đất: MTG tính kiện Hàng không VN

Ngày 31/7, đại diện CTCP đầu tư IMG và CTCP MT Gas (MTG) cho biết, họ đang chuẩn bị những thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) ra toà nhằm đòi quyền lợi.
Hai đối tác này cho rằng, VNA đã đem khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TP.HCM) để bán và góp vốn khi chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới việc đình trệ dự án xây dựng khách sạn 5 sao nhiều năm.
Khách sạn 5 sao chưa thể ra đời để thay thế công trình dở dang tại khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu (góc đường Đinh Tiên Hoàng) quận 1, TP.HCM.
Và cũng theo họ, chính việc bán và góp vốn sai nguyên tắc này đã khiến những nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng cả trăm tỷ đồng nếu dự án bị thu hồi.
Khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu có diện tích trên 5.006 m2, toạ lạc ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Đinh Tiên Hoàng. Năm 1994, VNA cùng với công ty S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập Công ty liên doanh TNHH Khách sạn hàng không Việt Nam để xây dựng một khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 1995, công trình được khởi công, đến năm 1998 khi xây dựng đến tầng thứ năm thì ngưng. Năm 2000, phần vốn của công ty Thái Lan chuyển lại cho VNA thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Tuy nhiên, công trình sau đó bị bỏ hoang cả gần 10 năm. Năm 2007, để tránh bị thu hồi, VNA mời gọi các đối tác góp vốn thành lập CTCP khách sạn hàng không (AH JSC) để triển khai dự án khách sạn 5 sao. Trong khi các cổ đông như IMG, MT Gas… góp vốn bằng tiền mặt thì VNA dùng tài sản dở dang gắn liền với khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu để bán và góp vốn vào AH JSC.
Phần tài sản dở dang này được VNA định giá 8,9 triệu USD. Trong đó, VNA đã sử dụng 3,6 triệu USD để góp vốn vào AH JSC, tương đương 60% vốn điều lệ. Phần còn lại VNA bán cho AH JSC qua hợp đồng nhận nợ giữa VNA và AH JSC ký kết ngày 15.8.2007.
Tuy nhiên, theo IMG và MT Gas, sau 6 năm kể từ ngày thành lập công ty AH JSC, VNA chưa thực hiện bất kỳ thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nào đối với tài sản gắn liền với đất của VNA tại khu đất cho AH JSC như thoả thuận. Vì vậy, cơ quan chức năng cho rằng, chủ đầu tư dự án là VNA, chứ không phải AH JSC và từ chối làm việc với AH JSC.
“Chúng tôi đi tìm hiểu thì mới vỡ lẽ. Lý do mà VNA không chuyển được tài sản gắn liền với khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu cho AH JSC là vì chưa được phép. Theo quy định, để bán và góp vốn bằng tài sản của Nhà nước, VNA phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã nhẫn nhịn gửi nhiều văn bản kiến nghị nhưng VNA luôn lảng tránh”, một đại diện của IMG cho biết.
 
Dừng đại hội cổ đông

Ngày 30.7, công ty AH JSC tổ chức ĐHCĐ thường niên. Thành phần tham dự đại hội gồm cổ đông của bốn công ty đã góp vốn vào AH JSC, bao gồm: VNA, IMG, MT Gas, công ty cổ phần đầu tư Vina. Tuy nhiên, đại hội trên đã phải dừng lại sau khi 2/3 thành viên trong ban kiểm tra tư cách đại biểu không công nhận đại diện VNA tham dự với tư cách cổ đông. Theo quan điểm của hai thành viên ban kiểm tra tư cách đại biểu, cho đến thời điểm này, VNA chưa hoàn thành các nghĩa vụ góp vốn của mình vào AH JSC nên không còn là cổ đông của AH JSC. Trong khi đó, theo đại diện của IMG, vì VNA không là cổ đông của AH JSC nên đại diện của VNA cũng không thể là chủ toạ của đại hội. Cho đến thời điểm hiện tại, IMG là người có tỷ lệ vốn góp cao nhất trong AH JSC.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 20.6.2012, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản nêu rõ: khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc từ việc VNA thuê đất nhà nước từ năm 2002 với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Theo quy định của luật Đất đai, doanh nghiệp chỉ được bán và góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, để bên nhận quyền tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được xác định trong hợp đồng thuê đất đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong trường hợp tài sản gắn liền với đất đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Mặt khác, theo quy định của Chính phủ, việc bán và góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của VNA phải do Thủ tướng quyết định.
Do vậy, theo Tổng cục Quản lý đất đai, trường hợp VNA chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì không được bán và góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất tại số 27B Nguyễn Đình Chiểu.
Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong trường hợp được Thủ tướng cho phép góp vốn bằng tài sản gắn liền với thửa đất 27B Nguyễn Đình Chiểu, VNA phải nộp hồ sơ để làm thủ tục đăng ký vốn góp quyền sở hữu tài sản gắn liền với thửa đất nêu trên tại sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho công ty AH JSC. Mặt khác, VNA cũng phải bàn giao giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho AH JSC để AH JSC nộp hồ sơ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Chỉ khi nào VNA hoàn thành các thủ tục nêu trên thì khi ấy mới hoàn thành nghĩa vụ trong việc thực hiện thủ tục mua, bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Còn theo bộ Kế hoạch và đầu tư tại văn bản số 3280 ngày 14.5.2012, nghĩa vụ góp vốn của VNA như sau: căn cứ vào quy định của luật Doanh nghiệp về nghĩa vụ góp vốn của cổ đông, trong trường hợp cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì không còn là cổ đông của AH JSC theo luật định.
Về tài sản vốn góp, bộ này cũng cho rằng, theo bản cam kết góp vốn, VNA góp một phần vốn trong tổng giá trị đầu tư dang dở tại 27B Nguyễn Đình Chiểu là 8,9 triệu USD nhưng không nêu rõ cơ cấu loại tài sản tương ứng. Do vậy, căn cứ theo luật Doanh nghiệp, nếu tài sản vốn góp là tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định.