Các chỉ số đang thể hiện sự tăng trưởng khá vững

Các chỉ số đang thể hiện sự tăng trưởng khá vững

TTCK Việt Nam có thể sớm hình thành những xu thế lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những tín hiệu khả quan trong nửa đầu năm 2023, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) nhận định rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hình thành những xu thế mới trong thời gian tới.

Việc phát triển các sản phẩm mới sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy thanh khoản cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, nâng cao vai trò và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch ra mắt các sản phẩm mới cho thị trường trong giai đoạn tới?

Với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch các loại chứng khoán, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con luôn ưu tiên hàng đầu mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bền vững, từng bước trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Đối với công tác tạo hàng cho thị trường trong giai đoạn tới, chúng tôi xác định cần lưu ý cả việc mở rộng sản phẩm, phát triển thêm các dịch vụ nhưng từng bước kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ trên thị trường.

Nhằm đa dạng hóa cơ sở hàng hóa cho thị trường, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thành viên để bổ sung sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

Đối với thị trường cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nghiên cứu triển khai áp dụng công nghệ thông tin để vừa rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, vừa minh bạch hóa quá trình thẩm định hồ sơ niêm yết. Ngoài ra, phối hợp với UBCKNN triển khai các giải pháp để thuyết phục các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa có tình hình tài chính lành mạnh đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường.

Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số khác ngoài VN30; đồng thời, tiếp tục báo cáo UBCKNN sớm nghiên cứu, dự thảo văn bản hướng dẫn các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu và đề xuất phát triển các thị trường giao dịch các sản phẩm hàng hóa khác, ví dụ như việc giao dịch tín chỉ carbon... Việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng là một trong những kết quả của chúng tôi trong việc đa dạng hóa cơ sở hàng hóa trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Vai trò của chất lượng hàng hóa cơ sở đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán rất lớn. Xin ông chia sẻ thêm về lộ trình nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK trong thời gian tới?

Đối với việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số, quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán để xây dựng hệ thống chỉ báo nhất quán cho toàn thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu đề xuất nâng cao quy định về điều kiện niêm yết; bổ sung các quy định về việc các doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển từ thị trường UPCoM lên thị trường niêm yết để cải tiến tiêu chuẩn niêm yết theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu phương án phân loại các doanh nghiệp theo quy mô vốn, tình hình hoạt động, thanh khoản... vào những bảng khác nhau, nhằm tạo sự khác biệt giữa các nhóm các doanh nghiệp.

Một trong những hoạt động khác nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường là tổ chức các chương trình đào tạo, tuyên truyền, các chương trình đánh giá chất lượng quản trị công ty để nâng cao chất lượng quản trị công ty, ESG (quản trị, môi trường và xã hội) cho các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo lộ trình của Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 345/QĐ-BTC; thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh; tự hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí đánh giá của thẻ điểm quản trị công ty ASEAN.

Trong bối cảnh nền Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xét về tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững hoạt động ổn định, tăng trưởng. Đâu là những động lực thúc đẩy thị trường, thưa ông?

Nhìn lại một chút về chặng đường năm 2022, là một năm nền kinh tế của Việt Nam nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng đã trải qua nhiều biến động lớn. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát gia tăng và căng thẳng chính trị, xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng sụt giảm mạnh.

Những động thái như bơm tiền, tăng lãi suất, nới lỏng tỷ giá, cũng tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư sẽ đứng trước lựa chọn rút tiền khỏi thị trường làm cho thanh khoản trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ 40.000 tỷ đồng/phiên đầu năm 2022 giảm xuống còn 11.000 tỷ đồng/phiên vào tháng 10/2022. Đặc biệt, cuối năm 2022 là khoảng thời gian biến động theo xu thế giảm mạnh của thị trường chứng khoán, với những phiên giảm điểm kỷ lục, VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, điển hình là ngày 25/10/2022, chỉ số VN-Index đã giảm về mức 986,2 điểm.

Nếu như nửa cuối năm 2022 đã bước qua với nhiều khó khăn, trở ngại, thì từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán cũng bắt đầu có tín hiệu khả quan.

Đầu tiên, phải kể đến quyết tâm của Chính Phủ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách như Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030; Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025…

Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ ban hành Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198.400 tỷ đồng; Quốc hội cũng đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm theo đề xuất của Chính phủ…

Đối với chính sách tiền tệ, nhìn thấy rõ ràng nhất trong thời gian vừa qua là động thái của Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5-1,5%) nhằm giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là một trong những thành công của VNX nửa đầu năm nay

Việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là một trong những thành công của VNX nửa đầu năm nay

Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua Chính phủ đã nỗ lực khơi thông các nguồn lực, quyết liệt tác động vào những động lực tăng trưởng nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế và khôi phục những động lực tăng trưởng vốn dĩ đã bị bào mòn ít nhiều sau thời gian dài dịch bệnh và suy giảm kinh tế thế giới. Đó là các giải pháp tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng, chi tiêu công, đẩy mạnh giải ngân trong đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn về cơ chế và giảm bớt gánh nặng tài khóa để thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân và các thị trường nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm chi phí vốn như đã nêu ở trên.

Những động thái này từng bước giúp thị trường tích lũy lòng tin, chính vì vậy, mặc dù còn nhiều biến động, nhưng TTCK vẫn phản ánh xu hướng tích cực trong giai đoạn vừa qua. Tính đến hết tháng 6/2023, chỉ số VN-Index tăng 11,2% so với cuối năm 2022, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt trên 13.700 tỷ đồng/phiên. Tổng số vốn hóa toàn thị trường (3 sàn) 5,78 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.

Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng TTCK trong giai đoạn tới?

Trong thời gian sắp tới, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hình thành những xu thế lớn.

Đầu tiên phải nói đến đó là khung pháp lý sẽ được hoàn thiện và nâng cấp để tiếp tục là cơ sở cho việc vận hành, quản lý; từng bước ra mắt các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu và thông lệ.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các Nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị của Bộ Tài chính, cũng như các bộ, ngành liên quan tham gia vào quá trình đề xuất, sửa đổi Luật và từ đó ban hành các Quy chế liên quan nhằm minh bạch và thống nhất thị trường để thị trường phát triển đúng hướng, ổn định, an toàn, lành mạnh.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con sẽ cải tiến và hoàn thiện chuẩn phân ngành, hệ thống chỉ số, quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán để xây dựng hệ thống chỉ báo nhất quán cho toàn thị trường.

Thứ hai, trong tương lai, thị trường có thể sẽ phát triển theo xu thế chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển bền vững. Thể hiện rõ ràng nhất việc đẩy mạnh phát triển bền vững là việc coi trọng chất lượng quản trị công ty. Khi nền kinh tế phải đối mặt và trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta mới nhận ra rằng việc quản trị công ty tốt có ý nghĩa vô cùng to lớn. Từng có nghiên cứu cho rằng, doanh nghiệp có quản trị công ty tốt sẽ chống chọi tốt với khủng hoảng và vươn lên dễ dàng hơn các doanh nghiệp còn lại.

Nhìn một cách tổng quát, theo báo cáo đánh giá quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2022, hiện nay, việc áp dụng quản trị công ty vẫn còn tương đối thấp. Đây là thách thức không nhỏ đối với các bên hữu quan nếu muốn nâng cao khả năng quản trị công ty cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, đã có rất nhiều doanh nghiệp quy mô vốn lớn đã và đang có xu thế tiếp cận rất nhanh với thông lệ quản trị công ty tốt của thế giới (với mức điểm đạt được là 44,12% theo báo cáo đánh giá quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2022). Trong xu thế xóa nhòa các biên giới thị trường, vấn đề về quản trị công ty, phát triển bền vững luôn được các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các tổ chức đầu tư quốc tế lớn quan tâm hàng đầu.

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay các sản phẩm tài chính bền vững đang ngày càng phổ biến và sẽ là xu thế tất yếu tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính theo hướng bền vững đang là một xu thế mới và đang được phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á cũng như trên toàn thế giới. Trong tương lai, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế toàn cầu này.

Thứ ba là tác động của sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng chuyển đổi số trên thị trường tài chính. Với sự xuất hiện của AI, chất lượng dịch vụ sẽ có sự cải thiện rất lớn, đặc biệt là các dịch vụ tài chính bậc cao như tư vấn đầu tư, quản lý tài sản, quản trị rủi ro, giao dịch thuật toán/tần suất cao… dựa trên phân tích dữ liệu lớn trong môi trường cơ sở dữ liệu tài chính doanh nghiệp ngày một phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển này vừa tạo động lực nhưng cũng đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý, cho các tổ chức vận hành thị trường và cho cả các tổ chức tài chính và môi giới cho thị trường. Đi đôi với lợi ích thì cũng cần có định hướng mới về công tác quản lý cũng như các giải pháp công nghệ về quản lý và giám sát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến đó chính là xu thế hội nhập, hài hòa hóa về tiêu chuẩn với khu vực và quốc tế. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế để quảng bá hình ảnh của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin tài chính cũng được thể hiện trong quá trình đưa vào áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRS). Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, giai đoạn 1 - áp dụng tự nguyện được thực hiện từ năm 2022-2025, giai đoạn 2 - sau năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc IFRS.

Không chỉ vậy, trong tương lai cũng cần đẩy mạnh và đưa vào áp dụng một số chuẩn công bố thông tin để thị trường ngày càng minh bạch hơn: công bố thông tin báo cáo phát triển bền vững; hướng tới áp dụng chuẩn công bố thông tin XBRL (hình thức ngôn ngữ báo cáo tài chính bắt buộc của một số quốc gia cũng như các hệ thống công bố thông tin của các Sở giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới) để nâng cao minh bạch thông tin công bố trên thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan