TTCK Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế

TTCK Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK-online) Ngày 18/2/2008, Hội nghị diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 8 đã diễn ra tại Hà Nội với mục tiêu tìm giải pháp nhằm hài hòa hóa các chuẩn mực của thị trường vốn. Với việc tham gia vào quá trình thống nhất các chuẩn mực ASEAN theo hướng chuẩn quốc tế, TTCK Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình hướng đến sự hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

ACMF được thành lập từ tháng 4/2004 nhằm tạo lập diễn đàn dành cho các cơ quan quản lý chứng khoán ASEAN tư vấn các sáng kiến liên quan đến thị trường vốn. Tổ chức này hoạt động với mục tiêu hài hòa các chuẩn mực về thị trường vốn trong khu vực ASEAN, xúc tiến hội nhập thị trường rộng lớn với trọng tâm là tự do hóa luồng vốn trong khối, huy động nhiều hơn các luồng tiền đầu tư chéo.

Về vấn đề này, bà Dato' Zarinah Anwar, Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Malaysia cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để hạn chế những rào cản trong việc phát hành chứng khoán. Điều này có nghĩa là, các DN có thể huy động vốn từ các nước khác nhau, ví dụ một công ty của Việt Nam muốn huy động vốn từ một nước khác cũng giống như một công ty của Malaysia có thể huy động vốn từ nước nào đó bằng cách phát hành cổ phiếu. Quá trình chuẩn mực hóa các tiêu chuẩn là việc chúng tôi đang nỗ lực thực hiện để tăng cường khả năng các DN phát hành chứng khoán ra các nước trong khu vực”.

Theo bà Dato' Zarinah Anwar, mỗi nhà đầu tư có thể lựa chọn cách thức đầu tư trực tiếp thông qua các môi giới chứng khoán hoặc có thể thông qua việc mua chứng chỉ quỹ hoặc các đơn vị ủy thác đầu tư. Và với việc chuẩn mực hóa các tiêu chuẩn trong khu vực sẽ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro do không quen thuộc với biến động của thị trường, từ đó hạn chế rủi ro khi đầu tư ở nước ngoài.

Các chuẩn mực quản lý thị trường vốn mà ACMF hướng tới bao gồm 4 nội dung: công bố thông tin chào bán chứng khoán; quy tắc phân phối chứng khoán; tuân thủ nguyên tắc kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế khi chuẩn bị báo cáo tài chính; và công nhận lẫn nhau đối với các bằng cấp của người hành nghề chứng khoán chuyên nghiệp.

Hiện nay, các nước trong khu vực đang sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau về công bố thông tin, chuẩn mực kế toán và các quy định về phân phối chứng khoán (thời hạn từ 28 ngày đến 3 tháng), từ đó gây khó khăn cho các DN trong việc chuẩn bị hồ sơ, đồng thời tốn kém thời gian và tiền bạc. ACMF sẽ ban hành một bộ quy định chung về công bố thông tin (được gọi là các chuẩn mực ASEAN) đối với việc chào bán lần đầu các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các chuẩn mực ASEAN phần lớn dựa theo Các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin để chào bán qua biên giới và niêm yết lần đầu của các tổ chức phát hành của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Bên cạnh đó, mỗi nước cũng được linh hoạt trong việc đưa ra các quy định bổ sung (gọi là Các chuẩn mực cộng +). Theo đánh giá của một số nhà đầu tư tổ chức, những chuẩn mực công bố thông tin hiện nay của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới. Do vậy, khi áp dụng Các chuẩn mực ASEAN, nhiều khả năng, việc công bố thông tin trên TTCK Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt hơn.

Về báo cáo tài chính, ACMF đang cân nhắc việc lựa chọn áp dụng các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (International Financial Reporting Standards - IFRS) và Các chuẩn mực quốc tế về kiểm toán (International Standards of Auditing - ISA), nhưng là các chuẩn mực chung đối với việc chuẩn bị báo cáo tài chính được yêu cầu trong các hồ sơ công bố thông tin để chào bán qua biên giới. Hiện nay, chuẩn mực kế toán và kiểm toán của Việt Nam vẫn còn một số khác biệt so với chuẩn mực thế giới, đơn cử như các tính toán chi phí, hàng tồn kho, kết chuyển lợi nhuận... “Nếu áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế vào các DN Việt Nam, nhiều khả năng, hệ số P/E của các DN sẽ tăng khoảng 20% do hiện tại, chúng ta vẫn cho phép tính các khoản khen thưởng (thường chiếm đến 20% lợi nhuận) vào tổng lợi nhuận”, giám đốc phân tích của một quỹ đầu tư cho biết.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hóa đào tạo người hành nghề chứng khoán chuyên nghiệp sẽ là một yêu cầu không thể thiếu để đào tạo các nhà môi giới đáp ứng yêu cầu chung của khu vực, từ đó các nước khối ASEAN có thể công nhận lẫn nhau các chứng chỉ và bằng cấp. Đây là một tiền đề quan trọng để tự do hóa và quốc tế hóa hơn nữa thị trường nhân lực trong lĩnh vực chứng khoán trong nước, vốn được coi là một trong những khó khăn lớn của ngành chứng khoán Việt Nam .

Trao đổi với báo giới, ông Cảnh cho biết, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của TTCK Việt Nam vào khu vực và thế giới, cộng thêm yếu tố tăng trưởng kinh tế thuận lợi với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 dự kiến đạt 8,7%, Việt Nam đang vươn lên đứng ở vị trí thứ 6 trong số 141 quốc gia được khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư (theo khảo sát của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc - UNCTAD). Chất lượng nguồn cung hàng được cải thiện cùng những chuyển biến tích cực theo hướng quốc tế hoá các tiêu chuẩn quản lý, TTCK Việt Nam năm 2008 hứa hẹn những đột phá mới, tiếp tục là điểm đến cho các khoản đầu tư trong khu vực và trên thế giới.