Từ chợ làng đến chợ chứng khoán “phố Uôn”

Từ chợ làng đến chợ chứng khoán “phố Uôn”

(ĐTCK)Chợ tôm tép hay chợ chứng khoán cũng đều là chợ, nhưng sau nó là nhiều nỗi niềm khác biệt...

Đứng từ phía nhà thờ Trinity ở khu Manhattan, TP. New York nhìn về hướng Nam, người ta sẽ thấy một con phố nhỏ, sâu hun hút.

Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi thất vọng vì con phố Uôn (Wall) nổi tiếng, nào là trái tim tiền tệ tài chính thế giới, nào là phố Uôn hắt hơi thế giới rung chuyển… mà lại bé tí thế này ư.

Nhưng đi hết mấy con phố, lại nghe nói giá trị hàng hóa, chứng khoán ở cái chợ này cỡ mười mấy ngàn tỷ Mỹ kim thì chuyển sang ngạc nhiên: con phố chẳng to tát gì, chỉ nhỉnh hơn cái phố Hàng ở quê tôi chút xíu.

Nguyên nhân nào mà nó lại là trung tâm tài chính thế giới, có cái chợ to nhất quả đất, còn con phố quê tôi vẫn chỉ có cái chợ Hàng bé xíu?

 

Chợ chứng khoán phố Uôn

Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh ở Việt Nam, năm 1609, thuyền trưởng Henry Hudson lái một chiếc tàu của Hà Lan sang châu Á. Thời ấy, châu Á có một sức hút rất mạnh với các con tàu buôn của Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp…, bởi họ có thể mua những hàng hóa độc mà người Âu rất ưa chuộng như như đồ gốm sứ Trung Hoa, tơ lụa, hồ tiêu, trà, vàng, bạc, ngọc trai… Không biết do bão gió hay nguyên nhân nào mà vị thuyền trưởng ấy không đến được châu Á mà lại cập vào một cửa biển tận châu Mỹ, đó là vùng New York ngày nay. Vùng đất này được thổ dân gọi theo ngôn ngữ của họ là Manna - Hata với ý nghĩa là hòn đảo có nhiều đồi (Island of hills)...

Thấy vùng đất này trù phú, nhiều lâm thổ sản, da thú, hổ phách, nếu thu mua và mang về bán ở châu Âu sẽ lời lớn, nên sau khi thuyền trưởng báo cáo về nước, người Hà Lan đã đến định cư lập nghiệp. Để có đất sinh sống, làm ăn, người Hà Lan đã thương lượng với thổ dân để mua hòn đảo này với giá khoảng 60 đồng Guilder tiền Hà Lan (tức khoảng 1.600 EUR bây giờ), có tài liệu nói họ đổi cái đảo này bằng mấy chuỗi hạt trang sức thủy tinh màu trị giá khoảng 24 USD. Có lẽ đây là vụ mua bán bất động sản nổi tiếng nhất mà bây giờ người ta còn lưu giữ được những văn tự liên quan. Sau khi có đất, người Hà Lan xây dựng nên một thị trấn nhỏ và đặt tên là Tân Hà lan (New Amsterdam) từ năm 1625.

Giữa vùng đất mới hoang vu, người ta xây dựng những căn nhà nhỏ để làm nơi sinh sống, thu mua lông thú, lâm sản và cất trữ, đợi tàu sang thì bán để chở về châu Âu. Để tránh bị thổ dân đến phá, thú dữ tấn công, họ dựng các bức tường (tiếng Anh, bức tường là Wall) bằng gỗ. Các bức tường này nối liền các căn nhà, tạo thành một lối đi, dần dà thành một con phố và được đặt tên là phố Uôn.

Công việc kinh doanh của người Hà Lan rất phát triển, nhưng quyền sở hữu của họ với khu đất Manhattan và cái tên New Amsterdam không tồn tại được lâu. Người Anh chiếm cứ nhiều vùng đất ở Mỹ. Mảnh đất này nằm giữa các vùng thuộc địa của Anh, vì thế các cuộc giao tranh xảy ra thường xuyên. Đến năm 1664, vua Anh là Charles Đệ Nhị chiếm được toàn bộ đất đai vùng này và giao lại cho Công tước xứ York. Thế là cái tên New Amsterdam được đổi thành New York.

 Do có vị trí nằm gần biển, các thương thuyền dễ dàng cập bến, nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa ở vùng Manhattan ngày càng nhộn nhịp. Thôi thì đủ loại hàng hóa như lông thú, tơ lụa, vải vóc, hổ phách, rượu mạnh, đồng hồ, súng, gươm, đồ trang sức… Họ không chỉ mua bán hàng hóa thật, mà còn mua bán cả những giấy tờ có giá, ví dụ như giấy chứng nhận một lô lông thú, hay giấy tờ chứng nhận hùn hạp một con tàu buôn, giấy tờ sở hữu phần hùn một công ty nào đó - tức là các loại chứng khoán.

Việc mua bán hàng hóa và chứng khoán ở phố Uôn ngày càng nhộn nhịp, có tranh mua, tranh bán, có dìm giá, có giao hàng chậm - tiền trao nhưng cháo chưa múc, có lỡ tàu, hàng không đến, có lừa gạt lẫn nhau. Vì thế, vào một ngày tháng 3/1792, 24 nhà buôn lớn ở New York đã bí mật họp nhau lại và quyết định lập ra một cái chợ để mua bán chứng khoán và tổ chức đấu giá. Sau 2 tháng bàn bạc, chuẩn bị, ngày 17/5/1792, họ cùng nhau ký vào một bản thỏa ước có tên tiếng Anh là Buttonwood Agreement. Họ lấy tên chính loại cây “ngô đồng” Buttonwod, nơi họ vẫn đứng mua bán để đặt tên cho bản hợp đồng đó… 24 thương gia đó đã thành lập nên một cái chợ mà sau này trở thành Sở GDCK New York (New York Stock Exchange) đặt tại số 11 phố Wall.

 Từ chợ làng đến chợ chứng khoán “phố Uôn”  ảnh 1

Chợ Hàng quê tôi

Cũng cùng thời với những người Hà Lan đến lập nghiệp ở khu Manhattan dọc sông Hudson, ở bên kia Thái Bình Dương, tại những vùng đất cửa biển, ven sông Lạch Tray, Hải Phòng cũng đã đón dân cư ở nhiều nơi đến sinh sống. Đất đai trù phú, lúa gạo, nông sản sử dụng không hết, người ta mang ra buôn bán, trao đổi. Họ cũng chọn một khu đất trống gần các khu dân cư, gần sông cận thị, trên gò cao, để làm nơi buôn bán và hình thành nên một cái chợ gọi là chợ Hàng.

Đứng ở chợ chứng khoán phố Uôn, tôi lại lẩn thẩn nghĩ về chợ Hàng quê nhà. Tại sao cái chợ ở gốc cây ngô đồng tại New York thì trở thành sàn GDCK lớn nhất thế giới, buôn bán cả chục ngàn tỷ Mỹ kim, còn cái chợ gốc cây đa, cây gạo quê tôi vẫn là chợ Hàng, quanh quẩn buôn bán chó, gà, ngan, vịt, nông cụ, giống má? Giá mà ngày ấy, thuyền trưởng Henry Hudson không lạc đường, không cập vào New York mà vào vùng Hải Phòng quê tôi; giá mà thời ấy nước ta mở rộng cửa đón tàu buôn nước ngoài; giá mà chúng ta sớm điều hành nền kinh tế theo đúng quy luật thị trường thì có thể cái chợ Hàng quê tôi và Việt Nam đã khác nay nhiều lắm…

Ngày nhỏ, mỗi khi cần mua bán gì, cả nhà tôi đều ngóng trông đến ngày họp chợ. Nhà có đàn chó con mới đẻ, mong từng ngày cho nó nhanh mở mắt, biết ăn cơm để mang lên chợ Hàng bán. Chở cái lồng đến chợ, mẹ con tôi chọn lấy 2 con đẹp nhất bày lên miếng bao tải, tay vuốt ve nựng chó nằm yên, mời chào đon đả, giới thiệu giống chó nhà này thính lắm, giỏi trông nhà, không sủa bậy… Chợ bán hàng hay bán chứng khoán cũng vậy thôi, người ta tìm cách khoe hàng của mình, mỹ miều thì gọi là “công bố thông tin”, là “Road show” đủ cách, mong muốn là sao cho bán được hàng...

Dù chỉ là cái chợ của mấy làng, nhưng chợ Hàng xưa hoạt động rất nề nếp, đi chợ bán hàng, có chỗ ngồi ở chợ thì phải nộp lệ phí. Đầu phiên, giữa phiên rồi gần cuối phiên, ông quản lý chợ cầm xấp vé đi từ đầu chợ đến cuối chợ xé vé thu tiền rồi dán ngay vào cái lồng hay quang gánh hàng để người ta biết mà không bắt mua thêm lần nữa. Giống như chợ chứng khoán phố Uôn, lúc đầu một chỗ ngồi ở chợ chỉ phải đóng vài đồng. Chợ làm ăn phát đạt, buôn bán thu lời nhiều, giá một chỗ bán hàng cứ tăng vù vù. Năm 1817, một chỗ ngồi ở sàn GDCK New York chỉ có 25 Mỹ kim, ba chục năm sau lên 400 đô, còn sau này vào thời buôn “trứng” phát đạt, một chỗ ngồi có giá 4 triệu Mỹ kim.

Chợ chứng khoán phố Uôn lúc đầu nhỏ, sau rất to có thể là do nước Mỹ may mắn hơn ta, không coi buôn bán, thương mại, chợ búa là xấu xa. Thời bao cấp, tiểu thương là những thành phần phải cải tạo, hàng hóa không được mang ra khỏi địa phương. Chợ Hàng quê tôi đang họp dọc theo một con phố, đùng một cái, bị chuyển ra chốn đồng không mông quạnh. Một khu đất trống xa khu dân cư, không một bóng cây, ra vào khó khăn, chỉ được cái lợi cho việc thu thuế và bắt hàng, vì lối ra lối vào là đường độc đạo. May mà nước ta đã thoát ra khỏi thời bao cấp, nhờ cải cách, mở cửa, hàng hóa được buôn bán tự do hơn và chợ Hàng quê tôi lại trở về phố cũ.

Thế nhưng, những mệnh lệnh hành chính về quản lý chợ, di dời chợ, cấm chợ, hay mở chợ trái quy luật thị trường vẫn còn đang xảy ra đâu đó. Hải Phòng có chợ Sắt, Sài Gòn có chợ Văn Thánh và tỉnh nào cũng có vài khu chợ, được xây lên khang trang, nhưng người ta không muốn vào buôn bán. Lại có những chợ hình thành tự phát như kiểu chợ người Giảng Võ, Hà Nội, người ta muốn dẹp mà chưa được…

 Từ chợ làng đến chợ chứng khoán “phố Uôn”  ảnh 2

Chuyển biến thời cuộc

Chợ chứng khoán phố Uôn thành lập năm 1792, vua Quang Trung cũng mất năm 1792. Giá mà ông sống lâu hơn để thực hiện được những cải cách kinh tế thì có thể Việt Nam đã khác nhiều lắm. Thời ấy, dẹp xong giặc giã, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ bắt tay thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Ông ra chiếu cầu hiền, thu hút nhân tài, gạt bỏ mọi định kiến về những người đã từng phục vụ triều vua cũ, thực lòng trọng dụng nhân sỹ. Nhiều người tài giỏi, kể cả danh sĩ Nguyễn Thiếp sau nhiều lần từ chối, cuối cùng cũng nhận lời xuống núi giúp vua. Ông thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia. Tư tưởng “trọng nông ức thương” của Nho giáo gây cản trở kinh tế phát triển cũng đã bị ông loại trừ và thay bằng chủ trương đề cao thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán giữa Đại Việt với nước ngoài. Nhiều thư tịch cổ còn ghi, các tàu, thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đã đến Đàng Trong nước ta để buôn bán từ thời ấy. Nhờ thế mà nội thương và ngoại thương nước ta thời Quang Trung được phát triển. Trong bài phú Tụng Tây Hồ nổi tiếng, nhà nho Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn đã viết:

“Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút,

 thoi oanh nọ ghẹo hai phường

dệt gấm,

lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”,

… “rập rình cuối bãi đuôi nheo,

thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm”.

Nhưng giữa lúc cải cách đang mang lại kết quả thì Quang Trung đột ngột qua đời năm 1792. Lịch sử nước ta rẽ sang một hướng khác.

220 năm sau từ khi Quang Trung mất, năm 2012 đất nước ta đang đứng trước những thử thách lớn về kinh tế - xã hội. Theo dõi những thông điệp và hành động của bộ máy Chính phủ mới, tôi những mong và tin tưởng những quyết sách cải cách sẽ được thực hiện triệt để và sâu rộng, để một ngày nào đó Việt Nam ta trở thành cường quốc.