Vẫn còn nhiều công ty chứng khoán… sống vật vờ

Vẫn còn nhiều công ty chứng khoán… sống vật vờ

(ĐTCK) Nhìn vào bức tranh chung của các CTCK thì thấy kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2014 tăng rất mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đều tốt lên như nhau mà vẫn còn nhiều CTCK đang… sống vật vờ.

Theo thống kê của ĐTCK, 78 CTCK có báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2014 (không tính trường hợp MBS do sáp nhập với VIT) đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.414 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, nhưng thực tế con số này chỉ tập trung ở 35 CTCK và đây cũng là những CTCK có lãi trên 2 tỷ đồng.

Có đến 18 CTCK bị lỗ với tổng lỗ là 15,6 tỷ đồng. Con số này không thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Thậm chí, một vài CTCK cùng kỳ năm ngoái còn có lãi chút đỉnh, nhưng năm nay đã bị thua lỗ. Với một thị trường đầy sôi động như trong quý I/2014, thể hiện qua sự tăng trưởng gần 18% của chỉ số VN-Index và giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân mỗi ngày lên đến 3.200 tỷ đồng so với mức 1.400 tỷ đồng của cả năm ngoái thì việc nhiều CTCK thua lỗ là thực sự khó hiểu.

Khó hiểu trước hết là không biết các CTCK này đang chờ đợi điều gì khác khi mà thị trường sôi động trong quý I/2014 vẫn chưa đủ để khiến chúng có lãi? Và cũng khó hiểu khi mà nhiều CTCK trong số này cứ lỗ triền miên, định hướng phát triển không rõ ràng nhưng các ông, bà chủ của chúng vẫn cứ để yên cho chúng tồn tại.

Có đến 30 CTCK có doanh thu môi giới quý I/2014 không qua được ngưỡng 1 tỷ đồng. Tổng doanh thu môi giới của 30 CTCK này chưa đến 12 tỷ đồng, tức nếu tất cả chúng được gộp chung lại với nhau thì phải mất gần một năm rưỡi mới tạo ra doanh thu môi giới bằng với con số của một mình CTCK TP. HCM (HSC) tạo ra chỉ trong một quý.

Nếu tính bình quân thì một CTCK trong số 30 này không tạo ra nổi 7 triệu đồng doanh thu môi giới mỗi ngày, và đối với CTCK có doanh thu môi giới lớn nhất là Đại Việt (DVSC) thì con số đó cũng chỉ là 15 triệu đồng. Đa số các CTCK này đều bị lỗ hoặc lợi nhuận không đáng kể, và dường như đó là kết cục hiển nhiên.

Cũng lưu ý rằng, môi giới vẫn là mảng kinh doanh chính và nền tảng của hầu hết các CTCK hiện nay. Điều đó muốn nói rằng, với tổng vốn điều lệ hơn 5.440 tỷ đồng của 30 CTCK kia mà tạo ra doanh thu môi giới chưa đến 12 tỷ đồng thì thực sự là quá tệ.

Về lợi nhuận, nếu không tính trường hợp đột biến của CTCK Techcombank (TCBS) thì tổng lãi trước thuế của 29 CTCK còn lại cũng chỉ có 39 tỷ đồng, tức tất cả những CTCK này cùng làm một năm chỉ bằng HSC làm một quý.

TCBS lãi đột biến là do trong kỳ ghi nhận doanh thu tư vấn tài chính gần 12 tỷ đồng và tư vấn phát hành trái phiếu gần 128 tỷ đồng.

Như vậy, tổng doanh thu tư vấn quý I/2014 của TCBS lên đến gần 140 tỷ đồng, lớn nhất trong số các CTCK và thậm chí lớn hơn rất nhiều lần doanh thu tư vấn của tất cả các CTCK khác cộng lại.

Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tư vấn của TCBS chưa đến 37 triệu đồng. Báo cáo tài chính cũng như giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh quý I/2014 đều không giải thích rõ hơn con số doanh thu tư vấn đột biến kia.     

Tin bài liên quan