Vẫn khó “chốt” quy định Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy vẫn khó “chốt” quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

Vấn đề này, qua nhiều phiên thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ năm.

Ý kiến khác đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân, không làm dự án nhà ở xã hội.

Một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, mà trách nhiệm này thuộc về UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ kinh phí đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là từ nguồn nào. Báo cáo của Chính phủ và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội hai phương án.

Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thi.

Tuy nhiên, theo phương án này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội...

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.

Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi), vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ khó khăn về nguồn lực, khó bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chính sách.

Vì vậy, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được thông qua vào cuối Kỳ họp thứ sáu này.

Tin bài liên quan