Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã khá hoàn thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, nhưng ở mục tiêu dài hạn đến năm 2030, dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại tọa đàm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại tọa đàm.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại toạ đàm “Hiện thực hoá Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, do Bộ Xây dựng và VTC1 phối hợp tổ chức chiều 19/10.

Theo Bộ Xây dựng, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.

Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Bộ Xây dựng, trong đó phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án.

Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án; nhà ở công nhân 03 dự án.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 đã xác định.

Vì vậy, bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.

Đối với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương hiện nay đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Theo đó, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

“Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, khoảng 428.000 căn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá.

Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu dài hạn đến năm 2023, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới. Vì vậy, sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp là rất cần thiết để có thể hoàn thành mục tiêu Đề án đặt ra.

Tin bài liên quan