VinaCapital theo đuổi chiến lược phòng vệ

VinaCapital theo đuổi chiến lược phòng vệ

(ĐTCK) Liên tục mua lại chứng chỉ quỹ của chính mình, hành động của Công ty quản lý quỹ VinaCapital khiến giới đầu tư phải đặt câu hỏi.

Liên tục mua lại cổ phiếu

Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2013 diễn ra 2 ngày qua có sự tham dự của hơn 80 nhà đầu tư nước ngoài. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 8 với nội dung đánh giá hoạt động đầu tư trong năm 2012 của các quỹ do VinaCapital quản lý (niên độ tài chính bắt đầu tư tháng 7 hàng năm), đồng thời nhìn nhận toàn cảnh môi trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Những ngày trước khi hội nghị diễn ra, ba quỹ đầu tư có tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ USD (nếu tính nợ vay thì lên đến 3 tỷ USD) do VinaCapital quản lý đã không ngừng mua lại chứng chỉ quỹ của chính mình, với tổng số tiền chi ra luỹ kế đến nay lên đến 163,3 triệu USD. Cụ thể, ngày 11/10/2013, quỹ lớn nhất của VinaCapital là Vietnam Opportunity Fund (VOF) thông báo đã mua lại thêm 24.410 chứng chỉ quỹ. Như vậy, đến thời điểm này, VOF đã bỏ ra 139,6 triệu USD mua lại tổng cộng 75.289.161 chứng chỉ quỹ, chiếm 23,2% tổng số chứng chỉ quỹ phổ thông của quỹ này. Còn đối với quỹ hạ tầng Vietnam Infrastructure (VNI), ngày 4/10/2013, quỹ này đã mua lại thêm 2.324.400 chứng chỉ quỹ. Luỹ kế đến nay, VNI đã chi ra 13,4 triệu USD mua lại tổng cộng 39.651.134 chứng chỉ quỹ, chiếm tỷ lệ 9,86%.

Quỹ VinaLand (VNL) chuyên đầu tư vào bất động sản cũng thế. Ngày 9/10/2013, VNL đã mua lại thêm 300.000 chứng chỉ quỹ. Đến nay, VNL đã chi 10,3 triệu USD mua lại 20.019.395 chứng chỉ quỹ, chiếm tỷ lệ 4%. Đối với VOF và VNI thì chứng chỉ quỹ mua lại được dùng làm chứng chỉ quỹ quỹ, còn với VNL thì chứng chỉ quỹ mua lại được huỷ bỏ.

Tại Hội nghị, trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về những vấn đề liên quan đến việc mua lại chứng chỉ quỹ, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital, cho biết, việc mua lại chỉ là cách trả lại tiền cho nhà đầu tư, cũng không khác gì hình thức trả cổ tức nhưng có điều chia cổ tức thì nhà đầu tư phải chịu thuế thu nhập, còn trả bằng cách mua lại chứng chỉ quỹ thì không.

Thực tế, khi mức chiết khấu (chênh lệch giữa giá giao dịch trên thị trường và giá trị tài sản ròng) của một quỹ nào đó quá cao thì thường nhà quản lý quỹ sẽ không vui. Một mặt, họ rất khó kêu gọi thêm vốn, mặt khác họ bị săn đuổi bởi các quỹ “kền kền” (thâu tóm, ép giải thể và thanh lý tài sản để kiếm lời). Trong những trường hợp này, các quỹ đầu tư thường mua lại chứng chỉ quỹ của chính mình, giống như các quỹ của VinaCapital đang làm.

Ông Andy, trong khi giới thiệu về tốc độ tăng trưởng của các Quỹ, đã nói: “Có một điều khiến cho VinaCapital rất buồn, đó là giá trên thị trường đang thấp hơn giá trị tài sản ròng, mức chiết khấu cao”. VinaCapital đang cố gắng để giảm mức chiết khấu. Tại các mức giá giao dịch ngày hôm qua, chứng chỉ quỹ của VOF đang có mức chiết khấu là 29,7%, VNI là 30,2% và đặc biệt VNL lên đến 57,7%.

 

“Nhắm” đến những ngành phòng vệ

Ông Andy nói, những doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực phòng vệ như hàng tiêu dùng, y tế, nông nghiệp và hạ tầng sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận rất khả quan và là đối tượng quan tâm của VinaCapital. Thời gian vừa qua, VOF đã đầu tư nhiều vào những doanh nghiệp như Vinamilk (VNM), Kinh Đô (KDC), Đạm Phú Mỹ (DPM)… Vinamilk là một trong những địa điểm mà VinaCapital sẽ dắt các nhà đầu tư đến tham quan trong chuỗi các sự kiện của hội nghị nhà đầu tư lần này.

Theo ông Andy, một trong những lý do khiến cho một quỹ có mức chiết khấu cao đó là tính thanh khoản của các tài sản mà quỹ đó đang nắm giữ thấp. Vì thế, để cải thiện tình hình, các quỹ của VinaCapital sẽ cơ cấu lại danh mục theo hướng tập trung vào những tài sản có tính thanh khoản cao.

Riêng đối với VOF, quỹ này sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội thoái vốn ở các tài sản có giá trị cao trong danh mục, cân đối lại danh mục đầu tư vào bất động sản, tập trung vào các công ty niêm yết thay vì các dự án. Bên cạnh đó, VOF cũng nhắm đến các cổ phiếu niêm yết tốt đang được thị trường định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng.

Còn đối với các quỹ đầu tư vào bất động sản và hạ tầng, tài sản của các quỹ này cũng không thể kỳ vọng có tính thanh khoản cao như các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có lựa chọn. Ông Andy cho biết, giá chung cư cao cấp vẫn tiếp tục giảm do tình trạng dư thừa nguồn cung, còn thị trường tầm thấp và tầm trung có sự sôi động hơn. Các chính sách của Chính phủ hỗ trợ phân khúc nhà giá rẻ giúp cải thiện niềm tin phân khúc thị trường này. Mảng khách sạn tuy tính thanh khoản không cao nhưng tạo ra lợi nhuận ổn định do giá phòng tăng đều, công suất khai thác cao. Việc đầu vào Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội thời gian qua mang lại cho VinaCapital kết quả tốt.