Các mặt hàng cà phê, cao su được đặc tả sản phẩm, kỳ hạn giao hàng tương đồng với các sàn nước ngoài

Các mặt hàng cà phê, cao su được đặc tả sản phẩm, kỳ hạn giao hàng tương đồng với các sàn nước ngoài

VNX không làm đại lý cho các sàn hàng hóa khác

(ĐTCK) VNX đang tập trung phát triển mạng lưới thành viên, đại lý, với chủ trương phát triển song song cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Ngày 1/2, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) đã thông báo chấm dứt tư cách thành viên môi giới của Công ty TNHH một thành viên Hải Lưu. Lý do là Hải Lưu đã vi phạm quy chế thành viên môi giới của VNX. Ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc VNX cho hay, theo quy chế của Sở thì sau một thời gian nhất định, các thành viên môi giới không triển khai các hoạt động đã đăng ký sẽ phải chấm dứt tư cách thành viên. Sự chậm trễ của Hải Lưu không hẳn vì họ không muốn triển khai hoạt động, mà chính sự ảm đạm của thị trường đã khiến các nhà môi giới rất khó hoạt động.

Một thành viên môi giới khác của VNX cho hay, để duy trì hoạt động, họ đã phải triển khai nhiều hoạt động kinh doanh khác, chứ không trông chờ gì ở việc môi giới cho nhà đầu tư giao dịch hàng hóa. Ở thời điểm này, họ cũng không thuyết phục nhà đầu tư tham gia thị trường hàng hóa vì khả năng thắng lợi trong các thương vụ giao dịch rất thấp. Lôi kéo đầu tư như vậy sẽ khó giữ được khách giao dịch lâu dài.

Ông Phương cũng chia sẻ, VNX xác định sẽ phải mất thời gian khá lâu để NĐT làm quen và đến với kênh giao dịch này. Sau hơn 1 năm triển khai hoạt động, Sở giao dịch hàng hóa cũng nhận ra mình khó có thể đơn thương độc mã trong hành trình dài hơi. “Chúng tôi đang tập trung phát triển mạng lưới thành viên, đại lý. Chủ trương của VNX là phát triển song song cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Bằng cách phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng và các trường đại học, việc phổ biến kiến thức, đào tạo cho các nhà đầu tư tiềm năng của VNX sẽ có trọng tâm hơn trong năm 2012”, ông Phương nói.

Trước những nghi ngại của nhà đầu tư khi tiền và tài sản của họ tại các CTCK không được đảm bảo có thể xảy ra tương tự tại sàn hàng hóa, lãnh đạo của Sở giao dịch này khẳng định, khó có thể lặp lại tình trạng trên. Lý do là theo các quy định của Bộ Công Thương, tiền và tài sản của nhà đầu tư hàng hóa đã được tách bạch quản lý qua các ngân hàng thanh toán. Mọi hoạt động của Sở giao dịch đều phải tuân thủ các quy định pháp luật và chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Công Thương. Vì thế, “khó có chuyện cắc cớ trong thanh toán hoặc giao hàng”, ông Phương khẳng định.

Dẫu vậy, không ít nhà đầu tư quan tâm đến kênh hàng hóa vẫn chưa thực sự tin tưởng vào cách vận hành của thị trường giao dịch này. Anh Linh, một nhà đầu tư từng giao dịch hàng hóa trên các sàn quốc tế cho hay, anh đã mở tài khoản giao dịch tại VNX. Do khối lượng và giá trị khớp lệnh tại sàn thấp nên có thể các vấn đề trục trặc trong thanh toán chưa xảy ra. Bước sang năm 2012, nhà đầu tư này lo ngại, nếu tính thanh khoản trên sàn hàng hóa Việt Nam không được cải thiện sẽ khó thu hút đông đảo nhà đầu tư. Anh giải thích: “Rõ ràng, khi muốn đóng trạng thái mà không tìm được lệnh đối ứng anh sẽ phải chờ, rủi ro lỗ do đó sẽ lớn hơn. Chơi trên sàn quốc tế do vậy vẫn được nhà đầu tư ưu tiên”.

Trong giai đoạn khó khăn trước mắt, liệu VNX có tính đến việc trở thành đại lý cho các sàn hàng hóa quốc tế tại Việt Nam ? Trả lời câu hỏi này, ông Phương cho hay, VNX đều đưa ra các chuẩn hàng hóa dựa trên các chuẩn hàng hóa quốc tế. Các mặt hàng cà phê, cao su được đặc tả sản phẩm, kỳ hạn giao hàng đều tương đồng với các sàn nước ngoài. VNX tập trung phát triển giao dịch trong nước, hỗ trợ kiến thức cho nhà đầu tư tham gia sàn hàng hóa Việt Nam , chứ không có kế hoạch làm đại lý cho các sàn hàng hóa khác.

Vạn sự khởi đầu nan, 1 năm chưa phải quãng thời gian dài, để sàn hàng hóa phát triển tại Việt Nam không dễ, nhất là khi kinh tế chung còn nhiều khó khăn. Với những nhà đầu tư bỏ vốn vào kênh đầu tư mới mẻ này, xác định một lộ trình dài hơi và tìm kiếm thêm đồng minh có lẽ là lựa chọn khả thi nhất.