VPBank (VPB) đặt kịch bản lạc quan cho 2024

VPBank (VPB) đặt kịch bản lạc quan cho 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nền tảng vốn vững chắc xây đắp trong năm 2023 cùng tiềm lực tài chính hùng hậu, VPBank kỳ vọng sự phục hồi của thị trường trong năm 2024 sẽ mang tới một kịch bản tăng trưởng lạc quan cho ngân hàng và các công ty con trong hệ sinh thái.

Kịch bản lạc quan

Là một trong những ngân hàng đầu tiên tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 ngay trước thềm Tết Nguyên đán, lãnh đạo VPBank cho biết, thị trường đang có nhiều thông tin tích cực, mang hy vọng cải thiện hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cho ngân hàng trong năm 2024.

Bức tranh vĩ mô đầu năm 2024 hiện có nhiều yếu tố thuận lợi, khi tỷ giá, lãi suất, lạm phát vẫn giữ ở mức ổn định. Cầu tiêu dùng cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ sức mua gia tăng trong dịp Tết, trong khi đầu tư - gồm cả dòng vốn đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Ngân hàng, theo đó đã xây dựng kịch bản kinh doanh tăng trưởng trên 20% (số liệu cụ thể sẽ được trình tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức trong tháng 4). Mức tăng trưởng thực tế còn thay đổi tùy theo điều kiện thị trường và định hướng kinh doanh để đảm bảo an toàn hoạt động.

Dù không nêu con số cụ thể, vị lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cho biết, VPBank nằm trong nhóm ngân hàng được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong hệ thống từ đầu năm.

Về cơ bản, định hướng kinh doanh của VPBank vẫn tiếp tục tập trung vào tăng trưởng quy mô đồng bộ ở nhiều phân khúc, thúc đẩy hoạt động hệ sinh thái, đi đôi với củng cố nền tảng hệ thống, quản trị chất lượng tài sản toàn diện và đẩy mạnh các chiến lược phát triển bền vững.

“Chiến lược của VPBank vẫn là bám sát động lực tăng trưởng của nền kinh tế ở các phân khúc khách hàng, tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị của hệ sinh thái ngân hàng”, lãnh đạo của VPBank chia sẻ với các nhà đầu tư.

Nền tảng vốn được củng cố trong năm 2023 được coi như một bệ phóng vững chắc cho VPBank để đạt được những kết quả khả quan trong năm 2024. Theo đó, VPBank đã hoàn tất kế hoạch phát hành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược SMBC, tập đoàn tài chính lớn thứ hai Nhật Bản, giúp đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên gần 140.000 tỷ đồng (tăng gần 36%) so với năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đã lên đến 17,1%, ở mức cao nhất trong các ngân hàng.

Sức mạnh cộng hưởng

Việc tập trung xây dựng bảng cân đối vững mạnh là nền tảng cho phép VPBank nâng cao vị thế, tăng trưởng ổn định và bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có một tệp khách hàng hùng hậu và hệ sinh thái toàn diện giúp đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu cơ hội thị trường mang lại.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VPBank đạt 817.000 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là việc tăng trưởng huy động vốn diễn ra toàn diện trên tất cả các phân khúc chiến lược, chứ không chỉ đơn thuần từ phát hành thêm cho cổ đông chiến lược như đã nhắc ở trên.

Chẳng hạn, lượng huy động gồm giấy tờ có giá của ngân hàng mẹ tăng trưởng vượt trội 37,1%, cao hơn trung bình ngành. Hay con số lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 33%, nâng tỷ lệ CASA trong cơ cấu huy động lên 17,6%.

Chưa hết, VPBank còn tiếp tục huy động thành công dòng vốn dài hạn quốc tế, giúp tối ưu chi phí vốn và củng cố bảng cân đối tài sản. Theo đó, Ngân hàng đã ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD (tương đương 7.200 tỷ đồng), kỳ hạn 7 năm với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), để thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam.

Trên thực tế, các chỉ tiêu huy động vốn tăng nhanh không chỉ giúp VPBank đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thanh khoản, mà còn là dư địa để mở rộng tín dụng nhanh chóng khi cần thiết.

Một điểm đáng ghi nhận khác ủng hộ cho kịch bản tăng trưởng lạc quan là việc các phân khúc khách hàng mục tiêu của VPBank đều tăng trưởng rất tốt trong năm 2023. Theo đó, hệ sinh thái của ngân hàng tiếp tục mở rộng độ phủ lên đến hơn 30 triệu người.

Tính riêng phân khúc khách hàng cá nhân, ngân hàng ghi nhận 4 triệu khách hàng tăng thêm so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng ở phân khúc khách hàng cá nhân tăng 25% với động lực từ sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng. Đóng góp tích cực cũng kể đến hai mảng mới là dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm. Lãnh đạo VPBank cho biết kết quả này đạt được nhờ ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp tài chính toàn diện và cá thể hóa cho từng nhóm khách hàng, đồng thời tập trung vào nền tảng số.

Động lực tăng trưởng còn đến từ phân khúc quan trọng là mảng cho vay tiêu dùng. Trên thực tế, trong năm ngoái, tính riêng ngân hàng mẹ VPBank vẫn giữ đà tăng trưởng cao, nhưng đối mặt với áp lực từ mảng tài chính tiêu dùng gánh chịu nhiều tổn thương từ môi trường không thuận lợi - theo đó phục hồi chậm hơn dự kiến. Việc tăng chi phí dự phòng để phản ánh chất lượng nợ đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận hợp nhất.

Cách làm của VPBank là cải thiện mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro thận trọng hơn, đồng thời tập trung vào các phân khúc khách hàng ít rủi ro để bảo toàn chất lượng tài sản.

Trong 6 tháng cuối năm 2023 và tháng 1/2024, VPBank đã ghi nhận các tín hiệu lạc quan từ FE CREDIT khi ghi nhận lỗ chuyển thành lãi. Do đó, Ngân hàng kỳ vọng sự trở lại của FE CREDIT sẽ đóng góp tích cực vào kịch bản tăng trưởng chung cho ngân hàng trong năm nay.

Tin bài liên quan