Thương trường khốc liệt, đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp phải có bản lĩnh và tầm nhìn rộng trong mỗi quyết định.

Thương trường khốc liệt, đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp phải có bản lĩnh và tầm nhìn rộng trong mỗi quyết định.

Vươn lên trong vùng nhiễu động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những cơn gió ngược đến từ năm 2022 và dự báo sẽ còn thường xuyên hơn trong năm 2023 đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc kinh doanh bền vững với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.

Nhiều thách thức ở phía trước

“Không là không. Loại hết doanh nghiệp bất động sản, chỉ ưu tiên doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn trả lời dứt khoát khi cộng sự gọi điện thoại xin ý kiến về việc một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở ở TP.HCM, có quỹ nước ngoài đầu tư, ngỏ ý được cầm cố cổ phiếu để vay tiền.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, vị tổng giám đốc chia sẻ, các cộng sự của ông có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn “say đòn”, chưa tỉnh táo để tránh được ổ voi, ổ gà còn đầy rẫy phía trước.

“Thương trường khốc liệt, đòi hỏi phải có bản lĩnh và tầm nhìn rộng trong mỗi quyết định”, ông nói.

Chính vị CEO này đã chỉ đạo cộng sự đua lệnh để bán giải chấp bằng được những mã cổ phiếu mà công ty cho repo. Sóng hồi của thị trường nửa cuối tháng 11/2022 đã giúp họ bán được hàng triệu cổ phiếu cầm cố, thoát nợ xấu, thu hồi vốn cho vay. Nhưng không phải công ty chứng khoán nào cũng bản lĩnh và có độ nhạy để quyết định như vậy. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của nhiều công ty chứng khoán được dự báo sẽ có khoản mục nợ xấu gia tăng.

Doanh nghiệp bất động sản thì không nói ai cũng biết về những gian nan. Chủ tịch một công ty địa ốc cỡ trung có trụ sở tại Hà Nội cho biết, “công ty ngồi chơi từ quý III/2022 nên kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua đầu năm không hoàn thành. Càng làm càng lỗ thì tốt nhất là ngồi im”.

Công ty này có dự án đất nền ở một tỉnh vùng biển phía Bắc, đủ điều kiện mở bán, sản phẩm hướng đến nhu cầu ở thực của người dân, diện tích mỗi lô đất "khá vừa tiền", được nhận định ra hàng sẽ sớm hết. Dù vậy, bối cảnh thị trường như hiện nay khiến họ phải ém lại, vì e ngại nổ phát súng bán hàng (dự kiến bán dự án trong 3 năm) mà ế thì dông. Đây cũng là tâm lý của một doanh nghiệp có dự án bất động sản tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, theo kế hoạch mở bán vào tháng 6/2022, đến nay lùi chưa có thời hạn.

Dự báo, bức tranh lợi nhuận quý cuối năm 2022 của khối doanh nghiệp niêm yết có nhiều gam màu xám.

Ngay ở lĩnh vực được cho là dễ thở như chế biến thủy sản, bức tranh kinh doanh cũng không mấy sáng sủa. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI chia sẻ: “Quý IV/2022, lợi nhuận của chúng tôi không tốt. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc phải sau Tết Nguyên đán may ra mới có thể bình thường”.

Với những khó khăn chung của nền kinh tế, của nhiều ngành, lĩnh vực đã được chỉ rõ, dự báo bức tranh lợi nhuận quý cuối năm 2022 của khối doanh nghiệp niêm yết có nhiều gam màu xám.

Từ khóa “kinh doanh bền vững”

Vay nợ và tham vọng vượt quá năng lực tài chính và quản trị đang đẩy nhiều doanh nghiệp, thậm chí có mặt trong bộ chỉ số VN30, rơi vào tình thế nguy ngập. Có doanh nghiệp ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền lên tới hơn 30.000 tỷ đồng trên kỳ báo tài chính gần nhất (quý III/2022), nhưng không có khả năng trả nợ vay, vì tiền người mua nhà trả trước (chiếm chủ yếu trong số này) bị ngân hàng giữ chặt.

Hàng chục dự án chưa hoàn thành pháp lý, nhưng doanh nghiệp đổ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện M&A, khiến tiền bị “chôn vùi”, nợ chồng nợ, dự án không thể triển khai để có sản phẩm bán ra thu tiền về. Đây là bài học mà nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp đang phải trả giá.

Quản trị rủi ro cũng là yêu cầu tiên quyết mà nhiều doanh nghiệp phải chú trọng trong năm 2023. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất, bài học “bỏ trứng vào một giỏ” như Gilimex khi đối tác chính là Amazon “quay xe” do lâm vào khó khăn vẫn còn rất thời sự.

Nỗi lo lớn của nhiều thành viên thị trường vẫn là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo thị trường trái phiếu của FiinGroup cho biết, vào cuối quý III/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 54 tỷ USD, tương đương 15% GDP. Bóc tách giá trị trái phiếu do ngân hàng phát hành - loại có rủi ro thấp, thì số trái phiếu của các doanh nghiệp “phi ngân hàng” còn khoảng 38 tỷ USD.

Trong đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản còn khoảng 19 tỷ USD (455.000 tỷ đồng). Con số này tương đương 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng và có sự phân hóa về chất lượng tín dụng từ cao cho đến thấp, không phải mọi nhà phát hành đều gây rủi ro.

Tuy nhiên, tổng giám đốc nhiều doanh nghiệp và công ty chứng khoán khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều bày tỏ quan điểm thận trọng. Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay nằm ở vấn đề nội tại các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn.

Thứ nhất, ở tài sản đảm bảo, một khu đất có giá trị 1.000 tỷ đồng có thể được khuếch đại thành 10.000 tỷ đồng nhằm phục vụ đợt huy động trái phiếu quy mô 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai, doanh nghiệp phát hành thường sử dụng vốn sai mục đích so với thông tin công bố trong bản cáo bạch. Việc Thanh tra Chính phủ lên tiếng sẽ mạnh tay thanh tra các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và 30 doanh nghiệp có tên trong danh sách này là ẩn số với thị trường chứng khoán.

Làn sóng mua lại trái phiếu trước thời hạn đã và đang âm thầm diễn ra. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại lên đến hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này, xuất hiện nhiều công ty bất động sản và tổ chức tư vấn, đại lý phát hành.

Thời gian tới, các doanh nghiệp được nhận định sẽ bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ.

“Tôi dự đoán, vào giữa năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp biến mất hoặc sống vật vờ”, vị chủ tịch doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội nói.

Vươn lên trong vùng nhiễu động

Trong lĩnh vực phân phối, các công ty như MGW, DGW, FPT Retail đang đối mặt với nhu cầu tiêu thụ giảm, nhất là mặt hàng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Trong khi đó, sản phẩm Iphone mới không có hàng để bán do vấn đề về chuỗi cung ứng của nhà sản xuất, nên doanh thu không tăng như kỳ vọng. Mặc dù vậy, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc DGW cho biết, nhu cầu sản phẩm Iphone vẫn còn nên khi Trung Quốc bỏ giãn cách, hàng hóa sẽ được cung ứng ổn định trở lại.

Với các ngành hàng khác, DGW đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Công ty kỳ vọng vào các nhà cung cấp mới, các nhãn hàng, lĩnh vực mới để duy trì mục tiêu tăng trưởng chung là 30%. Năm 2023, DGW sẽ có thêm nhãn hàng điện thoại và các dòng thiết bị gia dụng mới, cùng sự đóng góp từ Achison là công ty mà DGW đã bỏ ra 250 tỷ đồng để mua lại 49% cổ phần trong quý III/2022.

Sự chuyển động của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt cơ hội để phục hồi và bứt phá khi thị trường đi qua giai đoạn khó khăn nhất có thể ví như tia nắng ấm, kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán sớm đi qua mùa đông lạnh lẽo.

Một khảo sát gần đây của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, 53,6% doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh tại Việt Nam dự báo, lợi nhuận năm 2023 sẽ được cải thiện so với năm 2022, chỉ có 6,9% dự kiến xấu đi. Đây là mức lạc quan so với toàn khu vực châu Á và châu Đại Dương. Đặc biệt, 60% doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, với động lực đến từ cả khối sản xuất và bán hàng.

Có lẽ, câu nói của triết gia Søren Kierkegaard là điều doanh nghiệp và nhiều thành viên thị trường thấm thía: “Chỉ có thể thấu hiểu cuộc sống khi nhìn lại, nhưng cần phải sống tiến về phía trước”.

Tin bài liên quan